Nhân viên y tế trường học với nhiều tâm tư
Vừa qua, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập, trong đó vị trí việc làm y tế học đường được xếp vào danh mục hỗ trợ, phục vụ và thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động.
Sau khi hai thông tư trên được ban hành, nhiều nhân viên y tế công tác tại các trường học, nhất là những nhân viên y tế đã trúng tuyển viên chức bày tỏ tâm tư khi vị trí việc làm của mình được xếp vào danh mục "hỗ trợ, phục vụ" và thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động mà không phải là viên chức giáo dục hoặc viên chức y tế.
"Bản thân tôi rất băn khoăn và lo lắng khi xếp chúng tôi vào nhóm hỗ trợ, phục vụ. Nhân viên y tế trường học chúng tôi phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ. Hằng ngày, chúng tôi đều phải trực tại trường phòng khi các em học sinh xảy ra tai nạn, thương tích. Đối với trường học có tổ chức bán trú, chúng tôi phải đến sớm để tiếp nhận, kiểm tra thực phẩm, lưu mẫu… Ngoài ra còn thực hiện theo dõi sức khỏe, biểu đồ tăng trưởng, chỉ số BMI của học sinh để xây dựng và thay đổi phương án đảm bảo dinh dưỡng phù hợp, giám sát vệ sinh môi trường học đường, phòng chống dịch bệnh, bệnh học đường, bạo lực học đường, phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ tự kỷ…
Nếu xếp nhân viên y tế học đường vào vị trí việc làm thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ và thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động thì thiệt thòi cho chúng tôi. Để đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh trong thường học, rất mong các cấp, ngành quan tâm xem xét, điều chỉnh vị trí "y tế học đường" từ danh mục hỗ trợ, phục vụ sang danh mục vị trí việc làm chuyên môn", một nhân viên y tế trường học tại quận Hoàng Mai chia sẻ.
Bộ GD&ĐT sẽ đề xuất điều chỉnh vị trí y tế học đường
Lý giải về việc sắp xếp này, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) Vũ Minh Đức cho biết, ngày 10/9/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập (gọi tắt là Nghị định 106).
Theo quy định tại Nghị định này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ hướng dẫn vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp chuyên ngành (Điểm a, Khoản 1, Điều 12); Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập (Khoản 1, Điều 15).
Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 30/12/2022, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BNV (Thông tư 12) Hướng dẫn về vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý; nghiệp vụ chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên môn dùng chung; hỗ trợ, phục vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó vị trí "y tế học đường" được xếp vào danh mục vị trí việc làm hỗ trợ phục vụ (Phụ lục V Thông tư số 12 nêu trên).
Tháng 10, Bộ GD&ĐT đã ban hành hai Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT thay thế Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT). Việc ban hành hai Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm đã tuân thủ đúng Nghị định 106 của Chính phủ, Thông tư số 12 của Bộ Nội vụ và được Bộ Nội vụ cho ý kiến thống nhất theo quy định.
Thông tư số 19 và Thông tư 20 của Bộ GD&ĐT đã quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ nhân viên y tế trường học đã được tuyển dụng trước ngày 15/2. Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên y tế trường học tuyển mới sau ngày 15/2/2023 (thời điểm Thông tư số 12 có hiệu lực) phải thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động, gây khó khăn, tâm lý không ổn định cho đội ngũ này trong trường học.
Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên y tế trường học có nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, đòi hỏi phải có trách nhiệm cao với công việc và không thể để xảy ra sai sót vì liên quan đến tính mạng, sức khỏe của con người. Bên cạnh đó, các công tác liên quan khác như: thu và lập hồ sơ Bảo hiểm y tế học sinh; phòng, chống dịch bệnh; bệnh học đường; phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em; phòng, chống tác hại thuốc lá, thuốc lá điện tử, ma túy; bạo lực học đường, HIV/AIDS.
Ngoài ra, nhân viên y tế học đường còn chăm sóc sức khỏe tâm thần, hỗ trợ tư vấn tâm lý và hỗ trợ học sinh có những biểu hiện bất thường về tâm lý, phát hiện sớm các dấu hiệu của trẻ tự kỷ để phối hợp cùng gia đình, các cơ sở y tế can thiệp kịp thời…
Xuất phát từ vai trò quan trọng của công tác y tế học đường và tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ nhân viên y tế học đường; ngoài việc tiếp tục đề nghị các địa phương quan tâm đến chế độ chính sách đối với đội ngũ này, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 12, điều chỉnh vị trí "y tế học đường" từ danh mục hỗ trợ, phục vụ sang danh mục vị trí việc làm chuyên môn dùng chung để bảo đảm chế độ, chính sách cho đội ngũ này khi tuyển dụng; từ đó bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ và học sinh trường học.