Để lý giải vấn đề này một cách khoa học nhất, gần đây các nhà nghiên cứu thuộc Bệnh viện Massachusetts (Mỹ) đã công bố kết quả nghiên cứu cho thấy những người có hạch hạnh nhân (amygdala) hoạt động mạnh, có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch và đột quỵ.
Hạnh nhân (màu đỏ) nơi xử lý các yếu tố gây cảm xúc của con người.
Qua nghiên cứu đăng trên tạo chí Lancet, các nhà khoa học cho rằng hạch hạnh nhân, có hình dáng như hạt hạnh nhân nằm ở vùng tâm não và là nơi xử lý các yếu tố gây cảm xúc của con người, một khi phải hoạt động cường độ cao sẽ gửi các tín hiệu đến tủy xương khiến mô này tăng cường vận động. Việc các tủy xương vận động nhiều dẫn đến việc sản sinh một lượng bạch cầu dư thừa, tích tụ lại khiến các động mạch thu hẹp, từ đó dễ bị viêm nhiễm. Đây chính là nguyên nhân khiến các bệnh tim mạch phát triển và dễ gây đột quỵ.
Để có được kết quả trên, các nhà khoa học đã quan sát hình ảnh chụp cắt lớp phát xạ (PET) và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) của não bộ, tủy xương và sự vận động của cảm xúc cũng như tình trạng viêm động mạch của 293 bệnh nhân. Từ đó các nhà nghiên cứu phát hiện những người có hạch hạnh nhân hoạt động cường độ càng cao, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng lớn và tốc độ phát triển bệnh cũng nhanh hơn so với những người có hạch hạnh nhân vận động ít hơn.
Áp lực công việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Ngày nay, trước thực trạng số người căng thẳng do áp lực trong công việc và xã hội ngày càng tăng, nghiên cứu trên của các nhà khoa học đã chỉ ra cơ hội để con người cải thiện sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch thông qua việc thay đổi lối sống tích cực, tăng cường vận động để giải tỏa các cơn stress gây ra.