Bệnh nhân là bà N.T.T.C (76 tuổi, Nghệ An) nhập viện trong tình trạng bị nuốt nghẹn tăng dần, khó thở và khàn tiếng nhẹ.Theo lời kể của gia đình, bà C. vốn bị bướu giáp đã được gần 15 năm nhưng thời gian gần đây chị thấy bướu ngày càng lớn chèn hết phần cổ nên chị quyết định đến Bệnh viện Ung bướu Nghệ An để được các bác sĩ khám và điều trị.
Khối u bướu giáp của bệnh nhân.
Khi tiếp nhận các bác sĩ khám và bệnh nhân được chẩn đoán bị bướu giáp khổng lồ với kích thước khối u thùy trái 51x64x100mm; khối u thùy phải 42x42x86 mm đè đẩy khí quản, thực quản lệch sang phải, chèn ép làm xẹp 1 phần khí quản. Ngay sau đó các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn và chỉ định phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp cho bệnh nhân. Kíp mổ nhận định, đây là một ca mổ khó vì khối u kích thước lớn, tăng sinh mạch máu nhiều, nguy cơ mất máu cao. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, khối u đã được bóc tách thành công mà không làm tổn thương các cơ quan lân cận. Bệnh nhân mất máu ít và không biến chứng.
Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, khối u đã được bóc tách thành công.
Theo Ths.Bs Ngô Vi Tiến – Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An cho biết, bướu giáp khổng lồ là giai đoạn muộn của các bệnh lý tuyến giáp. Bệnh nhân thường đến khám ở giai đoạn muộn khi có các biểu hiện khó thở, nuốt nghẹn hoặc đôi khi có khàn tiếng. Phẫu thuật cắt tuyến giáp là phẫu thuật không phức tạp tuy nhiên nếu để muộn, khối u kích thước lớn hoặc thòng trung thất thì phẫu thuật tiềm ẩn nhiều nguy cơ và tai biến.
Vì vậy các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân có bướu đa nhân, bướu kích thước lớn, hoặc có biểu hiện chèn ép, khàn tiếng…nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và được điều trị phẫu thuật sớm hạn chế tai biến và biến chứng.
Được biết, bướu giáp khổng lồ là một bệnh lý hiếm gặp, với nguy cơ cao trong quá trình gây mê liên quan đến sự di lệch, chèn ép cấu trúc đường thở làm khó khăn cho việc đặt nội khí quản. Kích thước khối u lớn làm biến dạng cấu trúc giải phẫu và tình trạng tăng sinh mạch máu của khối u làm tăng nguy cơ chảy máu trong quá trình phẫu thuật.
Để có biện pháp điều trị kịp thời, cách tốt nhất là tầm soát, sàng lọc sớm.
Tuyến giáp nằm ở vị trí phía trước cổ nên rất dễ nhận ra những biểu hiện khác thường. Hãy đi khám ngay khi thấy các triệu chứng sau: Sờ thấy có khối u ở cổ, nổi hạch to ở cổ, ho mạn tính kéo dài, bị khàn giọng, khó nuốt, khó thở, đau trong họng hoặc vùng cổ.