Hà Nội

Giải tỏa, di dời chợ Long Biên: Bà con tiểu thương băn khoăn, lo lắng

09-07-2015 09:34 | Thời sự
google news

Chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) sẽ buộc phải di dời, xóa bỏ trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Việc triển khai quy hoạch này đang rất được người dân

 
 Theo Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 vừa được Bộ Công Thương phê duyệt, chợ đầu mối Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) sẽ buộc phải di dời, xóa bỏ trong giai đoạn từ nay đến năm 2020. Việc triển khai quy hoạch này đang rất được người dân Hà Nội quan tâm. 

Chưa ấn định ngày di dời

Kinh doanh tại chợ Long Biên hơn 10 năm qua, chị Nguyễn Thị Kiều chia sẻ: “Buổi chợ đêm qua nháo nhào với thông tin chợ Long Biên sắp bị giải tỏa, di dời. Tiểu thương chúng tôi sẽ đi đâu? Chỗ mới có thuận tiện giao thông, các loại thuế phí như thế nào”?

Cùng chung tâm trạng lo lắng, chị Trần Thị Yên (kinh doanh tại chợ từ năm 1995) thắc mắc: “Đùng một cái tôi thấy bảo di dời, xóa bỏ chợ. Cả nhà tôi sống nhờ vào chợ. Thời gian xóa bỏ, di dời ấn định từ năm 2015 đến 2020, giờ đã năm 2015 thì chúng tôi sắp phải chuyển đi đến nơi rồi”.

Được thành lập từ trước năm 1985, chợ Long Biên liên tục mở rộng quy mô hoạt động. Đây là chợ hoa quả, nông sản lớn trên địa bàn thành phố. Trước năm 2007, khu vực chợ Long Biên là một trong những “điểm nóng” về trật tự. Thế nên, thời điểm đó, thành phố Hà Nội đã tính đến phương án giãn bớt hoạt động của chợ này, chuyển thành chợ hạng 2 phục vụ dân sinh. Tiểu thương kinh doanh tại chợ Long Biên sẽ được chuyển sang chợ đầu mối Đền Lừ (phía Nam) nhưng không thực hiện được vì nhiều lý do. Bà con kinh doanh trong chợ cũng không ủng hộ phương án này. Đến nay, chợ Long Biên có khoảng 1.200 tiểu thương buôn bán các ngành hàng rau củ, hoa quả, thủy hải sản.

Chợ Long Biên nằm trong diện phải di dời

Trước thông tin chợ Long Biên sẽ bị di dời, xóa bỏ trong giai đoạn 2015-2020, nguồn tin của Báo ANTĐ cho biết, đây mới là quy hoạch của Bộ Công Thương. Việc di dời phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể, rõ ràng. Tiểu thương kinh doanh tại chợ Long Biên không nên quá lo lắng.

Chợ Long Biên không phải chợ đầu mối?

Tháng 7-2014, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp “Quy hoạch tổng thể phát triển mạng lưới chợ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035”. Tài liệu này cho biết, theo Quyết định số 12/2007/QĐ-BCT về quy hoạch phát triển mạng lưới chợ toàn quốc đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 thì chợ Long Biên là chợ bán buôn. Chợ đầu mối phía Nam cũng không có trong quy hoạch này. Tuy nhiên, tại quy hoạch chợ vừa được Bộ Công Thương phê duyệt cuối tháng 6-2015 thì chợ Long Biên và chợ đầu mối phía Nam lại là chợ đầu mối, thuộc diện phải di dời, xóa bỏ.

Trao đổi với báo chí, đại diện Ban quản lý chợ Long Biên cho biết, từ năm 2007, chợ này đã được chuyển xuống thành chợ hạng 2 (tức là chợ dân sinh) và do UBND quận Ba Đình trực tiếp quản lý. Hiện nay, chợ Long Biên đang được cải tạo, nâng cấp để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiểu thương kinh doanh trong dịp Tết sắp tới. Việc không thống nhất khái niệm, tên gọi chợ Long Biên nêu trên chắc chắn sẽ gây thêm khó khăn và phản ứng của các hộ kinh doanh với việc di dời, xóa bỏ chợ này.

Chợ đầu mối nên ở ngoại thành

Bình luận về việc sẽ di dời, xóa bỏ chợ đầu mối Long Biên theo quy hoạch của Bộ Công Thương, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, chợ đầu mối nên nằm ở các cửa ngõ ra vào Thủ đô, cách trung tâm thành phố khoảng 15-20km. “Chợ Long Biên và chợ đầu mối phía Nam đều nằm giữa lòng thành phố, không thuận tiện.

Theo tôi, mỗi phía của thành phố phải bố trí 1-2 chợ đầu mối, quy mô 15- 20 ha, thuận tiện cho giao thông và có hạ tầng hiện đại”. Thêm vào đó, hàng hóa vào chợ đầu mối cũng phải được kiểm soát, cần được sơ chế, cắt bớt khâu trung gian để hạ giá thành sản phẩm, góp phần bình ổn giá. Với việc di dời, xóa bỏ chợ Long Biên, ông Vũ Vinh Phú cho rằng: “Cần phải làm nhanh chợ mới để bà con chuyển đến kinh doanh. Cơ chế quản lý, kinh doanh, các khoản thuế phí phải rõ ràng, công khai. Với hàng nghìn người đang kinh doanh buôn bán, bốc vác tại chợ, phải tổ chức sắp xếp ổn định. Muốn làm được như thế, phải lấy ý kiến tiểu thương để có phương án nhận được sự đồng thuận”.

 


Ý kiến của bạn