Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2013

15-10-2013 11:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

Lễ trao Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2013 và kết nạp hội viên mới đã được tổ chức trọng thể và thân mật đúng ngày 10/10 kỷ niệm giải phóng Thủ đô tại Thư viện Hà Nội.

Lễ trao Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2013 và kết nạp hội viên mới đã được tổ chức trọng thể và thân mật đúng ngày 10/10 kỷ niệm giải phóng Thủ đô tại Thư viện Hà Nội.

Các hạng mục thể loại năm nay đều có giải: văn xuôi có bút ký Các bạn tôi ở trên ấy của nhà văn Nguyên Ngọc (NXB Trẻ); thơ có Đường gió (NXB Hội Nhà văn) của nhà thơ Giáng Vân; lý luận phê bình có tập biên khảo Nắng được thì cứ nắng, Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn của Phan An Sa; dịch thuật có tập thơ Tâm (NXB HNV) của M.Tsvetaeva do Phạm Vĩnh Cư dịch từ nguyên bản tiếng Nga.

Giải Thành tựu sự nghiệp các hội đồng bộ môn đưa ra để cân nhắc có Tuyển tập văn học cổ cận đại Việt Nam, từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật của GS. Huệ Chi. Tuyển tập thơ của Vân Long, Tuyển tập thơ của Tạ Hữu Yên. Qua vòng chung khảo, công trình của GS. Huệ Chi được chọn năm nay.

Tập bút ký Các bạn tôi ở trên ấy là kết quả những chuyến đi - thấy - nghe - nghĩ của nhà văn Nguyên Ngọc. Sau mỗi chuyến đi, ông lại cất lên tiếng nói của mình trên các diễn đàn, trong đó có văn học, để báo động về một nguy cơ lớn đang hủy hoại và tàn phá vùng đất xung yếu này của đất nước, thức tỉnh mọi người tìm hiểu, nhận thức và bảo vệ lịch sử, văn hóa, phong tục của vùng đất này trước các hiểm họa sinh thái: tự nhiên, văn hóa và nhân văn. Những người bạn của Nguyên Ngọc ở trên Tây Nguyên ấy đã mở ra cho bạn đọc cả nước thấy bề dầy, bề sâu văn hóa của vùng đất cao nguyên... Ta thấy ở tác giả vẫn là một nhà văn cường tráng, ông là "Người đi": đi trên nhiều thực địa, đi sát trong đời sống, đi rộng trong văn hóa, đi sâu trong tư duy... Tác phẩm ghi nhận sự dẻo dai sức viết của nhà văn và sức hấp dẫn của thể loại phi hư cấu được viết bằng một văn phong tinh tế và sâu lắng...

Giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2013 1
 Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên và các tác giả được giải (Huệ Chi, Giáng Vân, Nguyên Ngọc, Phan An Sa).

Đường giólà tập thơ thứ ba của Giáng Vân, sau gần 20 năm không xuất bản, nhưng chị vẫn âm thầm trải nghiệm, chiêm nghiệm về những cảnh đời, những phận người để tìm cách nắm bắt và thấu hiểu những điều ở phía sau nhân sinh, cõi thế... Đường gió hay chính là con đường đời lắm gió, chị vẫn đi với những bài thơ chắt lọc, kiệm lời... Năng lượng thơ trong chị vẫn dồi dào để chứng tỏ thêm một bước mới thành công trong âm thầm nỗ lực...

Tập biên khảo Nắng được thì cứ nắng, Phan Khôi từ Sông Hương đến Nhân Văn của Phan An Sa vừa có tính nghiên cứu, vừa có tính tự sự, phác họa sự nghiệp làm báo và dựng lại cuộc đời của học giả Phan Khôi trên tiến trình lịch sử chính trị và văn hóa nước nhà nửa đầu thế kỷ 20. Cuốn sách được viết từ cái nhìn gần và độ lùi xa đã bước đầu làm hiện rõ và nổi bật vai trò, vị trí Phan Khôi trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Giải thưởng này đã ghi nhận đóng góp bước đầu trong quá trình trả lại giá trị đích thực cho một nhân vật lớn của văn hóa và văn học dân tộc.

Tập thơ dịch Tâm được in song ngữ Nga - Việt lần đầu cho bạn đọc Việt được tiếp xúc hệ thống với thơ Marina Tsvetaeva, một trong những nhà thơ Nga xuất sắc nhất thế kỷ XX, một gương mặt thơ sáng láng của thế giới. Bản dịch của Phạm Vĩnh Cư được thực hiện công phu, nghiêm túc từ nguyên tác của một dịch giả am hiểu ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử Nga với cách dịch ngữ văn, bám sát nghĩa văn bản thơ. Giải thưởng là sự ghi nhận đóng góp của dịch giả trong việc giới thiệu lại văn học Nga ở Việt Nam với một phương pháp dịch thuật văn chương cẩn trọng.

Tuyển tập Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đến các mã nghệ thuật có tính tổng kết sự nghiệp nghiên cứu văn học truyền thống dân tộc hơn nửa thế kỷ của một nhà trí thức có nghiên cứu, có bản lĩnh, đam mê và khoa học. Giải thưởng ghi nhận công lao của tác giả đã có những đóng góp tích cực cho việc nhận diện, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa văn học của dân tộc thể hiện ở những bài viết vừa chuyên sâu vừa thời sự.

Trong phần phát biểu của các tác giả nhận giải, GS. Huệ Chi đã hào hứng nói vui: Tôi mới được 1 tuổi Hội (kết nạp năm trước), năm nay đã được giải thành tựu sự nghiệp cả đời là một chuyện lạ, hiếm có! Cả GS. Huệ Chi và tác giả biên khảo Phan An San (tác giả này càng xa lạ hơn với độc giả Hà Nội) đều cho biết là bị bất ngờ, không có thông tin nào bay đến trước, chứng tỏ không thể có hiện tượng "chạy giải"! Hai ông cho đó là cách trao giải thật khách quan, dân chủ...

Phần II là kết nạp hội viên mới. Dường như con số hội viên được kết nạp của mỗi thể loại đã được cân nhắc cho thích ứng với sự tương quan sẵn có trên hoạt động văn học hôm nay: 14 nhà thơ hội viên mới, 5 nhà văn, chỉ có 1 nhà phê bình.

Tân Thanh


Ý kiến của bạn