Giai thoại thả diều dẫn lối về nơi yên nghỉ của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông

16-01-2024 14:34 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước lúc lâm chung, ông dặn con cháu thả cánh diều mình thường chơi và buộc ở góc nhà, diều rơi ở đâu thì táng ông ở đấy. Cánh diều sau đó rơi xuống núi Minh Tự. Thuận theo ý nguyện mộ Đại danh y được táng tại đây.

Giai thoại thả diều dẫn lối về nơi yên nghỉ của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 1.

Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông (1720 - 1791) tên thật là Lê Hữu Huân, nguyên quán thôn Văn Xá, làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên). Quê mẹ của ông ở xứ Bầu Thượng (xã Tĩnh Diệm, Hương Sơn, Hà Tĩnh).

Giai thoại thả diều dẫn lối về nơi yên nghỉ của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 2.

Tuổi thơ ông chịu ảnh hưởng rất lớn về tình cảm của người mẹ trên mảnh đất và con người Hương Sơn. Hàng năm, ông thường cùng mẹ về thăm lại quê ngoại. Năm 1739, ông cùng mẹ và 3 anh em về sinh sống tại mảnh này cho đến khi qua đời.

Giai thoại thả diều dẫn lối về nơi yên nghỉ của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 3.

Trở về với mảnh đất Hương Sơn, dấu chân của ông lặn lội khắp các chốn vùng miền rừng núi để tìm tòi, học nghề thuốc, ông đến với người bệnh, làm bạn với muông thú nơi chốn thâm sơn cùng cốc. Ông xây nhà, làm vườn, trồng thuốc, chữa bệnh, viết sách, làm thơ và lập nên khu vườn đào Hải Thượng, dựng lên chùa Tượng Sơn để cuối đời an nghỉ nơi núi Minh Tự (người dân nơi đây gọi là núi Cánh Diều).

Giai thoại thả diều dẫn lối về nơi yên nghỉ của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 4.

Tương truyền, Hải Thượng Lãn Ông là người rất đam mê chơi diều. Ông thường lên đỉnh núi vừa thả diều vừa ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp ở các địa danh này. Lúc cuối đời, khi biết mình sắp không qua nổi vận số, Hải Thượng Lãn Ông căn dặn con cháu khi ông mất hãy thả một con diều. Diều rơi ở đâu thì chôn cất ông ở đó.

Giai thoại thả diều dẫn lối về nơi yên nghỉ của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 5.

Nơi cánh diều rơi xuống là chân núi Minh Tự. Điều lạ lùng là địa điểm này có địa thế tuyệt vời, như thể đã được chọn trước bởi một bậc thầy phong thủy. Đó là nơi có khe nước Cắn không bao giờ cạn, trước mặt là sông Ngàn Phố nước trong xanh, xung quanh là đồi núi, làng mạc nên thơ. Để ghi nhớ giai thoại thấm đẫm màu sắc tâm linh huyền bí này, người dân trong vùng gọi núi Minh Tự là núi Cánh Diều.

Giai thoại thả diều dẫn lối về nơi yên nghỉ của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 6.
Giai thoại thả diều dẫn lối về nơi yên nghỉ của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 7.
Giai thoại thả diều dẫn lối về nơi yên nghỉ của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 8.

Tượng đài Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được xây dựng trên đỉnh núi Minh Tự, cách khu mộ của ông khoảng hơn 200 m.

Giai thoại thả diều dẫn lối về nơi yên nghỉ của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 9.

Quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa - lịch sử về đại danh y.

Giai thoại thả diều dẫn lối về nơi yên nghỉ của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 10.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên dâng hương tưởng nhớ công lao của Đại danh Y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và bày tỏ sự trân trọng đối với những giá trị mà Đại danh Y để lại cho hậu thế.

Giai thoại thả diều dẫn lối về nơi yên nghỉ của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 11.

Đầu năm 2023, địa phương tổ chức lễ kỷ niệm 232 năm ngày mất của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Trong lễ kỷ niệm có hội thi trưng bày diều sáo Hải Thượng.

Giai thoại thả diều dẫn lối về nơi yên nghỉ của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông- Ảnh 12.

Ông Trần Anh Nam, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hương Sơn cho biết, để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa mà Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để lại, thời gian qua, huyện không ngừng nỗ lực bảo vệ, tôn tạo khu di tích đồng thời phối hợp tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền quảng bá về thân thế, sự nghiệp của Đại danh y trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong trường học...

Ngoài đóng góp lớn cho nền y học nước nhà, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác còn là một nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học xuất sắc trong lịch sử nước ta ở thế kỷ 18. Ông được đánh giá là người mang tầm vóc quốc tế, đủ sức lãnh sứ mệnh nêu gương và truyền cảm hứng cho nhân loại, xứng đáng là một nhân vật lỗi lạc, toàn diện, sánh ngang với nhiều danh nhân trên thế giới.

Ngày 21/11, phiên họp Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) lần thứ 42 đã thông qua nghị quyết phê chuẩn danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024-2025”, trong đó có hồ sơ kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Việc Tổ chức UNESCO vinh danh Đại Danh y Hải thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam là sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế về những đóng góp của cá nhân Đại Danh y đối với xã hội, cộng đồng, nhất là tư tưởng nhân văn "sống vì mọi người" và tinh thần "học tập suốt đời", là những giá trị mà Tổ chức đang thúc đẩy.

Nghị quyết được toàn thể thành viên UNESCO thông qua là sự khẳng định rõ ràng nhất về những đóng góp to lớn của người Việt Nam trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, đồng thời thể hiện sự lan tỏa tài năng, trí tuệ của người Việt Nam trên trường quốc tế.


Nguyễn Sơn
Ý kiến của bạn