Câu chuyện của Hồ Văn Cường, Quán quân cuộc thi Thần tượng âm nhạc nhí mùa đầu tiên có tên trong danh sách đề cử ở hạng mục Ca sĩ ấn tượng, Giải thưởng Ấn tượng VTV 2016 đang gây nên những luồng dư luận trái chiều. Điều đáng quan tâm là trong thời gian qua, không chỉ có Hồ Văn Cường, nhiều thí sinh khi mới “chân ướt, chân ráo” bước ra từ một cuộc thi âm nhạc cũng xuất hiện trong những đề cử giải thưởng âm nhạc. Sự tôn vinh này, liệu có xứng danh?
Truyền hình thực tế “phủ sóng” giải thưởng âm nhạc
VTV Award - Giải thưởng Ấn tượng VTV ra đời với mục đích tôn vinh những người làm truyền hình, những cá nhân, tổ chức đã và đang đóng góp cho sự phát triển của Đài truyền hình Việt Nam. Theo thông tin từ Ban Tổ chức, Ấn tượng VTV 2016 sẽ có một đêm trao giải ấn tượng và đầy màu sắc vào đầu tháng 9 tới đây. Sự góp mặt của Hồ Văn Cường ở hạng mục Ca sĩ ấn tượng đang khiến Giải thưởng Ấn tượng VTV “nóng” hơn rất nhiều. Đứng chung với Hồ Văn Cường ở hạng mục này, còn có nhiều bậc đàn anh, đàn chị - những người đã có chặng đường dài cống hiến cho nhạc Việt như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Cẩm Ly, Tùng Dương, Noo Phước Thịnh, Văn Mai Hương, Minh Hằng, Trúc Nhân, Sơn Tùng M-TP, Đông Nhi, Cát Tường, Lê Anh Dũng, Tóc Tiên, Thu Minh, PB Nation, O-Plus, Soobin Hoàng Sơn, Maya, Tiên Tiên, Khởi My, Issac.
Á quân Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên Phương Mỹ Chi giành giải Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca, truyền thống cách mạng được yêu thích nhất, giải thưởng Mai Vàng 2013.
Nếu đánh giá ở tiêu chí “ấn tượng” thì có lẽ, Hồ Văn Cường ít nhiều tạo được dấu ấn trong lòng khán giả sau thời gian tham gia Thần tượng âm nhạc nhí. Tuy nhiên, xét ở tiêu chí có “đóng góp cho sự phát triển của Đài truyền hình Việt Nam” thì có lẽ “hơi quá” với những gì mà Cường đã thể hiện. Phải chăng, Hồ Văn Cường cùng với Thần tượng âm nhạc nhí là điểm sáng, đã góp phần nâng cao tỷ lệ người xem, nâng giá quảng cáo trong thời kỳ “vàng thau lẫn lộn” các chương trình giải trí trên truyền hình hiện nay?
Hồ Văn Cường được khán giả yêu quý không chỉ vì hát nhạc dân ca ngọt ngào, giàu cảm xúc mà còn vì đời tư - hoàn cảnh gia đình khó khăn khiến em phải đi hát đám cưới kiếm tiền được khai thác triệt để trên truyền hình thực tế. Hồ Văn Cường được vinh danh ngôi vị cao nhất của cuộc thi nhờ sự yêu mến, lượng tin nhắn bình chọn áp đảo của khán giả nhưng xét về kỹ thuật, sự đa dạng, “biến hóa” trong biểu diễn thì Hồ Văn Cường còn kém xa 3 thí sinh còn lại trong top 4 của chương trình. Hồ Văn Cường có trở thành Ca sĩ ấn tượng hay không là câu chuyện khác nhưng ngay cả khi đưa tên em vào danh sách đề cử này liệu có xứng đáng và công bằng với sự nỗ lực và cống hiến của những ca sĩ “gạo cội” khác?
Xét cho cùng thì Hồ Văn Cường không có lỗi bởi bản thân em không thể tự đưa tên mình vào bảng đề cử hạng mục được vinh danh. “Cái lỗi” nằm ở vị trí quán quân và Ban Tổ chức giải thưởng. Một thực tế rất đáng suy ngẫm là trong thời gian gần đây, thí sinh giành thứ hạng cao trong các cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình thường xuyên có mặt trong những đề cử xếp hạng âm nhạc trong nước. Liệu sự “dễ dãi” trong việc lựa chọn đề cử có làm giảm giá trị của giải thưởng? Có thể “điểm danh” một vài trường hợp: Quán quân Giọng hát Việt mùa đầu tiên Hương Tràm giành chiến thắng ở hạng mục Nghệ sĩ mới - giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2013; Trọng Hiếu, quán quân Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2015 được đề cử hạng mục Gương mặt phát hiện - giải thưởng Làn sóng xanh năm 2015, đề cử Nghệ sĩ mới của năm - giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2016; Đức Phúc, quán quân Giọng hát Việt 2015 cũng ngay lập tức có tên ở hạng mục Gương mặt phát hiện - giải thưởng Làn sóng xanh năm 2015 cùng “bảng phong thần” với Trọng Hiếu.
Đừng tiếp tay tạo ra “giá trị ảo”
Bám sát các chương trình giải trí trong nước, nhất là sự phủ sóng và ảnh hưởng mạnh mẽ của các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình, thời gian gần đây, các giải thưởng âm nhạc thường có thêm hạng mục mới là Nghệ sĩ mới, Phát hiện mới. Xét ở góc độ nào đó, việc những quán quân, á quân cuộc thi âm nhạc xuất hiện ở hạng mục này có thể chấp nhận nhưng đưa họ vào các hạng mục giải thưởng đòi hỏi sự cống hiến lâu dài thì e có phần “hơi quá”. Việc Sơn Tùng M-TP, ca sĩ có lượng fan hùng hậu nhưng cũng là nghệ sĩ “dính” nhiều scandals hàng đầu showbiz được vinh danh ở hạng mục Ca sĩ của năm, giải thưởng âm nhạc Cống hiến 2016 vẫn khiến dư luận dậy sóng.
Nhìn vào “hồ sơ nghệ thuật” của Sơn Tùng M-TP thấy “nổi bật nhất” vẫn là những cáo buộc đạo, nhái, hành vi ứng xử thiếu văn hóa với các bậc cha chú. Gần đây, sản phẩm mới nhất của Sơn Tùng M-TP là Chúng ta không thuộc về nhau bị tố đạo ca khúc We don’t talk anymore - một bài song ca của Charlie Puth và Selena Gomez. Trước đó, những ca khúc triệu view của chàng ca sĩ gốc Thái Bình này như Em đừng đi, Em của ngày hôm qua, Cơn mưa ngang qua cũng bị phát hiện có phần nhạc beat giống một số ca khúc nhạc Hàn Quốc và Nhật Bản... Nhiều người cho rằng, Sơn Tùng M-TP không có đủ tài năng và đạo đức của một người nghệ sĩ chân chính để xứng đáng được tôn vinh ở một giải thưởng âm nhạc vốn được kỳ vọng là Grammy cho nhạc Việt. Việc gọi tên một ca sĩ không xứng danh đã làm giảm uy tín của Cống hiến và có người còn nhận định rằng, Cống hiến 2016 là mùa giải thất bại.
Trước đó, Uyên Linh, quán quân Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2010 xuất hiện trong danh sách đề cử Ca sĩ của năm của giải thưởng Cống hiến 2011, cùng với Thanh Lam, Tùng Dương, Đức Tuấn, Hà Anh Tuấn gây nên những tranh luận trái chiều. Tương tự như vậy, á quân chương trình Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên, Phương Mỹ Chi đã vượt qua các gương mặt kỳ cựu như Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Thanh Thúy giành giải Ca sĩ hát nhạc âm hưởng dân ca, truyền thống cách mạng được yêu thích nhất, giải thưởng Mai Vàng 2013. Cũng trong giải thưởng này, Quang Anh, quán quân Giọng hát Việt nhí lọt tới top 5 hạng mục Nam ca sĩ nhạc nhẹ được yêu thích nhất.
Một câu hỏi đặt ra là, giải thưởng âm nhạc có cần thiết trong đời sống âm nhạc hiện nay? Câu trả lời là có, rất cần thiết bởi đó là sự tôn vinh, ghi nhận những cống hiến của nghệ sĩ, đánh dấu bước trưởng thành của nghệ sĩ. Giải thưởng âm nhạc phải phát hiện những nhân tố mới, tích cực cho thị trường âm nhạc Việt, qua đó, lan tỏa cái đẹp, sự lao động nghệ thuật nghiêm túc. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải “chọn đúng mặt” để “gửi vàng” bởi uy tín của giải thưởng được tạo dựng từ chính những nhân tố được vinh danh. Tôn vinh không đúng người sẽ tạo ra những giá trị ảo trong âm nhạc, khiến những nghệ sĩ trẻ ảo tưởng về khả năng của chính mình. Các phương tiện truyền thông, giải trí trong thời kỳ bùng nổ internet đang được coi là một trong những yếu tố tạo ra “sao xẹt”, chính vì vậy, giải thưởng âm nhạc không được dễ dãi và “tiếp tay” để tạo ra giá trị ảo trong showbiz...