Insulin là hormon có bản chất protein duy nhất trong cơ thể có tác dụng làm giảm đường huyết kể cả đái tháo đường (ĐTĐ) týp 1 lẫn týp 2. Khi dùng tại nhà, người dùng nên có kiến thức về từng loại insulin và kỹ thuật tiêm để mang lại hiệu quả và hạn chế biến chứng do dùng sai cách. Dưới đây là 9 giả thiết, sự thật khi áp dụng liệu pháp tiêm insulin.
Hầu hết đều ngại tiêm?
Hầu hết những ai mới tiêm đều ngại vì nghĩ bệnh nặng, sợ đau và không muốn người xung quanh biết. Nhưng theo chuyên môn, việc tiêm insulin giống như các liệu pháp khác, đơn giản, hiệu quả và hạn chế biến chứng, quan trọng hơn là duy trì cuộc sống cho người bệnh.
Khi tiêm insulin tại nhà cần có kiến thức cơ bản về từng loại và kỹ thuật tiêm.
Tiêm gây đau đớn, dày da bụng?
Tiêm gây đau, điều này là có thật, nhưng tất cả mọi người đã tiêm đều thấy đau không đáng kể, không gây dày, bì da, nếu có chỉ đau chút xíu giống như thủ thuật trích máu ở ngón tay để đo đường huyết.
Insulin làm tăng cân?
Đúng, insulin là một hormon lưu trữ và chuyển đổi calo đầu vào thành chất béo, vì vậy, nếu dùng quá nhiều sẽ gây tăng cân.
Tiêm insulin có nghĩa việc kiểm soát bệnh ĐTĐ đã thất bại?
Không đúng. Lý do, bệnh ĐTĐ týp 2 là một rối loạn tiến triển và cuối cùng làm cho các tế bào beta của tuyến tụy không sản xuất đủ insulin. Tiêm thuốc chỉ là một trong số các biện pháp giúp đạt được mục tiêu điều trị, đồng thời giúp người bệnh giảm biến chứng. Người bệnh nên thực hành kỹ thuật tiêm insulin tại gia để chủ động, tiêm đúng giờ sẽ làm tăng hiệu quả điều trị.
Dùng insulin gây tụt đường huyết?
Giả thiết này là có thật, khá phổ biến đối với liệu pháp insulin, vì vậy nên thử đường huyết thường xuyên và sử dụng loại insulin thế hệ mới nhất như lantus hay basal-bolus insulin (insulin cơ bản - bữa ăn) tiêm trên 1 mũi/ngày, sẽ có tác dụng kiểm soát đường huyết ổn định hơn.
Dùng xilanh hoặc bút tiêm insulin rất tốn kém?
Thực tế, việc sử dụng xilanh hay kim tiêm hoặc bút tiêm insulin là tốn kém, song việc này có nhiều cách khắc phục như giữ vệ sinh và sử dụng một vài lần, nhất là trường hợp kinh tế còn hạn hẹp.
Thải bỏ kim tiêm insulin đúng cách để tránh người nghiện sử dụng lại?
Đúng, đây không chỉ là quy định của chuyên môn, mà còn là quy định bắt buộc để giữ an toàn cho mọi người, nhất là hạn chế việc tái sử dụng bởi các mục đích khác, nhất là nhóm người nghiện. Hãy tư vấn chuyên môn khi thải bỏ các vật dụng này theo quy định của y tế.
Insulin tiêm không phải là tự nhiên mà do con người bào chế?
Đúng. Hầu hết các sản phẩm insulin hiện đang thương phẩm là do con người bào chế bằng phương pháp hóa học, không dùng phương pháp chiết xuất từ lợn hoặc từ tụy bò như trước nữa. Insulin được bào chế nhân tạo dùng cho cả người bị thiếu insulin (ĐTĐ týp I) hoặc kháng insulin (ĐTĐ týp II). Thuốc insulin thường là thuốc chích dưới da, có nhiều loại nhưng chủ yếu ở hai dạng chính là tác dụng nhanh và tác dụng chậm. Dạng nhanh dùng ngay trước bữa ăn, để tăng độ insulin trong cơ thể phù hợp với số lượng carbohydrate sắp ăn vào. Dạng còn lại dùng vào buổi tối, để giữ lượng đường trong máu không tăng vọt trong nhiều giờ ngày hôm sau. Do được bào chế bằng phương pháp hóa học nên insulin sản phẩm có độ thuần cao. Ví dụ, trước năm 1972, những người sử dụng sản phẩm này có độ thuần insulin 90%, 10% còn lại là tạp chất nhưng nay độ thuần insulin là 99%, không khác gì insulin trong cơ thể, nên phản ứng phụ dị ứng hầu như không có.
Tiêm insulin khi xa nhà rất phiền phức và dễ bị hiểu nhầm là con nghiện?
Khi xa nhà phải tiêm insulin, nhiều người thường ngại phiền hà, sợ mọi người đánh giá là nghiện ma túy nếu bị phát hiện. Để khắc phục, có thể dùng bút insulin, kim tiêm có thể xuyên qua quần áo, tiêm mọi lúc, mọi nơi rất thuận tiện, kể cả ở nhà hàng hay trong ôtô, chỉ mất 20 giây là xong. Thông thường, người ta có thể dùng một chiếc phích dạng chai đựng đá để bảo quản insulin cho an toàn khi đi dã ngoại, có thể tiêm công khai bởi mắc bệnh chẳ́ng có gì phải xấu hổ.
(Theo Healthcentra, 8/2015)
Duy Hùng