Người thân vỡ òa cảm xúc khi thấy người bị nạn ra an toàn. Ảnh: Phước Tuấn
16h56
Đã 15 phút từ khi các nạn nhân được đưa ra khỏi hầm, cả hiện trường hàng nghìn mét vuông vẫn nháo nhào. Đoàn xe cứu thương liên tục ra vào ra, hú còi, người người gọi nhau.
Bỏ dở nồi cháo đang chuẩn bị đưa vào tiếp tế cho các nạn nhân, anh Vũ Văn Dũng và nhóm công nhân quăng cả bình, muỗng chạy túa ra ngoài. Nhiều người ôm chầm lấy nhau. "Không thể diễn tả được niềm vui của chúng tôi lúc này khi đồng nghiệp của chúng tôi được cứu ra ngoài. Chắc cả công ty chúng tôi sẽ đến bệnh viện với anh em ngay bây giờ", anh Hùng nói.
16h55
16h40
Gần 20 người thân lao đến tìm mọi cách để tiếp cận nhưng lực lượng chức năng cản ra vì sợ nạn nhân bị "sốc" tình cảm. Tuy nhiên, mọi người ai cũng hồ hởi, vỡ òa trong hạnh phúc.
16h34
Công nhân đầu tiên được đưa ra bởi 2 nhân viên cứu hộ. Hiện trường đang nháo nhào, nhiều tiếng la hét thất thanh. Mọi người đều nhào tới nhưng gặp cản trở của cứu hộ.
11 người sau đó lần lược bước đi phía sau. Mọi người đều khỏe mạnh, không cần dùng cáng.
Các túi chườm ấm được đưa đến cho tất cả nạn nhân.
16h20
"Sáng giờ may mắn là chúng tôi không gặp đá nên đào khá thuận lợi. Đường hầm men bên phải đã đi được 20 mét", một chiến sĩ cho biết.
16h00
Bác sĩ Nguyễn Đức Thuận, Phó giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng (Trưởng ban chỉ đạo y tế tại hiện trường) cho biết đã huy động 8 xe cấp cứu cùng 32 y, bác sĩ túc trực bên các lán trại dã chiến, sẵn sàng ứng cứu các nạn nhân khi thông hầm. Tình huống được đặt ra là, sau chuỗi ngày dài bị kẹt trong hầm, khi các nạn nhân ra ngoài cơ thể chưa đáp ứng kịp thay đổi của nhiệt độ, môi trường ánh sáng.
"Các nạn nhân có thể mắc các bệnh lý về mắt, tim mạch và huyết áp. Do vậy, phương án tối ưu nhất là cấp cứu tại chỗ. Chúng tôi đã chuẩn bị các bếp lửa để giữ ấm cơ thể cho các nạn nhân", bác sĩ Thuận nói.
15h15
Tại cửa hầm, hai vợ chồng ngoài 40 tuổi, vẻ mặt lo lắng xin gặp cơ quan chức năng để hỏi thông tin về việc đứa cháu Nguyễn Anh Tuấn bị kẹt bên trong. Người chồng Nguyễn Viết Tỵ cho biết, hai vợ chồng là người dân tại xã Lát, từ khi xảy ra vụ sập hầm thủy điện, họ luôn đến hiện trường theo dõi tiến độ giải cứu các công nhân gặp nạn nhưng không hề biết đứa cháu trai của mình bị kẹt bên trong.
Theo ông, trưa nay, khi gia đình của Tuấn Anh ở quê Hà Tĩnh xem tivi thấy danh sách các nạn nhân có tên trùng hợp nên hốt hoảng. "Gia đình có gọi điện thoại thử nhưng không liên lạc được cháu nên gọi vào cho hai vợ chồng tôi. Nó chưa có vợ, khi rời quê, chỉ bảo với gia đình là vào Nam làm công trình nhưng không cho biết ở đâu", ông Tỵ nói.
15h00
Lần truyền thức ăn và sữa vào bên trong hầm sập gần đây nhất, dù sức khỏe các nạn nhân vẫn ổn định nhưng tâm lý họ có vẻ rất lo sợ và bắt đầu suy sụp. "Các nạn nhân hy vọng lực lượng cứu hộ đưa họ ra ngoài càng nhanh càng tốt", bác sĩ Trương Dương Tiển, Phó khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy nói.
14h40
Ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cho biết, hiện ngách đào bên phải đã đi sâu được 20 m. Nếu giữ nguyên tiến độ trên thì nhiều khả năng giữa đêm nay sẽ đào được tới vị trí các nạn nhân kẹt bên trong. Ông Việt cũng cho biết, hiện nước bên trong đã rút khô.
Ngách hầm được đào vào để giải cứu 12 công nhân. Ảnh:Phước Tuấn
14h00
Trời nắng dịu, ấm áp. Trên đỉnh đồi, hơn 10 nhân viên cứu hộ vẫn hì hục khoan mũi thứ hai sau khi vị trí cũ đi được 40 m thì phải bỏ do gãy mũi khoan. Nhằm tránh bị sạt lở phải tạm ngưng vài giờ như sáng nay, một dung dịch hoá chất sử dụng trong khoan giếng được trộn lại để thường xuyên đổ xuống vị trí khoan. Hiện, mũi khoan này đã đi được 20 m. Không dừng lại ở đó, việc triển khai khoan thêm một lỗ "phòng hờ" cũng được tiến hành ở cách đó 30 m.
"Ba ngày nay chúng tôi thay phiên nhau làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi đều ở đỉnh đồi. Cứ nghĩ đến cảnh 12 nạn nhân đang phải gánh chịu dưới hầm kín, lạnh và tối là chúng tôi lại quên mệt mỏi. Chỉ mong sao khoan đến chỗ mọi người sớm", đưa tay gạt giọt mồ hôi trên trán, một nhân viên cứu hộ nói.
Các lực lượng cảnh sát cơ động, công an, PCCC, y tế... đã thực hiện diễn tập cấp cứu khẩn cấp để có phương án tối ưu tiếp nhận các công nhân khi họ được cứu thoát ra ngoài. Mục tiêu nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất cho những nạn nhân này sau nhiều ngày họ bị kẹt trong lòng đất.
13h30
Trong khi lực lượng cứu hộ cấp tập khoan, đào đường hầm theo các hướng để tiếp cận vị trí các nạn nhân, trước cửa hầm nhiều người thân của họ khắc khoải chờ tin. Họ sụp xuống, nguyện cầu điều tốt lành sớm xảy ra với 12 công nhân đang kẹt trong hầm lạnh.
12h50
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết sau khi mũi khoan từ trên đỉnh đồi xuống vị trí hầm sập được 40 m bị gãy mũi khoan, lực lượng cứu hộ đã tiến hành khoan ở một ví trí khác nhưng được 15 m thì lại gặp đá, phải dừng.
"Phương án bây giờ là phải dùng phương pháp khoan khô với mũi khoan 168 mm. Hiện máy này đang được chở từ Đồng Nai lên và đã đến huyện Thống Nhất. Dự kiến phải 18h chiều nay mới lên đến hiện trường", ông Kỳ nói.
Về tình hình sức khỏe các nạn nhân, vị Phó chủ tịch huyện Lạc Dương cho biết vào giờ ăn sáng nay anh em vẫn bình thường.
12h00
Là một trong 30 thành viên xã đội xã Lát, huyện Lạc Dương tham gia cứu hộ trong 4 ngày qua, anh JuBel cho biết, nhiệm vụ chính của các anh là chặt cây thông để kè đường hầm và xúc đất trong hầm ra ngoài. "Chúng tôi chỉ mong sớm được nhìn thấy 12 nạn nhân ra ngoài", anh nói.
Hiện, thêm một máy bơm được bổ sung để hút nước ở khu vực cứu hộ ra ngoài, tạo thuận lợi cho công tác đào hầm.
Đến trưa nay, lực lượng cứu hộ đã đào gần 17 m ngách hầm men bên phải (dự kiến tới nơi các nạn nhân là 40 m) và hơn 12 m bên đường men bên trái (đường này chạy song song với hầm, dự kiến là 35 m).
11h30
Trao đổi với VnExpress, PGS-TS Trần Minh Trường, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) cho biết: "Quan điểm của tôi là cấp cứu các nạn nhân tại chỗ, đợi đến khi ổn định rồi mối chuyển đến bệnh viện tiếp tục điều trị nhằm đề phòng nguy hiểm đến tính mạng các nạn nhân", ông Trường nói và cho biết hiện ba lực lượng gồm: Quân y, ngành y tế Lâm Đồng và Bệnh viện Chợ Rẫy đã lập 3 lán trại y tế dã chiến sẵn sàng cấp cứu tại chỗ cho 12 nạn nhân mắc kẹt trong hầm thủy điện.
11h15
"Lực lượng cứu hộ hiện có 600-700 người. Các anh em trong hầm đã tiếp nhận dung dịch chứa nhiều vitamin, chất bổ... mà bệnh viện Chợ Rẫy đem lên tối qua, cứ 4 tiếng một lần", ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng nói.
Cũng theo ông Tiến, mũi khoan phía hạ lưu đã thông vào đoạn hầm sập, lực lượng cứu hộ liên tục liên lạc với các công nhân bị kẹt để tiến hành đo vạch nước. Nhiều khả năng chiều nay nước trong đoạn hầm sập sẽ được xả hết.
11h00
Đội công binh nổ mìn phá thành công tảng đá to nghẽn ở ngách phải của hầm. Ông Lê Việt Quang - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Nhôm Lâm Đồng cho biết, hiện ngách này đã đào được 15 m. Còn ngách bên trái chưa gặp chướng ngại vật, vẫn đang triển khai thuận lợi và đã vào được hơn 10 m.
10h45
10h35
Sau khi gia cố việc sạt lở đất, nhóm cứu hộ trên đỉnh đồi đang chuẩn bị khoan tiếp một mũi, cách vị trí đang khoan khoảng 30 m. Cả hai mũi khoan sẽ được tiến hành song song.
10h20
Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, cho biết, ông vừa từ trong hầm, liên lạc với anh em bị kẹt bên trong. "Mọi người vẫn trả lời rõ ràng, rành mạch. Hy vọng sức khỏe của mọi người vẫn ổn định. Hôm nay đã là ngày thứ 4 rồi và rất may đã đưa được nguồn điện vào cho nhóm công nhân bị kẹt thắp sáng để mọi người có thể di chuyển đến những vị trí cao hơn cũng như hỗ trợ thông tin từ bên trong ra. Công tác thoát nước và đào hầm có tín hiệu khả quan", ông Hùng nói.
Hiện tại mũi khoan thoát nước từ phía hạ lưu đã chạm tới vị trí hầm bị sập. Lưu lượng thoát nước và bùn vào khoảng 10 – 15m3/h. Còn hai hầm cứu nạn đang đào phía thượng lưu (từ cửa hầm vào) cả đường bên trái và bên phải tiến độ tương đối khả quan, hiện đã đào được hơn 10 m.
"Dự kiến trong đêm nay hoặc rạng sáng mai sẽ có bước ngoặt lớn trong việc cứu hộ 12 nạn nhân", ông Hùng nói.
70 giờ tìm cách tiếp cận các nạn nhân kẹt trong hầm thủy điện
Hơn 500 người nỗ lực suốt ngày đêm với nhiều phương án cứu hộ liên tiếp kể từ khi xảy ra vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng. Nhưng sau gần 3 ngày đêm, việc tiếp cận các nạn nhân vẫn chưa khả thi.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng, cho biết, Ban chỉ đạo công tác cứu hộ đã tính đến nhiều phương án trong đó có hướng nhờ chuyên gia nước ngoài hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn. Bản đồ địa chất đường hầm bị sập đã được chuyển cho các chuyên gia của Nhật, Đài Loan và một số nước khác nghiên cứu.
"Tuy nhiên thời gian để họ có mặt, triển khai cứu hộ mất khoảng một tuần e rằng không kịp. Trong khi đó chúng ta vẫn đang tiến hành các phương án tiếp cận như hiện nay. Trường hợp hai đường hầm cứu nạn đang đào có trục trặc thì sẽ bố trí máy bay yêu cầu họ đưa thiết bị sang ngay lập tức. Phương án dùng cọc khoan nhồi từ trên đỉnh xuống cho thấy không khả quan", thứ trưởng Xây dựng nói.
Theo ông Hùng, thời điểm này chưa thể đặt vấn đề truy tìm nguyên nhân gây sập đường hầm thủy điện dẫn đến tai nạn. Đây là lúc cần tập trung cao độ cho công tác cứu hộ, sớm đưa các công nhân ra ngoài nhưng điều hệ trọng là sau khi hoàn tất cứu hộ, cứu nạn, Bộ sẽ xem xét nguyên nhân và phân tích lỗi sập hầm này là do đâu.
10h10
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó tham mưu trưởng Binh chủng công binh (Bộ Quốc Phòng) cho biết lực lượng cứu hộ sẽ cho nổ một lượng nhỏ thuốc nổ ở đường hầm phụ bên phải để phá một số vật cản. Việc đào hai đường hầm phụ tiếp cận từ hai phía trái và phải đoạn hầm sụp sẽ tiếp tục triển khai trong hôm nay.
"Đây là biện pháp cứu hộ an toàn nhất để đảm bảo tính mạng, sức khỏe của các công nhân bị kẹt và cả lực lượng cứu hộ", đại tá Hùng nói.
9h50
"Từ tối qua đến sáng nay đã có 2 lần truyền dung dịch dinh dưỡng cao vào bên trong. Hiện sức khỏe của 12 nạn nhân đã dần cải thiện", ông Nguyễn Xuân Tiến, Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng cho biết.
Ông Tiến cũng thông tin, các nạn nhân bên trong đã nhận được lá thư do lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng viết tay gửi vào bằng đường ống tối qua. Họ nói lại là do chưa có điều kiện viết phản hồi lại nhưng cho biết sức khỏe tốt.
Theo Bí thư tỉnh ủy Lâm Đồng, hiện nước bên trong đang rút dần ra bên ngoài theo mũi khoan ở cửa hầm phía sau (cửa xả). Với tình hình nước thoát ra ngoài như hiện tai, có thể đến chiều nay, mực nước bên trong không còn trở ngại.
9h30
Trong cuộc họp sáng nay, ngành y tế Lâm Đồng đã vạch ra phương án tiếp cận sơ cứu nạn nhân khi họ được cứu ra ngoài. Theo đó, sẽ có 2 nhân viên y tế chăm sóc một nạn nhân. Khi họ được cứu hộ đưa ra, nhân viên y tế sẽ tiến hành thay đồ, sơ cứu và chuyển lên xe cứu thương đến bệnh viện. Hiện tại hiện trường có gần 10 xe cứu thương đang túc trực.
Trong khi đó, việc truyền lương thực cho 12 nạn nhân bên trong ở ngày thứ tư sẽ do nhóm chuyên gia bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM đảm nhiệm.
9h25
9h00
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, mũi khoan từ phía sau hầm 16 cm đã khoan được vào đến khu vực các nạn nhân là "điều đáng mừng nhất vào lúc này". Tuy nhiên, hướng khoan này nằm ở hướng hạ lưu nên chủ yếu là để nước và bùn cát chảy ra tạo thuận lợi cho hướng đào từ phía trước hầm chứ không đưa gì được vào bên trong cho các nạn nhân.
8h50
Có mặt tại hiện trường sáng nay, Thứ trưởng Bộ xây dựng Lê Quang Hùng cho biết đã tính đến phương án nhờ các chuyên gia nước ngoài như Đài Loan, Nhật Bản... để tham gia cứu hộ 12 nạn nhân bị kẹt trong hầm thủy điện. "Hiện hồ sơ thông tin hiện trường đã được gửi đến cho đối tác. Nếu như các phương án cứu hộ hiện tại thất bại, sẽ liên hệ ngay với đối tác", thứ trưởng cho biết.
Về tình hình sức khỏe các nạn nhân, Thứ trưởng Hùng cho biết, sau 4 ngày ở trong điều kiện không tốt, thiếu thốn, sức khỏe của họ có giảm sút. Tuy nhiên, phía ngoài luôn liên lạc động viên và đang nỗ lực hết sức để cứu họ ra ngoài trong thời gian sớm nhất có thể.
8h30
Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó tư lệnh binh chủng công binh cho biết mũi khoan phía sau hầm đã xuyên thủng tới vị trí các nạn nhân, nước bên trong đã phun ra ngoài.
Ghi nhận tại cửa hầm chính, 2 lực lượng trung tâm cứu nạn mỏ Vinacomin (Than khoáng sản Việt Nam) và lữ đoàn công binh 293 vẫn tiếp tục đào 2 đường hầm song song. Theo nhận định, dù đường hầm bên trái vừa được đào chiều hôm qua song tốc độ đang rất cao, lực lượng cứu hộ rất hy vọng ở cửa hầm này.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - Nguyễn Văn Yên đã trực tiếp viết một lá thư bằng tay gửi cho 12 nạn nhân đang mắc kẹt trong hầm nhằm trấn an 12 nạn nhân. Đồng thời lực lượng cứu hộ cứu nạn đang tìm cách chuyển giấy bút vào bên trong để 12 nạn nhân viết thư ra ngoài.
08h14
7h30, Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó tư lệnh binh chủng công binh cho biết, đến sáng nay, đường ngách bên phải do công binh đào đã tiến sâu được 10 m, còn ngách bên trái do các thợ mỏ Tập đoàn than khoáng sản đã đi sâu 15 m. Trong khi đó, mũi khoan mới trên đỉnh đồi đã được 15 m nhưng phải tạm dừng vì đất ở khu vực này sạt lở xuống lưng chừng đồi.
Theo ghi nhận của VnExpress, tại cửa hầm xả, công tác khoan đang rất khẩn trương. Đến 7h15, mũi khoan còn cách hầm 12 nạn nhân mắc kẹt 5 m. Khoảng 3h sáng, mũi khoan này phải tạm dừng do đất và nước ở khu vực này rất nhiều có thể làm tê liệt hệ thống cáp quang nên lực lực lượng cứu hộ đang cho xe vào xúc ra ngoài và đến 6h sáng thì tiếp tục.
"Mũi khoan này rộng khoảng 16 cm, nếu thông sẽ rất ý nghĩa vì đưa được nhiều vật dụng thiết yếu vào bên trong. Dự kiến mũi khoan này sẽ thông đến vị trí các nạn nhân trong sáng nay", một nhân viên cứu hộ cho biết.
Khoảng 7h sáng 16/12, khi các công nhân đang làm việc tại công trình thuộc thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo, thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng thì hầm bất ngờ bị sập. 20 người chạy thoát ra ngoài miệng hầm trong khi 12 người khác bị kẹt bên trong.