“Cơ chế tự chủ đã phát huy tính năng động của bệnh viện, khuyến khích và tạo điều kiện trong việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phát triển các hoạt động sự nghiệp, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến hiện đại đồng thời tăng nguồn thu cho bệnh viện”-
GS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện k đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên về việc thực hiện tự chủ tài chính tại Bệnh viện K trong thời gian qua.
GS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K
Chủ động huy động các nguồn ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở, trang thiết bị
PV: Xin ông cho biết những kết quả nổi bật đã đạt được trong thực hiện tự chủ tài chính của Bệnh viện K thời gian qua? Đâu là những nguyên nhân giúp Bệnh viện K thực hiện tự chủ tài chính với những kết quả đạt được đó?
GS.TS Trần Văn Thuấn: Bệnh viện K là bệnh viện hạng I, tuyến trung ương, chuyên khoa đầu ngành Ung bướu, có 3 cơ sở hoạt động với chỉ tiêu kế hoạch giường bệnh được Bộ Y tế giao là 2.400 giường bệnh, trong đó có 1700 giường điều trị nội trú, 300 giường điều trị ban ngày và 400 giường dịch vụ theo yêu cầu.
Từ năm 2016 trở về trước, Bệnh viện K là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần kinh phí chi thường xuyên, thuộc nhóm 3 theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP. Từ năm 2017, bệnh viện được Bộ Y tế giao là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên, tức là thuộc nhóm 2. Hiện tại, Bệnh viện K đang cùng 3 bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức và Chợ Rẫy xây dựng đề án thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm hoàn toàn, tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1), đã trình lên Bộ Y tế và Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ ủng hộ và dự kiến sẽ sớm ban hành Nghị định thí điểm cơ chế tự chủ trên cho 4 bệnh viện.
Với nhiều năm kinh nghiệm thực hiện tự đảm bảo một phần và đặc biệt tự đảm bảo toàn bộ kinh phí chi thường xuyên từ năm 2017, Bệnh viện K đã có những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người bệnh nói riêng và người bệnh ung thư nói chung.
Người dân chờ khám chữa bệnh tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều
Mỗi năm, bệnh viện tiếp đón hơn 400.000 lượt khám bệnh (tăng gần 50% so với thời điểm trước năm 2016), điều trị nội trú cho hơn 45.000 người bệnh (tăng hơn 20% so với thời điểm trước năm 2016). Những năm trở lại đây, bệnh viện cũng đã áp dụng triển khai rất nhiều kỹ thuật mới, công nghệ cao như chụp PET/CT phục vụ chẩn đoán và đánh giá giai đoạn bệnh, ứng dụng hệ thống xạ trị gia tốc đa lá, đa mức năng lượng, dưới hướng dẫn CĐHA…
Và sắp tới đây Bệnh viện K sẽ đưa vào triển khai hệ thống phẫu thuật nội soi Robotic, phẫu thuật Gamma knife và xa hơn nữa là hệ thống xạ trị proton, hạt nặng đầu tiên tại Việt Nam. Báo cáo kết quả về tài chính cho thấy doanh thu của bệnh viện có mức tăng trưởng tốt: năm 2017 tăng hơn 40% và năm 2018 tăng gần 20%.
Đạt được kết quả nêu trên chính là do bệnh viện đã có những bước đi đúng đắn khi thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Cơ chế tự chủ đã phát huy tính năng động của bệnh viện, khuyến khích và tạo điều kiện trong việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phát triển các hoạt động sự nghiệp, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế tiên tiến hiện đại đồng thời tăng nguồn thu cho bệnh viện.
Bệnh viện đã không trông chờ, ỷ lại vào ngân sách Nhà nước (NSNN) mà chủ động huy động các nguồn ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở, trang thiết bị nhằm phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị, từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng đa dạng của các tầng lớp nhân dân. Chính vì vậy, người bệnh đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện K đã được tiếp cận với những dịch vụ kỹ thuật công nghệ cao như chụp PET/CT, xạ trị đa mức năng lượng…
Tự chủ không có nghĩa là chạy theo lợi ích kinh doanh, tìm mọi cách tăng nguồn thu
Bệnh viện K đã đưa vào sử dụng nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ người bệnh
PV: Nhiều ý kiến băn khoăn về việc khi thực hiện tự chủ, các bệnh viện liệu có chạy theo lợi ích kinh doanh để tăng nguồn thu mà làm ảnh hưởng đến túi tiền của người bệnh, ông nghĩ sao về điều này?
GS.TS Trần Văn Thuấn: Tôi phải nhấn mạnh rằng thực hiện tự chủ không có nghĩa là chạy theo lợi ích kinh doanh, tìm mọi cách tăng nguồn thu, điều quan trọng nhất là tạo uy tín để thu hút người dân, người bệnh đến với bệnh viện; xem người bệnh là trung tâm.
Do vậy, ngoài công tác chuyên môn, triển khai dịch vụ kỹ thuật mới, trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang, đổi mới tinh thần thái độ phục vụ tiến đến sự hài lòng người bệnh, môi trường cảnh quan xanh sạch đẹp, an ninh đều hết sức quan trọng. Chính vì thế, bệnh viện luôn chú trọng việc đào tạo, đào tạo liên tục và đào tạo lại đội ngũ y, bác sĩ, người lao động về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, để nâng cao chất lượng phục vụ, sánh ngang với các bệnh viện trong khu vực và quốc tế, làm sao để người Việt Nam không mất hàng tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh.
Chứng minh những điều đó, Bệnh viện K đã thực hiện tiếp đón người bệnh từ 5h45 và bắt đầu khám chữa bệnh từ 6h sáng hàng ngày, thực hiện khám bệnh, điều trị, phẫu thuật vào ngày thứ Bảy. Bên cạnh đó, các cán bộ, nhân viên của bệnh viện luôn được khuyến khích trau dồi kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ, những hội thảo trong nước, quốc tế cập nhật phác đồ điều trị, những khóa học ngắn hạn, dài hạn tại nước ngoài… được tổ chức thường xuyên.
Bên cạnh đó, khi giao quyền tự chủ tài chính, đòi hỏi các bệnh viện phải thay đổi tinh thần thái độ phục vụ tốt hơn, năng động hơn trong quản lý, chặt chẽ hơn trong tổ chức để đảm bảo nâng cao chất lượng bệnh viện. Đảm bảo tự chủ về tài chính hoàn toàn phải đảm bảo được nguồn thu, trong đó có cơ chế thoáng về giá dịch vụ.
Việc điều chỉnh mức giá thu dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu thực tế của bệnh viện nhưng đảm bảo không vượt mức giá quy định chung của Nhà nước. Làm được điều này, bệnh viện sẽ tạo được tính cạnh tranh, nâng thương hiệu bệnh viện đối với người bệnh.
Cán bộ y tế và người lao động phải nỗ lực thay đổi vì sự hài lòng người bệnh
Chăm sóc bệnh nhân tại Khoa Nhi- Bệnh viện K
PV: Thưa ông, việc giao tự chủ tài chính đồng nghĩa với việc người bệnh sẽ là người trả lương cho mình, vậy đội ngũ cán bộ, bác sĩ, người lao động Bệnh viện K có những thay đổi nhận thức như thế nào trong phục vụ, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh?
GS.TS Trần Văn Thuấn: Khi thực hiện tự chủ về tài chính là hoàn toàn không có nguồn cung cấp tài chính từ nguồn NSNN, vậy nên việc thu hút người dân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện là điều tối quan trọng. Do vậy, Bệnh viện K với Slogan của Bệnh viện “Trao hy vọng – Nhận niềm tin” đã quyết liệt thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và “Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” bằng nhiều giải pháp.
Trong đó, không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, tuyên truyền, giáo dục cán bộ y tế thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử của cán bộ y tế; đổi mới quy trình tiếp đón, hướng dẫn người bệnh; thành lập phòng công tác xã hội nhằm kịp thời giải quyết vướng mắc cho người bệnh trong quá trình khám, điều trị…
Bên cạnh đó, Bệnh viện K còn thực hiện những biện pháp đa dạng hóa loại hình dịch vụ để thu hút người bệnh, trong đó tập trung phát triển những khu khám theo yêu cầu, những khoa phòng chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của những người bệnh có điều kiện.
Tuy nhiên, để có thể đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thì vẫn cần bổ sung nguồn nhân lực chất lượng. Chính vì thế, bệnh viện đã xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên chuyên môn giỏi và nghiệp vụ tốt. Những cán bộ, nhân viên này phải không ngừng nâng cao nghiệp vụ, bồi dưỡng về y đức cũng như thái độ phục vụ người bệnh làm sao để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bệnh viện coi người bệnh là khách hàng, làm hài lòng khách hàng vì chính họ sẽ là người nuôi bệnh viện cũng như cán bộ nhân viên, đó chính là mấu chốt của vấn đề.
Kết quả đạt được, điểm trung bình chất lượng bệnh viện đã cải thiện theo từng năm, năm 2016 là 2,79 điểm, năm 2017 là 3,56 điểm và năm 2018 đạt 4,05 điểm. Tỷ lệ hài lòng người bệnh năm 2016 là 52% đã tăng lên 78,9% năm 2017 và 91,5% năm 2018 (Theo kết quả đánh giá của Bộ Y tế).
Cần trao quyền cho bệnh viện, tăng mức phân cấp đối với các dự án đầu tư, mua sắm
PV: Như vậy, có nghĩa là trong quá trình thực hiện tự chủ tài chính, Bệnh viện K hoàn toàn thuận lợi, không gặp vướng mắc, khó khăn gì, thưa ông?
GS.TS Trần Văn Thuấn: Bên cạnh những thuận lợi thì các đơn vị tự chủ đang còn gặp một số bất cập, khó khăn, vướng mắc như: các văn bản hướng dẫn của các Bộ, Ngành trung ương hiện nay chưa ban hành hướng dẫn chi tiết, đồng bộ về thực hiện cơ chế tự chủ đối với ngành y tế; Số lượng bệnh nhân tăng nhanh nên việc bố trí điều kiện cơ sở vật chất và nhân lực chưa thật sự đáp ứng được với yêu cầu; Cơ chế phân cấp, phân quyền còn nhiều hạn chế, mức phân cấp thấp, quy trình và thời gian phê duyệt các hoạt động mua sắm chậm trễ, kéo dài.
Không những thế, nguồn kinh phí hoạt động của bệnh viện chủ yếu phụ thuộc vào nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT). Từ đó, khó khăn trong thanh toán chi phí KCB BHYT là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc thực hiện tự chủ tại các bệnh viện chưa thể đạt được hiệu quả như mong muốn.
Các bác sĩ Bệnh viện K ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh
Bên cạnh đó, giá dịch vụ y tế chưa tính đủ chi phí. Hiện giá viện phí chưa tính đúng, tính đủ, mới chỉ tính 4/7 yếu tố cấu thành giá. Vẫn còn 3 yếu tố chưa được tính vào giá viện phí là khấu hao tài sản - trang thiết bị, điện nước, đào tạo - nghiên cứu khoa học. Nếu giá viện phí được tính đúng, tính đủ thì khi thực hiện tự chủ, bệnh viện sẽ đỡ khó khăn hơn.
PV: Từ thực tế của đơn vị, ông có kiến nghị, đề xuất gì để công tác tự chủ tài chính của các bệnh viện nói chung, trong đó có Bệnh viện K được tốt hơn trong thời gian tới?
GS.TS Trần Văn Thuấn: Để đảm bảo cho các đơn vị thực hiện tự chủ hiệu quả thì cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt đối với các đơn vị thuộc nhóm 1 theo Nghị định 85/2012/NĐ-CP (tự đảm bảo toàn bộ tự kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư). Cần trao quyền cho bệnh viện, tăng mức phân cấp đối với các dự án đầu tư, mua sắm để đáp ứng nhu cầu, đảm bảo thời gian cũng như quyết định đầu tư có hiệu quả hơn và người bệnh sẽ được hưởng lợi; Cho bệnh viện được phép ban hành mức giá thu dịch vụ khám chữa bệnh tính đúng, tính đủ 7/7 yếu tố cấu thành giá; Tự xây dựng và quyết định các chỉ tiêu phát triển bệnh viện, chương trình đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế phù hợp với các nguồn lực của bệnh viện. Tuy nhiên, song song với đó phải xây dựng các quy trình, quy chế để kiểm soát, giám sát việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn về thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp y tế công lập cần sớm được sửa đổi theo hướng phát huy quyền tự chủ toàn diện; Đồng thời kiện toàn quy trình, thủ tục giám định, thanh quyết toán BHYT để giảm thiểu thời gian, công sức, đổi mới cơ chế sử dụng BHYT theo hướng chi thêm cho quản lý sức khỏe, sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật để giảm chi phí KCB.
Bệnh viện cũng có những chính sách chăm lo sức khỏe cho cán bộ nhân viên y tế tốt nhất; cán bộ nhân viên được khám sức khỏe định kỳ, được hỗ trợ chi phí khám bệnh, điều trị cho cả cán bộ nhân viên và người nhà cán bộ nhân viên khi điều trị tại bệnh viện.