Là 1 trong 6 bệnh viện vệ tinh (BVVT) của Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (BV Bạch Mai) chuyên ngành ung bướu, Khoa Ung bướu thuộc BV ĐK tỉnh Hà Tĩnh được đánh giá là một mô hình bền vững và hiệu quả trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
Mô hình này được “thừa hưởng” từ Đề án BVVT của Bộ Y tế.
Chú trọng hàng đầu đào tạo con người theo ê kíp
Khoa Ung bướu của BV đa khoa Hà Tĩnh thành lập năm 2012. Hiện tại, Khoa có 7 bác sĩ và 11 điều dưỡng. Tính từ đầu năm 2014, Khoa đã tiếp nhận gần 3000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị gần 2000 bệnh nhân, trong đó điều trị nội trú trên 1.400 bệnh nhân.
Theo GS.TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, để triển khai Đề án BVVT hiệu quả, ngay từ khi bắt đầu triển khai mô hình BVVT của Bộ Y tế cho một số Khoa/đơn vị ung bướu tuyến dưới, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu đã xác định công tác đào tạo con người phải được đưa lên hàng đầu. Từ nhận thức này, Trung tâm đã đưa ra hình thức đào tạo nhân lực cho BVVT theo ekip, tức là tất cả các bác sỹ, kỹ sư, kỹ thuật viên, điều dưỡng về chuyên ngành ung bướu của BVVT đều được đào tạo một cách đồng bộ, chứ không chỉ đào tạo cho riêng bác sĩ.
Tuy nhiên, theo GS Mai Trọng Khoa có một thực tế là do trình độ, năng lực của bác sỹ, kỹ sư, điều dưỡng ở mỗi địa phương là khác nhau, nên trong quá trình chuyển giao kỹ thuật công nghệ, để việc chuyển giao này thực sự hiệu quả, nhằm phát huy được hiệu quả của đề án BVVT, cần có khảo sát kỹ về năng lực, chuyên môn, cơ sở vật chất của BVVT nhằm có một chiến lược chuyển giao kỹ thuật cụ thể đối với từng địa phương.
Đối với cơ sở mới thành lập như Khoa Ung bướu của BVĐK Hà Tĩnh, dù còn thiếu nhân lực đồng thời chưa có nhiều kinh nghiệm sử dụng, tiếp cận các trang thiết bị y tế hiện đại, nhưng ngược lại, cả đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên của Khoa được đào tạo theo đúng quy chuẩn chung của bộ y tế về chuyên khoa ung bướu. Điều này sẽ có nhiều thuận lợi trong khâu tiếp nhận kỹ thuật được chuyển giao.
Kỹ thuật chọc tế bào được chuyển giao từ Trung tâm ung bướu, BV Bạch Mai. Ảnh N.Hà
Khi BV đã có cơ sở vật tốt, nhân lực đã được đào tạo, Trung tâm sẽ cử chuyên gia có kinh nghiệm đến các BVVT để cầm tay chỉ việc và phối hợp với ekip của BVVT trực tiếp chẩn đoán và điều trị bệnh cho bệnh nhân.
“Như vậy, nhân lực của BVVT sẽ chắc về kiến thức, đồng thời đảm bảo an toàn và hiệu quả cao trong việc chuyển giao kỹ thuật và công nghệ”. GS Khoa nhấn mạnh.
Tuyến dưới thực hiện thành thục kỹ thuật chẩn đoán, điều trị ung bướu: Người bệnh hưởng lợi
Bệnh nhân Trần Thị Cúc (61 tuổi, huyện Can Lộc) phát hiện bệnh ung thư dạ dày cách đây hơn 1 tháng. Bệnh nhân được chuyển lên BV đa khoa Hà Tĩnh từ BV thành phố Hà Tĩnh và được chỉ định phẫu thuật.
Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân có nguyện vọng đưa người bệnh lên BV K để phẫu thuật. Tại đây, do sức khỏe của bệnh nhân yếu, không thể phẫu thuật, nên gia đình chuyển bệnh nhân về lại BVĐK Hà Tĩnh để phục hồi sức khỏe.
Tại BVĐK Hà Tĩnh, nhận được sự chăm sóc ân cần và tư vấn sức khỏe, đồng thời chứng kiến những người bệnh tương tự sau khi được phẫu thuật tại BV, sức khỏe hồi phục nhanh nên gia đình bệnh nhân Cúc đã quyết định để bệnh nhân phẫu thuật tại BV, mà không cần phải chuyển lên tuyến trên.
Trường hợp khác, bệnh nhân Nguyễn Thị Hợi (19 tuổi, huyện Thạch Hà), phát hiện bệnh ung thư xương từ đầu năm 2014 tạiBV đa khoa Hà Tĩnh, các bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân chuyển lên BV K. Sau khi điều trị hóa chất 17 ngày, gia đình bệnh nhân cũng đã xin về điều trị ngoại trú. Sau đó, tiếp tục điều trị tại BV ĐKHà Tĩnh.
Đây chỉ 2 trong nhiều bệnh nhân đã tin tưởng vào trình độ đội ngũ y bác sĩ của Khoa ung bướu, BV đa khoa Hà Tĩnh. Vì theo ông Nguyễn Viết Đồng, Giám đốc BV đa khoa Hà Tĩnh cho biết, năm nay, tỷ lệ người bệnh chuyển lên tuyến trên từ BVĐK Hà Tĩnh giảm tới 30% so với năm trước, trong đó đa phần là bệnh nhân của Khoa này.
Thực tế cũng đã chứng minh, trước kia một lượng rất lớn các bệnh nhân ung thư thông thường đều phải chuyển lên tuyến trung ương (do BV chưa có khoa ung bướu), nhưng từ khi được thành lập cùng với hỗ trợ từ Đề án BVVT, Khoa ung bướu của BV luôn trong trạng thái đông bệnh nhân, thậm chí có thời điểm quá tải.
BS Võ Văn Phương, Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK Hà Tĩnh cho biết, nhờ việc chuyển giao kỹ thuật từ Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, đến nay Khoa đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật mà trước đây chưa làm được, như: trong chẩn đoán đã thực hiện được sinh thiết phổi, gan, vú, hạch…một cách thường quy, siêu âm thường quy; các kỹ thuật trong điều trị như bơm hóa chất vào màng bụng,màng phổi, bàng quan, đặt buồng tiêm truyền hóa chất; các phẫu thuật ung thư vú, tử cung, phần phụ, tuyến giáp, tiêu hóa…cũng đã được triển khai và ngày càng hoàn thiện.
“Nếu không có Đề án BVVT, các BV tuyến dưới không thể thực hiện các kỹ thuật tiến tiến như: sinh thiết xuyên thành phát hiện các tổn thương ung thư sâu...”, BS Phương chia sẻ.
BS Võ Văn Phương cũng cho biết, khi mới thành lập, Khoa ung bướu của BV đa khoa Hà Tĩnh chỉ có 30 giường, số bệnh nhân khám và điều trị rất ít, nhưng chỉ sau 2 năm hoạt động, Khoa đã tăng số giường lên 70, có những thời điểm bệnh nhân đông, phải nằm ghép 2 người/giường.
Để phục vụ chăm sóc và điều trị bệnh nhân tốt hơn, đồng thờitiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án BVVT, BS Võ Văn Phươngcho biết, sắp tới, Khoa sẽ tiếp tục cử người đi học và đang khẩn trương xây dựng khu xạ trị gia tốc có sự hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật của BV Bạch Mai trong điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Được triển khai từ năm 2013, Đề án BVVT do Bộ Y tế phê duyệt đang được thực hiện tại 14 BV hạt nhân và 46 BVVTphân bố tại 37 tỉnh, thành trên cả nước, với mục tiêu hình thành và phát triển mạng lưới BVVT thông qua đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám chữa bệnh từ xa để nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho các BVVT.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, 11 BVVT có tỷ lệ người bệnh chuyển lên tuyến trên giảm, gồm: BV A Thái Nguyên, Bãi Cháy Quảng Ninh, đa khoa tỉnh Điện Biên, đa khoa tỉnh Hà Giang, đa khoa tỉnh Ninh Bình, đa khoa tỉnh Quảng Ninh, BV Phụ sản Tiền Giang, Sản Nhi Cà Mau, Sản Nhi Ninh Bình, Ung Bướu Nghệ An và đa khoa tỉnh Hà Tĩnh.
BV ĐK Hà Tĩnh chỉ là 1 trong 11 BVVT có tỷ lệ người bệnh chuyển lên tuyến trên giảm (tính từ năm 2013 đến tháng 6/2014). Đây là tín hiệu tích cực ban đầu từ Đề án BVVT của Bộ Y tế.
Đề án được kỳ vọng sẽ làm thay dổi lớn diện mạo hiện nay tại các BV tuyến trung ương (quá tải, nằm ghép…), đồng thời khẳng định lời hứa của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến về thực trạng quá tải BV sẽ được giải quyết cơ bản ngoài năm 2015.
Nguyễn Hoàng
Báo SK&ĐS