Giảm đau cổ vai gáy bằng tylenol: 3 dấu hiệu tiêu hóa cảnh báo ngừng thuốc ngay lập tức

25-04-2022 06:46 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Thuốc giảm đau tylenol (acetaminophen) được sử dụng trong điều trị đau cổ vai gáy từ nhẹ đến trung bình. Nhiều người đã dùng quá liều thuốc hoặc dùng liều cao kéo dài... dẫn tới ngộ độc thuốc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng…

1. Tylenol, loại thuốc OTC thường dùng để giảm đau cổ vai gáy

Acetaminophen (tylenol) hay paracetamol là một trong những thuốc không kê đơn (OTC) được dùng để giảm đau cổ vai gáy. Ngoài ra, thuốc còn dùng trong một số tình trạng đau khác như: Đau đầu, đau nhức cơ, đau lưng, đau răng, đau khớp…

Acetaminophen là thuốc được bán phổ biến tại các nhà thuốc với rất nhiều dạng thuốc khác nhau (viên nén thường, viên nén tác dụng kéo dài, viên nang, xi-rô… ). Do là thuốc không cần đơn của bác sĩ nên người bệnh có thể mua về tự điều trị các tình trạng y tế thông thường liên quan đến đau, sốt...

Thuốc an toàn khi dùng theo khuyến cáo của bác sĩ (hoặc nhà sản xuất) về liều lượng, thời gian dùng thuốc…

Giảm đau cổ vai gáy bằng tylenol: 3 dấu hiệu tiêu hóa cảnh báo cần ngừng thuốc ngay lập tức - Ảnh 2.

Acetaminophen (tylenol) là thuốc có thể sử dụng điều trị đau cổ vai gáy từ nhẹ đến trung bình.

Tuy nhiên, nhiều người đã dùng thuốc này thường xuyên để ứng phó với cơn đau, thậm chí tăng liều với mong muốn tăng tác dụng giảm đau của thuốc. Nhưng thực tế, việc tăng liều lượng hay sử dụng thường xuyên đã không đạt hiệu quả như mong muốn mà còn gây nhiều bất lợi, thậm chí gây nguy hiểm cho sức khỏe người dùng.

2. Các dấu hiệu cảnh báo ngộ độc nguy hiểm cần ngừng thuốc

Uống rượu cùng với acetaminophen làm tăng nguy cơ nhiễm độc gan ngay cả ở liều thấp hơn. Vì lý do này, không bao giờ được uống rượu khi bạn đang dùng tylenol.

Do tylenol có bán không cần kê đơn, nênngười bệnh rất dễ lạm dụng thuốc. Dùng quá nhiều acetaminophen có thể gây nhiễm độc gan, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Gan chịu trách nhiệm chuyển đổi và loại bỏ nhiều hóa chất ra khỏi cơ thể, bao gồm các loại thuốc như acetaminophen. Khi những hóa chất này được tiêu thụ quá mức, gan sẽ bị "quá tải" và không thể đào thải các hóa chất ra ngoài đúng cách. Thay vào đó, các chất hóa học bắt đầu tích tụ và gây hại cho gan.

2.1 Các yếu tố tăng nguy cơ ngộ độc gan

Tổn thương gan do tylenol có thể phụ thuộc vào một số yếu tố. Một số trong số đó là:

  • Lượng tylenol bạn dùng (nếu bạn uống nhiều hơn lượng được khuyến nghị)
  • Lượng rượu bạn uống (rượu làm tăng ngộ độc gan do thuốc).
  • Dùng các loại thuốc khác có tương tác làm tăng nguy cơ tổn thương gan; một số chất bổ sung thảo dược cũng có thể tương tác với tylenol và gây tổn thương gan.
  • Mức độ dinh dưỡng (cho dù bạn đang nhịn ăn hay nếu bạn ăn uống kém chất dinh dưỡng có thể làm tăng nguy cơ tổn thương gan)
  • Trên 40 tuổi
  • Là một người hút thuốc.

2.2 Các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc gan do acetaminophen

photo-1650809028464

Đau dạ dày có thể là một tác dụng phụ của tylenol (Hình ảnh: GETTY)

Các triệu chứng thường phát triển từ 12 giờ trở lên sau khi dùng quá liều nghiêm trọng. Vì độc tính trên gan do thuốc có thể gây ra tổn thương gan vĩnh viễn, không thể phục hồi - và thậm chí tử vong - nên bạn bắt buộc cần ngừng thuốc và phải được cấp cứu kịp thời.

3 dấu hiệu ngộ độc trên tiêu hóa bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn
  • Tiêu chảy
  • Đau bụng, khó chịu, ợ chua; chán ăn

Tuy nhiên, ba dấu hiệu tiêu hóa trên không phải là tác dụng phụ "nghiêm trọng" duy nhất. Những dấu hiệu khác bao gồm:

  • Nước tiểu đậm
  • Phân màu đất sét
  • Vàng da.

3.Dùng thuốc thế nào cho an toàn?

- Không dùng acetaminophen cùng với các loại thuốc khác có chứa acetaminophen. Nếu dùng hai loại thuốc khác nhau có chứa cùng hoạt chất này, sẽ có nguy cơ quá liều thuốc gây độc. Do đó, trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào khác, hãy kiểm tra nhãn để xem chúng có chứa acetaminophen (hoặc paracetamol) hay không.

- Acetaminophen có thể phối hợp với các loại thuốc giảm đau khác không chứa dược chất này, chẳng hạn như ibuprofen, aspirin và codeine… Tuy nhiên, người bệnh không tự ý dùng các thuốc phối hợp này.

- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc và tuân thủ các hướng dẫn theo khuyến cáo.

- Người dùng cần biết các bất lợi của thuốc có thể xảy ra để nhận diện, biết cách phòng ngừa và ứng phó kịp thời…


Mời độc giả xem thêm video:

7 lợi ích của vitamin C



DS Nguyễn Thu Giang
Ý kiến của bạn