Giẫm, đạp trị bệnh ở Phố Cò, Thái Nguyên: Ai dung túng cho cách chữa bệnh kỳ quái này?

13-07-2010 15:52 | Tin nóng y tế
google news

Từ năm 2006, báo SK&ĐS đã có bài phản ánh về cách chữa bệnh không khoa học của bà Phạm Thị Phú, ở phố Cò, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, chữa bệnh bằng cách giẫm, đạp lên chỗ đau của người bệnh.

Từ năm 2006, báo SK&ĐS đã có bài phản ánh về cách chữa bệnh không khoa học của bà Phạm Thị Phú, ở phố Cò, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, chữa bệnh bằng cách giẫm, đạp lên chỗ đau của người bệnh. Gần đây, dư luận báo chí lại tiếp tục phản ánh về cách chữa bệnh phản cảm này,  PV báo SK&ĐS đã đi cùng đoàn công tác của Bộ Y tế, do lãnh đạo Cục QLKCB làm trưởng đoàn, lên Phố Cò, để làm rõ hơn vấn đề này.

Thừa nhận là phản cảm

“Tôi chỉ là người bán rau, cá ngoài chợ, sau một thời gian bị đau đầu kinh niên tôi được gia đình cho đi chữa bệnh tại BV Tâm thần Thái Nguyên và BV Tâm thần Trâu Quỳ, Hà Nội. Sau khi về nhà, tôi không thích ngủ ở nhà mà hay đi lang thang ra nghĩa trang để ngủ, một thời gian sau tôi thấy trong người có thay đổi khác lạ... và có khả năng dự đoán cho mọi người. Tôi cũng không học về y hay dược nhưng từ năm 2005, chả hiểu sao mọi người cứ tìm đến nhà tôi để nhờ tôi chữa bệnh. Khi tỉnh táo, được các cấp chính quyền giải thích tôi hiểu rằng việc chữa bệnh của mình là phản cảm, nhưng nếu 3 ngày mà không được chữa bệnh cho ai, thì người tôi bứt rứt, khó chịu...”- “thần y” Phạm Thị Phú lý giải với đoàn công tác của Bộ Y tế về thân thế và lý do hành nghề khám chữa bệnh của mình.

 Đoàn công tác của Bộ Y tế đang trao đổi với người bệnh điều trị tại nhà bà Phạm Thị Phú. Ảnh: Thái Bình

“Thần y” cái gì cũng không

Làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế, ông Đặng Mộng Điệp, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Công cho biết, từ tháng 2/2005, bà Phạm Thị Phú bắt đầu có hoạt động biểu hiện mê tín dị đoan (như lên đồng, xem bói...) và chữa bệnh (nhưng hoạt động mê tín dị đoan là chính) tại phường Mỏ Chè. UBND thị xã Sông Công và đoàn kiểm tra liên ngành đã 4 lần kiểm tra và phạt hành chính bà Phú về hành vi hoạt động mê tín, dị đoan. Thế nhưng từ năm 2006, bà Phú chuyển sang hoạt động chữa bệnh là chính. Cũng theo ông Điệp: Chính quyền địa phương rất đau đầu trước việc chữa bệnh của chị Phú và đã nhiều lần lập biên bản xử phạt, yêu cầu chị Phú dừng hoạt động chữa bệnh này.

Trên cơ sở những thông tin thu nhận được từ buổi làm việc với cơ quan chức năng cũng như kiểm tra trực tiếp tại nhà bà Phú, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do TS. Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục QLKCB làm trưởng đoàn đã kết luận: Bà Phạm Thị Phú không được đào tạo về y khoa, không có bất cứ chứng nhận, chứng chỉ, bằng cấp về đào tạo y khoa; không có giấy chứng nhận lương y; không có giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền cũng như không có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh. Cơ sở chữa bệnh của bà Phú cũng không có quy trình kỹ thuật chữa bệnh; Không có bất cứ dụng cụ, phương tiện y khoa hiện đại nào (như không có bơm tiêm, không có ống nghe, không có máy đo huyết áp); Không có thuốc và phương tiện để cấp cứu người bệnh...

 Bà Phú đang “truyền năng lượng” để chữa bệnh.

Dẫm đạp lên người có chữa được bệnh?

Thực tế việc dẫm, đạp lên chỗ đau của người bệnh chưa được các nhà khoa học của ngành y tế kiểm chứng thì Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người (TTNCTNCN) và Trung tâm nghiên cứu bảo trợ văn hóa truyền thống đã “nhanh nhảu” đề nghị được nghiên cứu trường hợp của bà Phạm Thị Phú về khả năng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giảm bớt bệnh tật ở một số người. Nhận được đề nghị này, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có công văn gửi các Sở KH-CN, Sở Y tế,  UBND thị xã Sông Công đề nghị có ý kiến về việc này. Với chức trách và trách nhiệm của mình, Sở Y tế Thái Nguyên từ năm 2006 đã có công văn gửi UBND tỉnh Thái Nguyên nêu rõ: Phương pháp chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú là không có cơ sở khoa học!

Thế nhưng không hiểu vì lý do gì,  UBND tỉnh Thái Nguyên lại có  công văn số 1437/UBND-VX do bà Trịnh Thị Cúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký gửi TTNCTNCN và Trung tâm nghiên cứu bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống đồng ý với đề nghị của TTNCTNCN về nghiên cứu khả năng ngoại cảm chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú; đồng thời UBND tỉnh giao Sở Khoa học & Công nghệ và UBND thị xã Sông Công phối hợp thực hiện nghiên cứu giai đoạn I từ tháng 6/2008 đến 11/2008. Đến ngày 21/11/2008, TTNCTNCN có sơ kết giai đoạn I, kết luận nghiên cứu giai đoạn I là: “Khả năng ngoại cảm của chị Phú có tác động tích cực lên sức khỏe con người, góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giảm bớt mức độ bệnh tật ở một số người; Đề nghị Hội đồng khoa học của TTNCTCCN cho phép tiếp tục nghiên cứu khả năng tác động ngoại cảm của chị Phú đối với nhóm bệnh hiếm muộn; Đề nghị chính quyền địa phương tạo điều kiện cho chị Phú được tiếp tục phục vụ cộng đồng”. Từ kết luận ban đầu chủ quan và mơ hồ này, UBND tỉnh Thái Nguyên lại ra tiếp công văn số 944/UBND-VX, ngày 23/6/2009 do bà Ma Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch UBND ký đồng ý về chủ trương cho phép tạo điều kiện cho Trung tâm nghiên nghiên cứu tiềm năng con người nghiên cứu trong khuôn khổ pháp luật quy định, thời gian nghiên cứu đến tháng 5/2011. Tuy nhiên, phát biểu tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế, ông Đặng Mộng Điệp - thẳng thắn nói: Đề tài nghiên cứu khoa học của TTNCTNCN, Trung tâm nghiên cứu bảo trợ văn hóa truyền thống về chị Phạm Thị Phú cứ kéo dài rất khó cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý. Do đó nếu có cơ sở khoa học hay không, cần có kết luận cụ thể về trường hợp này chứ không thể cứ nghiên cứu kéo dài hết đợt một lại đến đợt hai...

Và mới đây nhất, khi dư luận xã hội và báo chí lên tiếng mạnh mẽ về cách chữa bệnh bằng giẫm, đạp của bà Phạm Thị Phú, UBND tỉnh Thái Nguyên mới có công văn chỉ đạo Sở Y tế, UBND thị xã Sông Công phải kiểm tra vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật. Đến đây, dư luận có quyền đặt câu hỏi, phải chăng khi sự bức xúc của nhiều cơ quan báo chí và ý kiến từ nhiều nhà khoa học lên tiếng về cách chữa bệnh kỳ quái của bà Phú thì UBND tỉnh Thái Nguyên lần này mới có công văn chỉ đạo Sở Y tế xử lý theo quy định pháp luật hiện hành (?)

Những thông tin liên quan về cách chữa bệnh kỳ quái này, chúng tôi sẽ đăng tải trên các số báo sau.
 
Sau một ngày làm việc khẩn trương, đầy trách nhiệm,
đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiến nghị:

1) Sở Y tế Thái Nguyên khẩn trương có văn bản báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên về các quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân (bao gồm cả hành nghề y, dược tư nhân trong nghiên cứu khoa học hợp pháp), kiến nghị UBND tỉnh giao cho Sở Y tế Thái Nguyên giải quyết việc hành nghề chữa bệnh của bà Phạm Thị Phú ở phường Thắng Lợi, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên theo đúng quy định của pháp luật về hành nghề y, dược tư nhân.

2) Sở Y tế Thái Nguyên tham mưu với Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên để có văn bản báo cáo Bộ Y tế, về quá trình xem xét, phê duyệt, kết quả nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết tiếp sự việc Trung tâm nghiên nghiên cứu tiềm năng con người và Trung tâm nghiên cứu bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống thực hiện nghiên cứu trường hợp bà Phạm Thị Phú, ở phường Thắng lợi, thị xã Sông Công về khả năng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giảm bớt mức bệnh tật ở một số người.

3) Đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế giao Vụ Khoa học & Đào tạo làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng để nghiên cứu, xem xét, báo cáo Bộ trưởng và Chủ tịch UBND tỉnh Thái nguyên giải quyết việc Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người và Trung tâm nghiên cứu bảo trợ văn hoá kỹ thuật truyền thống thực hiện nghiên cứu trường hợp bà Phạm Thị Phú, ở phường Thắng lợi, thị xã Sông Công về khả năng chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giảm bớt mức bệnh tật ở một số người theo đúng quy định của pháp luật.

4) Sở Y tế Thái Nguyên cần tăng cường nguồn lực (như xem xét và báo cáo cấp có thẩm quyền về việc thành lập Phòng hành nghề y tư nhân thuộc Sở Y tế), thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ để làm tốt hơn nữa công tác tham mưu, giúp Chủ tịch UBND tỉnh quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn tốt hơn...

Bài và ảnh: Thái Bình


Ý kiến của bạn