Hà Nội

Giảm đau cổ vai gáy bằng châm cứu theo Tam pháp Đại chùy

SKĐS - Tại Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, các bác sĩ đang áp dụng phương pháp châm “Tam pháp Đại Chùy” có cải tiến để điều trị các trường hợp đau cổ gáy

Tại Khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, các bác sĩ đang áp dụng phương pháp châm “Tam pháp Đại Chùy” có cải tiến để điều trị các trường hợp đau cổ gáy. Đây là phương pháp dễ thực hiện, ít tốn kém cho bệnh nhân, hiệu quả giảm đau rõ rệt.

Đau mỏi cổ vai gáy - chứng bệnh thường gặp

Đau mỏi cổ vai gáy là một triệu chứng khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại, gặp ở mọi lứa tuổi. Ở người trẻ, thường gặp ở những người làm văn phòng, thói quen ít vận động, tư thế làm việc và sinh hoạt không đúng cách (nằm gối quá cao, nằm nghiêng cổ lâu, nằm tựa đầu trên vật cứng hoặc làm việc trong một thời gian dài như tựa đầu lên ghế, cúi cổ bấm điện thoại, xem tivi, sử dụng máy tính, nhiễm lạnh...). Ở người có tuổi thường do thoái hóa, bệnh lý đĩa đệm cột sống cổ.

Người bệnh có đau chói buốt hoặc tê cứng vùng cổ gáy (đau cấp tính), hoặc chỉ đau mỏi âm ỉ vùng cổ gáy (đau mạn tính); thường kèm: mỏi nặng cổ gáy, hạn chế xoay trở vận động cột sống cổ. Nếu có chèn ép rễ thần kinh có đau - tê từ cổ gáy lan đến vai, tay. Hoặc đau tê lan xuống bả vai, đau chói thoáng qua vùng trước ngực, hoặc đau tê nửa đầu, chóng mặt, hay quên, khó ngủ hoặc ngủ mơ lung tung.

Từ thực tiễn lâm sàng và ứng dụng điều trị những trường hợp đau cổ gáy trong bệnh lý thoái hóa cột sống cổ, đặc biệt các bệnh lý thoái hóa - thoát vị đĩa đệm có chèn ép rễ thần kinh, bác sĩ đã áp dụng phương pháp châm “Tam pháp Đại chùy” có điều chỉnh. Kết quả bước đầu nghi nhận có hiệu quả cao qua tác dụng giảm đau, tê và cứng cổ gáy.

Giảm đau cổ vai gáy bằng châm cứu theo Tam pháp Đại chùyTam pháp Đại chùy phối hợp kích thích điện

Kỹ thuật châm “Tam pháp Đại chùy” có điều chỉnh

Phát triển từ kỹ thuật ban đầu: bác sĩ sẽ sử dụng 1 kim dài, tại vị trí C7-D1 của cột sống cổ người bệnh (huyệt Đại chùy), luồn kim dưới da, dọc theo sống lưng của người bệnh nhân. Rồi qua các thao tác, bác sĩ điều chỉnh hướng kim, độ sâu, mức độ kích thích theo bệnh lý.

Trong trường hợp thoái hóa - thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có chèn ép rễ thần kinh gây đau, tê lan xuống lưng, vai, tay; nhằm mục tiêu nâng cao mức độ kích thích và khai thông ứ trệ kinh lạc, bác sĩ điều chỉnh cách dùng bằng các cách:

- Dùng 1 kim dài châm như trên, chỉ vê, không điều chỉnh hướng.

- Dùng 2 kim châm tiếp tại huyệt Đại chùy, tạo 1 góc 60 - 900 với kim đầu tiên (tùy theo hướng đau, tê của người bệnh)

- Có thể dùng thêm 1 kim châm luồn tại huyệt Thân trụ (hiệu quả trong trường hợp có đau tê vùng giữa 2 bả vai, trị lưng cứng đau).

- Kết hợp kích thích điện (điện châm) với tần số phù hợp.

Không chỉ phối hợp với điện châm, trong phát triển kỹ thuật “Tam pháp Đại chùy” còn kết hợp với kỹ thuật cấy chỉ tại 2 huyệt trên:

- Cấy 2 chỉ tại các huyệt Đại chùy và Thân trụ.

- Phối hợp cấy chỉ theo hướng đau, tê vùng cổ gáy.

- Phối hợp với các huyệt tại chỗ (như huyệt Thiên trụ…).

Giảm đau cổ vai gáy bằng châm cứu theo Tam pháp Đại chùyPhối hợp kỹ thuật cấy chỉ

Với sự phối hợp này thực tế có hiệu quả cao, tiện lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người bệnh điều trị bệnh lý thoái hóa cột sống cổ hoặc thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.

Một số trường hợp thoái hóa cột sống thắt lưng trong đợt đau cấp việc phối hợp giữa các huyệt truyền thống chữa đau lưng (huyệt Thận du, Ủy trung…) thì việc phối hợp với kỹ thuật châm trên bước đầu ghi nhận những hiệu quả rất đáng khích lệ.

Tam pháp Đại chùy là một thủ thuật châm cứu, bác sĩ sử dụng 1 cây kim dài (mãng châm), châm tại vị trí huyệt Đại chùy (giữa cột sống cổ C7-D1 của người bệnh), luồn kim dưới da, dọc theo sống lưng - có thể đưa kim vào sâu xuống phía dưới từ 2 - 3 thốn (tương đương 4 - 7cm).
Thủ thuật Tam pháp Đại chùy xuất xứ từ kinh nghiệm của chuyên gia Tôn Chấn Hoàn (Chủ nhiệm Khoa Châm cứu Viện nghiên cứu Trung y Bắc Kinh, Trung Quốc).
Tại Việt Nam, kỹ thuật châm cứu Tam pháp Đại chùy được BS. Nguyễn Liễn thừa kế, phát triển và phổ biến từ những năm 1960 - 1961 đến nay.

BS.CKII. Đỗ Tân Khoa, BS.CKI. Trịnh Đức Vinh
Ý kiến của bạn