Giám định ADN 'trả lại tên' cho liệt sỹ

22-07-2022 11:19 | Xã hội
google news

SKĐS - Giám định ADN hài cốt liệt sĩ là một công việc khó khăn và nhiều thách thức. Để càng lâu, mẫu xương càng thoái hóa, có nhiều mẫu xương làm đến 5 lần mới cho ra kết quả, nhiều mẫu không tìm ra ADN.

Bộ Y tế đề nghị Bình Dương hoàn thiện hồ sơ công nhận liệt sỹ cho nữ hộ sinh hy sinh khi chống dịch COVID-19  Bộ Y tế đề nghị Bình Dương hoàn thiện hồ sơ công nhận liệt sỹ cho nữ hộ sinh hy sinh khi chống dịch COVID-19

SKĐS - Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo các sở, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền xem xét xác nhận liệt sỹ với nhân viên y tế hy sinh khi tham gia công tác chống dịch COVID-19

30% mẫu xương không cho ra kết quả

Trung tâm giám định ADN – Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam là nơi duy nhất hiện nay có công nghệ giám định ADN hài cốt liệt sĩ hiện đại, với thời gian nhanh chóng.

PGS.TS.NCVCC Phí Quyết Tiến, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học cho biết, Trung tâm Giám định ADN được thành lập từ năm 2019.  Từ tháng 8/2019 đến  tháng 7/2020, trung tâm tiến hành 2870 lượt phân tích mẫu hài cốt liệt sĩ và 180 lượt phân tích mẫu thân nhân. Kết quả thu được 669 trường hợp cho ra dữ liệu ADN có chất lượng tốt có thể được dùng cho so sánh đối khớp.

Đáng tiếc là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều giai đoạn không thể đi lấy được mẫu, có những lúc cả trung tâm phải nghỉ làm, do vậy con số đến nay không đạt như kỳ vọng dù kế hoạch ban đầu đặt ra khá cao. Ngoài ra, một khó khăn nữa là thời gian càng trôi đi thì chất lượng các mẫu càng giảm. Trong số mẫu xương hài cốt thu thập được, có đến 30% mẫu không cho ra kết quả. Có những mẫu làm đến 5-6 lần không ra kết quả, các mẫu bình thường, có chất lượng tốt thì phải làm ít nhất 2 lần.

Giám định ADN trả lại tên cho liệt sỹ - Ảnh 2.

Một cán bộ của Trung tâm Giám định ADN, Viện Công nghệ sinh họcvới mẫu hài cốt liệt sĩ. Ảnh: Viện Công nghệ sinh học

ThS Hoàng Hà, Trung tâm Giám định ADN cho biết, hiện tại, năng lực giám định ADN ty thể của Trung tâm có thể đạt tới 120 lượt mẫu/ tuần. Từ tháng 9/2019 đến nay, Trung tâm giám định ADN đã thực hiện giám định 4.276 mẫu, trong đó 3.379 mẫu (~79%) phải thực hiện giám định từ 2-5 lần. Từ năm 2019-nay, tổng số 1.205 kết quả được giám định thành công và cần ghép nối với cơ sở dữ liệu của thân nhân để định danh liệt sỹ.

Các chuyên gia cho biết, quy trình giám định ADN với hài cốt khá phức tạp. Từ mẫu xương, các kỹ thuật viên phải làm sạch bề mặt, phơi khô rồi cắt nhỏ mẫu, sau đó lấy máy đánh cao răng tiếp tục làm sạch bề mặt. Công việc làm sạch kéo dài cả tuần. Mẫu vật sau đó được ngâm hóa chất, được nghiền nhỏ, lấy ADN khuếch đại rồi giải trình tự.

ThS Hoàng Hà cho biết, có nhiều khó khăn trong việc giám định ADN hài cốt liệt sĩ. Hài cốt khi khai quật thu mẫu đã qua quá trình lưu giữ trong điều kiện tự nhiên nóng ẩm nhiều năm, hầu hết đã mục nát. Sau một thời gian thử nghiệm, các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ Sinh học quyết định mẫu răng là thích hợp vì liệt sĩ thường hy sinh lúc trẻ tuổi, răng còn tốt, nhất là răng nanh, hầu như còn nguyên vẹn sau vài chục năm chôn cất. Các phần còn lại chỉ dùng được trong điều kiện hài cốt còn tương đối mới. Đến nay có những mẫu răng của liệt sĩ hy sinh từ những năm 40, tức là qua 70 năm chôn cất vẫn dùng để giám định được.

Bên cạnh đó, do  ADN trong nhân tế bào hầu như đã bị phân hủy theo thời gian, các nhà nghiên cứu cũng xác định, tách chiết ADN ty thể đối với tế bào xương, răng là cách duy nhất cho phép giám định gene hài cốt lâu năm của người Việt Nam, vì ADN ty thể mạch vòng, có hàng trăm bản trong mỗi tế bào và khá bền vững với thời gian. Các nhà nghiên cứu đã có những cải tiến kỹ thuật để đảm bảo sự ổn định của ADN ty thể được tách chiết phục vụ nhân dòng và phân tích trình tự.

Chạy đua với thời gian để định danh hài cốt liệt sĩ

Mặc dù đã đạt được những thành công bước đầu, công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.Trong suốt quá trình hoạt động giám định, Viện Công nghệ sinh học nhận thấy chất lượng và số lượng ADN của các mẫu hài cốt tỉ lệ nghịch với thời gian do xương bị phân hủy rất mạnh, kèm theo là việc nhiễm vi sinh vật và các chất ức chế.

Theo ThS Hoàng Hà, bên cạnh những thành tựu đạt được, Trung tâm giám định ADN nhận thấy không ít thách thức trong công tác định danh hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Thách thức đầu tiên cần đề cập đó là số lượng mẫu hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính rất lớn, trong khi đó, chất lượng mẫu ngày càng giảm và lượng mẫu dùng trong giám định rất hạn chế.

Khí hậu nhiệt đới nóng ẩm mưa nhiều, thời gian chôn cất đã lâu gây ra sự phân hủy nhanh chóng của mẫu hài cốt. Phần lớn các mẫu cần được tách chiết ADN nhiều lần nhưng trong rất nhiều trường hợp, ADN (đặc biệt là ADN nhân) không thể được tách chiết hoặc bị đứt gãy mạnh, không đủ chất lượng để sử dụng cho các phân tích gen.

Các quy trình tách chiết ADN phải tránh các tác nhân xử lý mạnh, chẳng hạn như chất tẩy rửa mạnh hoặc nhiệt độ cao. Mặc dù các phương pháp xử lý này có thể giải phóng nhiều ADN hơn, nhưng chúng lại gây thêm tổn thương cho các phân tử ADN. Do đó, một quy trình tách chiết ADN từ mẫu hài cốt phải giải quyết được vấn đề số lượng và chất lượng.

Các phương pháp tách chiết ADN phát triển tại Trung tâm (ví dụ như phương pháp tách chiết tự động trên hệ thống EZ1, tách chiết hữu cơ, tách chiết vô cơ, …) đã được chứng minh là phù hợp với mẫu hài cốt ở Việt Nam; tuy nhiên, các phương pháp mới (ví dụ phương pháp tách chiết mẫu cổ) cần liên tục được thử nghiệm để tăng cường hiệu quả tách chiết mẫu hài cốt với chất lượng khác nhau…

Định danh hài cốt liệt sĩ quy mô lớn yêu cầu việc xây dựng cơ sở dữ liệu để lưu trữ và khai thác không chỉ dữ liệu ADN ty thể mà còn dữ liệu ADN nhân (ví dụ STR, SNP) và các thông tin hồ sơ liên quan đến hài cốt liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ. Cơ sở dữ liệu này hỗ trợ giám định viên kiểm soát nhiễm, kiểm soát lỗi kỹ thuật và quan trọng hơn cả là tăng cường ý nghĩa thống kê của kết luận giám định.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹLãnh đạo Đảng, Nhà nước tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ

SKĐS - Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020), sáng nay (25/7), Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đặt vòng hoa, tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ (đường Bắc Sơn, Hà Nội), sau đó vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Vụ “Tịnh Thất Bồng Lai”: Tòa án nhân dân huyện Đức Hoà tuyên phạt bị cáo Lê Tùng Vân 5 năm tù | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn