Hà Nội

Giảm đau đa mô thức trong thay khớp gối và khớp háng

27-03-2018 16:51 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Khoa Chấn thương Chỉnh hình - BV. Nguyễn Tri Phương đã áp dụng thành công mô hình đa mô thức trong gây mê nhằm giúp giảm đau trước, trong và sau cuộc mổ đối với các bệnh nhân cần phẫu thuật thay khớp gối hoặc khớp háng.

Phương pháp này giúp bệnh nhân trải qua cuộc mổ không đau, an toàn, ít tai biến, chi phí thấp.

Mô hình giảm đau đa mô thức trong xu hướng gây mê hiện đại này bao gồm: sử dụng phối hợp thuốc kháng viêm, giảm đau trước, trong và sau cuộc mổ, gây tê tủy sống, gây tê ngoài màng cứng bằng thuốc tê phối hợp liều nhỏ thuốc giảm đau cho phẫu thuật chi dưới kết hợp với chườm lạnh và tập vật lý trị liệu massage sau mổ, đặc biệt trong phẫu thuật thay khớp gối và khớp háng trong chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.

Phẫu thuật thay khớp háng hay khớp gối được thực hiện lần đầu tiên trên thế giới vào những năm 1930 và tại Việt Nam vào những năm 1987, đến nay đã có những bước tiến bộ không ngừng giúp cho quá trình điều trị những bệnh nhân thoái hóa khớp, hư khớp gối, hoạt tử chỏm xương đùi hay gãy cổ xương đùi tránh được đau đớn, tàn phế, giúp họ có khả năng tự đi lại, tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt, giảm đi gánh nặng và sự chăm sóc của người thân, góp phần không nhỏ trong việc cải thiện cuộc sống với tinh thần “lấy người bệnh làm trung tâm trong hoạt động chăm sóc và điều trị”.

Tuy nhiên, đau trong và sau khi phẫu thuật thay khớp háng hay khớp gối là nỗi ám ảnh của tất cả bệnh nhân và là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân không muốn thay khớp lần 2 dù kết quả thay khớp rất tốt.

Giảm đau đa mô thức trong thay khớp gối và khớp háng

Bên cạnh đó, tuổi cao là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tật. Những biến đổi sinh lý bệnh trong quá trình tích tuổi và bệnh lý kèm theo về nội khoa như: tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, đái tháo đường, tắc nghẽn phổi (COPD) mạn tính, suy thận mạn, thiếu máu, suy dinh dưỡng… còn thường làm nguy cơ gây mê - phẫu thuật gia tăng đáng kể.

Gây mê làm vô cảm toàn thân thường đối mặt với nhiều tai biến - biến chứng của việc đặt nội khí quản, nhiều thuốc dùng trong gây mê, liệt ruột kéo dài, nằm bất động lâu… bất lợi cho bệnh nhân lớn tuổi. Theo thống kê, tỉ lệ sốc phản vệ do thuốc gây mê khoảng 1/10.000 - 1/20.000 trong đó do thuốc ngủ là 7,4%, thuốc giãn cơ 62%, nhựa 16,5%, thay thế huyết tương 3,6%...

Bệnh nhân trải qua cuộc mổ không đau, an toàn, ít tai biến và chi phí thấp

Chính vì vậy, việc áp dụng kỹ thuật giảm đau đa mô thức này rất phù hợp với bệnh nhân lớn tuổi vừa giảm liều thuốc gây tê vừa đảm bảo duy trì giảm đau ngay từ trong và sau mổ 3 ngày. Từ tháng 8/2014 đến 9/2016, Khoa Chấn thương Chỉnh hình đã áp dụng phương thức điều trị giảm đau đa mô thức cho 351 bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật thay khớp háng hay thay khớp gối nhân tạo. Trong đó, 227 bệnh nhân thay khớp háng nhân tạo, 124 bệnh nhân thay khớp gối nhân tạo ở 1 hay cả 2 bên gối. Trong số đó, 5 bệnh nhân phải thay lại khớp gối và 1 trường hợp thay khớp háng.

Với phương pháp này, bệnh nhân trải qua cuộc mổ không đau an toàn, ít tai biến và chi phí thấp. Tỉ lệ thành công trong mổ không đau sau mổ là 96,3%. Đau nhẹ sau mổ 3,7%. Một số biến chứng không nghiêm trọng có thể gặp phải như mạch chậm, rét run, bí tiểu… Phương pháp đa mô thức này đã góp phần giảm thiểu tỉ lệ biến chứng tắc mạch và tỉ lệ tử vong cho người bệnh đến 30% so với phương pháp vô cảm toàn thân.

351 bệnh nhân phẫu thuật không đau, mềm cơ tốt, an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc mổ thành công. Sau mổ, vì không đau nghiêm trọng, nên bệnh nhân nhanh chóng tiếp cận với sự  luyện tập cơ - khớp, giúp nhiều cho bệnh nhân trong suốt quá trình tập vật lý trị liệu. Bệnh nhân nhanh chóng phục hồi chức năng vận động khớp sau mổ, góp phần giảm tỷ lệ đau mạn tính sau mổ. Chi phí toàn bộ 3 ngày điều trị khoảng 500.000 đồng, thấp hơn gấp 3 - 4 lần so với gây mê toàn thân hay dùng kỹ thuật giảm đau khác.

Thống kê cho thấy, khoảng 30% người trên 30 tuổi, 60% người trên 65 tuổi và 85% người trên 80 tuổi có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp và loãng xương. Việc té ngã nhẹ cũng có thể gây cho người bệnh dễ gãy xương, đặc biệt là gãy cổ xương đùi.


TS.BS. TĂNG HÀ NAM ANH
Ý kiến của bạn