Liệu dùng thuốc, thực phẩm chức năng kích thích trẻ ăn có thực sự tốt?
Biếng ăn hay chán ăn là tình trạng phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi. Trẻ ít có cảm giác thèm ăn, ăn ít, ăn lâu, kéo dài bữa ăn lê thê hoặc nhất quyết bỏ bữa, dù bị bố mẹ thúc ép. Tình trạng kéo dài có thể gây suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh bình thường của cũng như sự phát triển trí não và thể chất của trẻ sau này.
Biếng ăn: Bệnh lý hay tâm lý?
Biếng ăn ở trẻ có nhiều nguyên nhân, có thể là do bệnh lý hoặc không phải bệnh lý. Trẻ biếng ăn có thể do chế độ ăn uống và dinh dưỡng không cân đối. Ví dụ như quá nhiều đạm và chất béo, nhưng lại thiếu vitamin và khoáng chất khiến cho quá trình hấp thu, chuyển hóa dinh dưỡng của trẻ không tốt, trẻ ăn kém ngon miệng. Ăn nhiều bữa gần nhau trong ngày, có nhiều bữa phụ hoặc bữa ăn vặt với thức ăn nhiều năng lượng như bim bim, khoai chiên, bánh ngọt, trà sữa… làm trẻ “lưng lửng” và chán ăn bữa chính.
Trong một số giai đoạn sinh lý như phát triển nhận thức, tiếp thu những cái mới xung quanh, học tập kỹ năng mới, trẻ cũng có thể quá chú tâm mà quên đi cảm giác đói, dẫn đến sao nhãng việc ăn uống. Hoặc có thể do nguyên nhân tâm lý, trẻ bị bố mẹ quát mắng, dọa nạt, ép buộc nên sợ bữa ăn. Đối với nguyên nhân bệnh lý, khi trẻ không khỏe do bất kỳ bệnh lý nào, cũng dẫn đến tình trạng biếng ăn. Biếng ăn có thể do các bệnh lý về tiêu hóa (rối loạn tiêu hóa, trào ngược dạ dày - thực quản, đau bụng…), viêm nhiễm vùng tai-mũi-họng, đau răng miệng, nhiễm giun sán, chán ăn, tâm thần (hiếm gặp ở trẻ nhỏ) hoặc do tác dụng phụ của một số thuốc.
Thận trọng khi sử dụng thuốc và thực phẩm chức năng
Tâm lý chung của đa số bố mẹ, khi thấy con cháu mình biếng ăn, còi cọc, thấp bé nhẹ cân hơn những đứa trẻ cùng trang lứa thì cảm thấy bất an, sợ con cháu sau này lớn lên thua thiệt bạn bè. Bố mẹ hay tìm mua những loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo có tác dụng kích thích sự thèm ăn, giúp trẻ tăng cân, phát triển chiều cao, trí thông minh… cho trẻ sử dụng.
Bố mẹ nên lưu ý
Không có bệnh thì tuyệt đối không nên dùng thuốc. Bố mẹ cần kiên nhẫn, dần dần thay đổi đa dạng thực phẩm, chế độ dinh dưỡng, cách tiếp cận trẻ trong việc ăn uống để mang lại hiệu quả lâu dài, thay vì vội vã mua thuốc cho trẻ theo quảng cáo, truyền miệng. Cơ thể trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn chỉnh như người trưởng thành nên rất nhạy cảm trong việc hấp thu, chuyển hóa các dược chất đưa vào.
Việc sử dụng bất cứ loại thuốc nào dù là thuốc bổ hay thực phẩm chức năng cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng cả về thành phần và liều lượng. Nên tham khảo qua ý kiến bác sỹ, dược sỹ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo an toàn cho trẻ, tránh các tai biến khó lường. Không có loại thuốc nào hiệu quả bằng việc tập luyện cho trẻ thói quen ăn uống đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm để mang lại cân bằng dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.
Các loại thuốc mà phụ huynh hay tự ý mua sử dụng cho trẻ biếng ăn:
Thuốc bổ tổng hợp: Thường chứa các acid amin (phổ biến là lysine), vitamin (B1, B6, B12, C…) và khoáng chất (sắt, kẽm, selen…). Một số chế phẩm còn phối hợp thêm nhiều loại dược liệu nhưng hiệu quả chưa được chứng minh rõ ràng. Đối với trẻ suy dinh dưỡng, ăn uống và phát triển kém thì đây là các chế phẩm bổ sung rất tốt và cần thiết, làm tăng sự chuyển hóa và kích thích sự thèm ăn ở trẻ. Tuy nhiên, cần được sự tư vấn của bác sỹ về độ tuổi sử dụng, liều lượng và thời gian sử dụng thích hợp cho từng trẻ, không được tự ý tăng liều khi thấy chưa có hiệu quả vì cơ thể trẻ cần thời gian để hấp thu từ từ các vi chất dinh dưỡng, bất cứ sự dư thừa chất nào cũng có thể tích lũy và gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.
Cần chú ý, không cho trẻ dùng các chế phẩm dành cho người lớn. Một số loại thuốc bổ tổng hợp được trình bày dưới dạng kẹo dẻo để kích thích sự thích thú của trẻ, phải để xa tầm tay trẻ do có thể xảy ra tình trạng quá liều do trẻ ăn liên tục cùng lúc. Hiện nay, một số loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc “núp bóng” dưới dạng thuốc bổ dược liệu cố tình trộn các hoạt chất corticoid để mamg lại tác dụng tăng cân nhanh chóng, mặt trẻ tròn ra, đánh vào tâm lý nóng vội muốn con tăng cân nhanh của các bậc phụ huynh. Thực chất, corticoid tạo tác dụng tăng cân giả tạo do giữ muối kéo theo giữ nước, gây ra vô số tác dụng phụ nguy hiểm khôn lường ảnh hưởng đến gan, thận, cơ xương, tuyến thượng thận, gây hội chứng Cushing, nên đặc biệt cẩn trọng.
Men tiêu hóa và men vi sinh: Thường bị nhầm lẫn dù đây là hai loại chế phẩm có công dụng hoàn toàn khác nhau. Men tiêu hóa là chế phẩm chứa các loại men (enzyme) giống với các men tự nhiên trong cơ thể có tác dụng phân cắt và tiêu hóa thức ăn. Được bác sỹ chỉ định khi trẻ trướng bụng khó tiêu, giảm tiết dịch tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa, trẻ mới ốm dậy… Men tiêu hóa nếu lạm dụng, sử dụng kéo dài sẽ ức chế sự tiết các men tiêu hóa nội sinh, gây ra sự lệ thuộc không tốt cho trẻ, vì vậy không nên dùng quá 2 tuần.
Men vi sinh là chế phẩm cung cấp các loại vi khuẩn có lợi (lợi khuẩn) cho hệ tiêu hóa để tạo nên sự cân bằng với các loại vi khuẩn có hại khác, chỉ định trong trường hợp trẻ bị rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột với biểu hiện tiêu chảy phân sống, tiêu chảy cấp do vi khuẩn hoặc virus, khi dùng kháng sinh dài ngày… Men vi sinh được sử dụng phổ biến cho trẻ, tuy nhiên việc sử dụng dài ngày chưa được chứng minh về hiệu quả và tính an toàn, vì vậy phụ huynh cũng không nên lạm dụng. Không sử dụng men vi sinh cho trẻ suy giảm miễn dịch, phẫu thuật hoặc có các tổn thương ruột. Một số loại men chống chỉ định với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên bố mẹ không nên tùy tiện sử dụng.
Thuốc chứa cyproheptadine: Đây được xem là “thần dược” trị biếng ăn cho trẻ trong nhiều năm về trước. Tuy nhiên, bố mẹ tuyệt đối không nên sử dụng chế phẩm có chứa hoạt chất này để trị biếng ăn dài ngày cho trẻ. Đây là thuốc chống dị ứng thuộc nhóm thuốc kháng histamine thế hệ một, hoàn toàn không có chỉ định cho trẻ biếng ăn, đã rất ít được sử dụng do nhiều tác dụng không mong muốn và mang lại cảm giác thèm ăn là một trong số đó. Thuốc có ở dạng chế phẩm siro nên khó kiểm soát liều lượng, nếu quá liều có thể ức chế hô hấp và thần kinh trung ương, gây co giật, ngưng tim và tử vong. Thuốc chống chỉ định cho trẻ em dưới 2 tuổi, theo khuyến nghị của Cục quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA).
Giải pháp cho trẻ biếng ăn
Xây dựng thực đơn và chế độ dinh dưỡng phù hợp: Bữa ăn phải đầy đủ các nhóm chất tinh bột, chất đạm, chất béo, chất xơ và vitamin với tỉ lệ thích hợp. Nên thay đổi thực đơn với nhiều loại thực phẩm để kích thích vị giác của trẻ, cũng như đảm bảo đầy đủ các vi chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. Các bữa ăn phụ nên là các thức ăn nhẹ, dễ tiêu hóa như sữa chua, hoa quả và có khoảng cách thời gian phù hợp với bữa ăn chính.
Kích thích tâm lý của trẻ: Có thể cho trẻ cùng tham gia chuẩn bị bữa ăn như đi chợ chọn lựa và sơ chế thực phẩm. Trẻ sẽ rất hứng khởi với món ăn của chính mình. Cho trẻ dùng nhiều phần thức ăn nhỏ thay vì một bát cơm đầy ắp. Không quát mắng khi trẻ biếng ăn vì trẻ sẽ phản ứng tiêu cực với bữa ăn, nên có sự điều chỉnh để trẻ thích thú bữa ăn trở lại.
Tạo thói quen ăn uống: Bữa chính nên được dùng vào khung giờ cố định trong ngày. Nên cho trẻ tự dùng bữa nếu trẻ đã tự ăn được, không nên bón cho trẻ. Không nên cho trẻ vừa ăn vừa sử dụng điện thoại, máy tính bảng vì sẽ kéo dài bữa ăn, trẻ không tập trung; thay vào đó nên cho trẻ dùng bữa cùng gia đình để có sự tương tác giữa các thành viên, từ đó để trẻ yêu thích giờ ăn hơn.
Tăng cường hoạt động thể chất cho trẻ: Bố mẹ nên cho trẻ có thời gian tập thể dục, thể thao, tăng cường thể lực để kích thích sự thèm ăn thay vì thụ động trong phòng.