Giảm cước: Không ít doanh nghiệp vận tải vẫn... “điếc”

11-02-2015 07:14 | Thời sự
google news

SKĐS - Mặc dù thời gian qua, giá xăng dầu đã hơn 10 lần giảm liên tục, nhưng giá cước vận tải giảm ít, thậm chí nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chây ỳ chưa giảm,

Mặc dù thời gian qua, giá xăng dầu đã hơn 10 lần giảm liên tục, nhưng giá cước vận tải giảm ít, thậm chí nhiều doanh nghiệp (DN) vẫn chây ỳ chưa giảm, thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao thì nhà xe không phải lo ế vé. Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù giá xăng giảm mạnh 40% nhưng giá cước của nhiều DN vận tải vẫn giảm quá ít (3 - 13%), nguyên nhân vì sao nhiều DN chậm giảm giá cước?

Có giảm, nhưng chưa đều

Theo báo cáo của Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính về kết quả kiểm tra mới đây tại các địa bàn trọng điểm là Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ, các DN vận tải mới kê khai giảm từ 3 - 13%. Theo đó, Bộ Tài chính liên tiếp yêu cầu quản chặt giá cước vận tải. Nhưng đáp lại, nhiều DN kinh doanh vận tải chưa giảm, hoặc giảm nhỏ giọt, có DN còn bất chấp và tăng giá cước vận tải. Liên quan đến việc giảm giá cước vận tải hành khách, Bộ GTVT đã có Văn bản số 1345/BGTVT-VT ngày 29/1/2015, yêu cầu các Sở GTVT kiểm tra và rà soát việc giảm giá cước, niêm yết giá cước vận tải hành khách theo tuyến cố định tại tất cả các bến xe trên địa bàn. Thực tế cho thấy, sau nhiều nỗ lực của Bộ Tài chính và Bộ GTVT, đến nay đã có hơn 300 DN trên cả nước giảm cước vận tải. Tuy nhiên, theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, giá nhiên liệu chiếm 40 - 50% của chi phí vận tải. Có nghĩa khi xăng dầu giảm khoảng 1/3 thì cước vận tải phải giảm từ 12 - 15% mới hợp lý. Nguyên nhân vì sao các DN chậm trễ giảm giá cước?

Các doanh nghiệp vận tải cần chủ động chia sẻ cùng cơ quan chức năng và người dân (ảnh minh họa).

Theo TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế: Có 3 nguyên nhân khiến các DN vận tải trì hoãn vấn đề này. Không có chế tài xử lý, Sở Tài chính các tỉnh loay hoay lúng túng. Trong quy định về quản lý giá không có quy định nào buộc các DN phải giảm giá khi xăng giảm mà họ chỉ bị phạt trong 3 trường hợp. 1- Không đăng ký giá; 2- Đăng ký giá sai quy trình; 3- Đăng ký giá không đúng thực tế. Vậy nên theo nguyên tắc, DN nào cũng đăng ký giá, song họ dùng giá cũ mà không đăng ký giá mới, còn các đơn vị chức năng thì không buộc các DN hủy đăng ký cũ, do đó các DN có cớ để trây ỳ. Tại Hà Nội, Bến xe Mỹ Đình là một trong nhiều bến xe hưởng ứng việc giảm giá cước vận tải khi giá xăng - dầu giảm. Nhưng thực tế không có chế tài bắt buộc, nên nhiều DN vẫn làm ngơ. Ông Nguyễn Anh Toàn - Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho biết: Tại bến xe chỉ tuyên truyền chứ không có cơ chế xử lý các DN không giảm giá cước vận tải. Vì vậy, chúng tôi mong muốn sự vào cuộc của các sở ban ngành để kiểm tra và xử lý các DN không giảm giá.

Về vấn đề giá cước, ông Ðinh La Thăng yêu cầu bến xe phải công khai giá vé, số lượng vé và những doanh nghiệp chưa giảm giá để người dân biết. Cần thiết thì phải vận động một cuộc tẩy chay những hãng xe không giảm giá cước, không đi xe ấy nữa. “Giá xăng dầu giảm rất nhiều mà một số doanh nghiệp cố tình chây ì không chịu giảm thì chúng ta phải có giải pháp. Vừa tuyên truyền vận động người dân nhưng vừa phải tổ chức kiểm tra” - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đề nghị.

Mới đây, ngày 4/2, UBND TP. Hà Nội đã tổ chức hội nghị các DN vận tải trên địa bàn họp về giảm giá cước sau khi giá xăng, dầu giảm sâu thời gian qua. Tuy nhiên, khi được mời phát biểu ý kiến, nhiều đại diện DN đều... im lặng. Sau hội nghị này, lãnh đạo Hà Nội chỉ đạo kiên quyết, nếu sau ngày 10/2, các đơn vị vận tải khách bằng xe ôtô chưa điều chỉnh giảm giá cước, Sở GTVT sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý theo quy định, đồng thời yêu cầu các bến xe khách từ chối phục vụ đối với các đơn vị không giảm giá.

Để tìm hiểu lý do vì sao nhiều DN vận tải chưa giảm giá cước, hay giảm nhỏ giọt. Trao đổi với anh Trần Việt Anh - DNVT Phước Thành, được biết: Do phải chi phí nhiều, cước đường bộ, làm luật... nên việc giảm cước đối với nhiều DN là khó, để cạnh tranh nhiều DN vận tải giữ nguyên giá cước vận chuyển, nên hiện nay giá xăng giảm cũng chỉ giảm bớt một phần khó khăn cho DN, nên việc chưa giảm giá hoặc giảm giá nhỏ giọt là một sự cố gắng lớn của nhiều DN.

Giảm cước vì quyền lợi khách hàng

Mới đây, tại buổi kiểm tra công tác phục vụ xe Tết cho người dân ở Bến xe miền Đông, TP.HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã yêu cầu xử lý nghiêm đối với DN cố tình chây ỳ không chịu giảm cước, yêu cầu các bến xe phải có đường dây nóng để người dân kịp thời phản ánh, đồng thời công khai tất cả những tuyến xe, số vé của từng hãng, công khai giá vé, số lượng vé và những DN chưa giảm giá để người dân biết, thậm chí phải vận động một cuộc tẩy chay những hãng xe không giảm giá cước.

Theo lý giải của các DN, do yếu tố đầu vào cấu thành giá cước vận tải như giá xăng, dầu... tại thời điểm kê khai giá cước vận tải so với giá xăng, dầu tại thời điểm giá xăng, dầu tăng cao, DN không kê khai tăng giá cước, do đó khi giá xăng, dầu giảm tương ứng DN đã không kê khai lại.

Để bảo vệ quyền lợi của hành khách trong việc giảm giá cước, mới đây, Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã lập 3 đoàn thanh tra, thế nhưng theo nhiều DN vận tải thì việc thanh tra, kiểm tra lại chỉ hướng vào cách tính cước giúp các DN vận tải, từ đó áp mức cước phù hợp. Song quy định cụ thể để các DN vận tải tự điều chỉnh giá cước khi giá xăng, dầu, tăng - giảm thì chưa có. Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, ngoài các thông tư, quy định hướng dẫn các DN thực hiện đúng Luật Giá của Bộ Tài chính hiện nay, chúng ta cần sớm bổ sung những điều còn thiếu sót, đồng thời sớm hoàn thiện cơ chế để các DN vận tải có thể tăng - giảm khi giá xăng biến động. Đồng thời quy định rõ chế tài xử lý nếu các doanh nghiệp vi phạm.

Hy vọng rằng, với những chỉ đạo kiên quyết từ lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương, các cơ quan quản lý, giá dịch vụ vận tải trong dịp Tết Nguyên đán này sẽ giảm phù hợp với việc giảm giá xăng, dầu, giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng. Trong bối cảnh chưa thực hiện được 100% các nhà xe đều giảm giá thì khách hàng có thể lựa chọn những nhà xe nào giảm giá để đi, không đi những nhà xe thu vé giá cao.

Đức Mạnh - Vũ Duy

 

 

 


Ý kiến của bạn