Ngày 28/7, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Y tế phối hợp với Bệnh viện C Đà Nẵng tổ chức hội nghị "sơ kết công tác giám định y khoa 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023; tập huấn về quản lý và chuyên môn, nghiệp vụ về giám định y khoa".
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải… cùng lãnh đạo các Trung tâm giám định y khoa (GĐYK) 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Minh bạch, hiệu quả để tránh khiếu kiện
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Phó Chủ tịch Hội đồng y khoa quốc gia, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, công tác giám định y khoa đóng một vị trí, vai trò quan trọng trong hệ thống y tế quốc gia.
"Thời gian qua, công tác giám định y khoa đạt được nhiều kết quả rất đáng hoan nghênh. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng đội ngũ giám định y khoa vẫn hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Chúng ta đã làm việc hết sức khoa học, hết sức công minh, nhiệt tình và minh bạch, rõ ràng".
PGS. Khuê cho rằng, các văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu hướng dẫn về chuyên môn, đào tạo nghiệp vụ giám định… đang dần hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, đội ngũ giám định y khoa cũng cần phải nâng cao chất lượng, đưa ra kết quả giám định một cách khách quan, khoa học, tránh trường hợp khiếu kiện. Bởi thực tế, đã có một số vụ khiếu kiện, khiếu nại kết quả giám định y khoa.
Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (QLKCB), trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội đồng giám định y khoa các cấp thuộc ngành y tế đã khám giám định cho 98.392 lượt đối tượng.
Hàng tháng, Cục đều cử lãnh đạo, chuyên viên phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế tổ chức tiếp công dân. Trung bình mỗi ngày tiếp dân có khoảng 6-10 công dân. Trong đó, số công dân đến kiến nghị về giám định y khoa chiếm khoảng 30-40%, chủ yếu có 3-4 đối tượng kiến nghị kéo dài, lặp đi lặp lại về việc không đồng ý với kết luận của Hội đồng giám định y khoa, thủ tục hồ sơ giám định y khoa.
Cục QLKCB cũng chỉ ra nhiều khó khăn trong công tác giám định y khoa hiện nay. Đó là các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, chưa đồng bộ, một số nội dung còn chưa rõ ràng. Vì vậy, khi thực hiện còn vướng mắc theo cách hiểu khác nhau.
Ngoài ra, một số tài liệu chuyên môn như tài liệu hướng dẫn giám định y khoa bệnh tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc dioxin có một số nội dung khó thực hiện chưa kịp thời sửa đổi bổ sung; Chưa có tài liệu chuyên môn hướng dẫn giám định y khoa người khuyết tật.
Kiến nghị sớm đầu tư thiết bị, nhân lực
Về đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị cho các Trung tâm GĐYK, đại diện Cục QLKCB cho biết, chỉ có 26/63 trung tâm đáp ứng theo Thông tư số 49/2014 của Bộ Y tế về danh mục thiết bị y tế thiết yếu của Trung tâm giám định y khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Số còn lại phụ thuộc vào bệnh viện đa khoa, chuyên khoa.
Do đó, tại hội nghị lần này, Cục QLKCB kiến nghị UBND các tỉnh/thành, Sở Y tế địa phương sớm đầu tư các hạng mục này.
Về số lượng giám định viên đảm bảo mỗi chuyên khoa ít nhất có 2 giám định viên theo quy định tại khoản 1 điều 28, Thông tư số 52/2016 của Bộ Y tế. Tuy nhiên, vẫn còn 17 đơn vị giám định y khoa không đáp ứng được yêu cầu này.
"Qua khảo sát, chỉ có 42/63 Trung tâm GĐYK có đủ tổ chức (bao gồm các phòng chức năng, nghiệp vụ) theo quy định tại quyết định 16 năm 2006 của Bộ Y tế quy định về chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm GĐYK cấp tỉnh, thành phố", vị này cho hay.
Thời gian tới, Bộ Y tế giao Viện Chiến lược và Chính sách Y tế nghiên cứu thực trạng mô hình tổ chức các Trung tâm GĐYK để đề xuất với Bộ Y tế mô hình tốt nhất phù hợp với thực tế và đúng các quy định của pháp luật.
"Do đó, các đơn vị nghiên cứu, đề xuất kiện toàn cơ cấu tổ chức của cơ sở GĐYK cho phù hợp và đúng quy định với Nghị định 13/2021. Đề nghị lãnh đạo Sở Y tế và giám đốc trung tâm GĐYK tuyển đủ số lượng cán bộ làm việc, cơ cấu viên chức đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao", lãnh đạo Cục QLKCB cho hay.