Tất cả là nhờ các y bác sĩ đã tận tâm cứu chữa, chăm sóc, đẩy lùi căn bệnh hiếm mà con chị không may mắc phải. Đây cũng là lần đầu tiên các bác sĩ phẫu thuật thành công thoát vị màng não bẩm sinh qua xương bướm ở trẻ nhỏ.
Trẻ khò khè, thở bằng miệng ngay khi vừa lọt lòng
Ngày bé trai Hoàng Minh Trí, 2 tuổi (ở Long Biên, Hà Nội) chào đời, cả gia đình hân hoan chào đón thành viên mới. Nhưng thật không may, sau sinh trẻ được chẩn đoán teo gai thị bẩm sinh mắt trái, từ khi sinh ra, Trí thường xuyên khò khè, ngủ ngáy, ngạt mũi liên tục hai bên, kéo dài từ khi sinh, phải thở bằng miệng.
Chị Nga nhớ lại: "Con không thể bú liền mạch, bú sâu như các trẻ khác vì khó thở, phải há miệng thở, trong khi mũi thì chảy nước liên tục, thương con lắm mà không biết phải làm sao". 3 tháng đầu, chị Nga ròng rã đưa Trí đi khám khắp các chuyên khoa nhi và tai mũi họng, Trí được chẩn đoán là viêm mũi họng, viêm mũi dị ứng...
Đến khi Trí 3 tháng tuổi, gia đình đưa đi khám nội soi tại Khoa Tai Mũi Họng trẻ em, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương thì phát hiện khối u che kín cửa mũi sau 2 bên. Các bác sĩ đã tiến hành chụp cắt lớp vi tính và chẩn đoán xác định Trí mắc phải căn bệnh hiếm gặp - thoát vị màng não qua bướm sàng.
TTƯT.TS.BS Lê Anh Tuấn – Trưởng khoa Tai Mũi Họng Trẻ em, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết, do lúc đó bệnh nhi còn quá nhỏ, mới 3 tháng tuổi và trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên bác sĩ giải thích cho gia đình về theo dõi, đồng thời hẹn khám định kỳ để có kế hoạch điều trị. Khi Trí được 24 tháng, gia đình đưa cháu đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương để làm hồ sơ để phẫu thuật.
Qua thăm khám nội soi, chụp cắt lớp vi tính thấy khối ở phía sau hốc mũi và vùng vòm, có hình ảnh khuyết xương toàn bộ xương bướm và một phần sàng sau, không thấy hình ảnh xoang bướm, kích thước lỗ khuyết xương khoảng 1x2 cm. Trên phim cộng hưởng từ thấy cấu trúc khối trong mũi là màng não và dịch não tủy, có hình ảnh dị hình của ống thần kinh thị giác bên phải, hình ảnh teo thần kinh thị bên trái...
Bệnh nhân được hội chẩn liên chuyên khoa bao gồm: tai mũi họng, phẫu thuật thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức để xét phẫu thuật nội soi lấy khối thoát vị và tái tạo chỗ khuyết xương.
Ca bệnh đầy thách thức...
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống về trường hợp bệnh nhân Trí, TS.BS Lê Anh Tuấn - người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân cho biết đây là ca bệnh đầy thách thức bởi lẽ bệnh nhân nhỏ tuổi, chỗ khuyết xương lớn, phần màng não thoát vị xuống vùng vòm rất to, phía trên chỗ khuyết xương tại vùng hố yên có hiện tượng tuyến yên, tổ chức não và động mạch cảnh xuống thấp hơn bình thường, dây thần kinh thị bên phải (bên mắt còn lại duy nhất) có ống thần kinh bị kéo giãn và xuống thấp hơn.
Hội đồng hội chẩn đã thống nhất phẫu thuật nội soi lấy khối thoát vị và bít lấp khuyết xương bằng vật liệu tự thân (bao gồm: Mảnh xương sọ vùng thái dương, cân cơ thái dương và niêm mạc cuốn dưới, có sử dụng keo sinh học).
Bệnh nhân được phẫu thuật nội soi mũi xoang lấy khối thoát vị, có sự phối hợp giữa phẫu thuật viên của chuyên khoa tai mũi họng và phẫu thuật thần kinh, song khối thoát vị lớn, dai, chảy máu nên việc cắt bỏ khối rất khó khăn. Hơn nữa khi cắt khối u thì dịch não tủy chảy nhiều, nguy cơ tụt kẹt và mất dịch não tủy làm áp lực trong phẫu thuật rất lớn. Tuy vậy, ca phẫu thuật cũng đã thành công.
"Phẫu thuật nội soi được lựa chọn như một giải pháp giảm các nguy cơ tai biến trong phẫu thuật, giúp bệnh nhân có hậu phẫu nhẹ nhàng hơn và giảm thời gian nằm viện cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc tiếp cận và thao tác phẫu thuật nội soi ở trẻ nhỏ cũng là một thách thức do hốc mũi nhỏ, cấu trúc hốc mũi trẻ chưa hoàn thiện và những yêu cầu về dụng cụ phẫu thuật phải phù hợp ở trẻ nhỏ.
Với khối thoát vị qua sàng bướm việc bóc tách và lấy bỏ khối thoát vị luôn phải rất quan tâm đến các cấu trúc bên trên như động mạch cảnh, dây thần kinh thị giác, tuyên yên và tổ chức não có thể thoát vị trong quá trình phẫu thuật, hơn nữa việc tái tạo, bít lấp khuyết xương rất lớn (1x2cm) tại xương bướm cũng đặt ra rất nhiều khó khăn và thách thức. Trên thực tế, chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian cho thì tái tạo và bít lấp này vì rất khó đặt và giữ mảnh ghép xương theo như mong muốn ban đầu" – Trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em chia sẻ thêm.
Cũng theo TS.BS Lê Anh Tuấn, sau phẫu thuật, bệnh nhân sốt cao, bạch cầu tăng, không có chảy dịch não tủy, không có dấu hiệu viêm màng não. Bệnh nhân được theo dõi tai phòng hồi sức và dùng kháng sinh liều cao, phối hợp, sau đó bệnh nhân ổn định và về khoa điều trị. Khám lại sau một tháng thấy hốc mũi bệnh nhân còn ít vảy, không thấy khối thoát vị, không có chảy dịch não tủy. Chụp lại phim cộng hưởng từ hiện tại không thấy tái phát, sức khỏe của bệnh nhi hiện ổn định, mọi sinh hoạt đã bình thường.
Tạm biệt những cơn khò khè, ngủ ngáy, chảy nước mũi liên tục, Trí nay đã khỏe mạnh, vững bước tự tin.
Niềm vui đón Tết khỏe mạnh đầu tiên…
Sau 2 năm trời đằng đẵng chữa bệnh, Tết năm nay thật đặc biệt với gia đình chị Đào Quỳnh Nga bởi Minh Trí đã khỏe mạnh, thoát khỏi cảnh ngủ ngáy, khò khè, nước mũi chảy không ngừng và chính các thầy thuốc là người đã giúp cho niềm vui ấy trọn vẹn.
Trong bức thư cảm ơn gửi đến các y bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, chị Nga không khỏi xúc động viết: "Chưa bao giờ trong 2 năm qua con có được giấc ngủ ngon đến vậy… Đây là lần đầu tiên gia đình nghe và cảm nhận được tiếng thở êm của cháu. Tiếng thở này là niềm khao khát, niềm hạnh phúc mà các bác sĩ đã mang lại cho cháu và gia đình…".
Người mẹ trẻ cũng tâm sự thêm rằng, suốt 2 năm qua con quen với việc thở bằng miệng nên hiện tại có chút bỡ ngỡ và phải tập dần với thói quen thở bằng mũi. Thấy con khỏe mạnh và sinh hoạt như một đứa trẻ bình thường cả nhà vui lắm, trước đây chiếc khăn xô lau nước mũi là vật bất ly thân, nhưng giờ đã không còn cần đến nó nữa…
Và với các thầy thuốc áo trắng, sức khỏe, niềm vui đoàn tụ hạnh phúc bên gia đình của người bệnh chính là động lực để họ tiếp tục yêu nghề, say nghề, cống hiến hơn nữa cho sứ mệnh chăm lo cho sức khỏe nhân dân, tạo nên nhiều "mùa xuân mới" hơn nữa…