“Giải thiêng” nhưng đừng vô trách nhiệm!

17-01-2013 09:45 | Văn hóa – Giải trí
google news

Chưa nở rộ ở Việt Nam, tuy nhiên, mỗi tác phẩm văn học của dòng “giải thiêng” có sức cuốn hút cực kỳ sâu nặng với độc giả. Tuy nhiên, do chưa có định hình rõ rệt về tính chất văn minh của dòng văn học này, nhiều tác giả đã ấu trĩ trong việc thực hành, gây nên những mối ác cảm từ phía độc giả.

Chưa nở rộ ở Việt Nam, tuy nhiên, mỗi tác phẩm văn học của dòng “giải thiêng” có sức cuốn hút cực kỳ sâu nặng với độc giả. Tuy nhiên, do chưa có định hình rõ rệt về tính chất văn minh của dòng văn học này, nhiều tác giả đã ấu trĩ trong việc thực hành, gây nên những mối ác cảm từ phía độc giả.

Tầm vóc của văn học “giải thiêng”

Năm 2008, Man Booker - giải thưởng văn học uy tín dành cho các tác phẩm viết bằng tiếng Anh đã được trao cho The White tiger (Cọp trắng) của nhà văn Aravind Adiga. Đây được xem là một tác phẩm “giải thiêng” quan niệm về một Ấn Độ đẹp huyền bí. Tác giả đã “khai quật” ẩn khuất đằng sau những lời ngợi ca thiêng liêng, đặc biệt là nạn phân biệt giai cấp. Chất trào lộng hấp dẫn của tác phẩm đã chạm đến những liều thuốc đắng, bóng tối của xã hội hiện đại Ấn Độ.

“Giải thiêng” nhưng đừng vô trách nhiệm! 1
“Giải thiêng” nhưng đừng vô trách nhiệm! 2
Một số tác phẩm của dòng văn học “giải thiêng”.

Cũng khai thác văn hóa Ấn Độ trong tác phẩm của mình, nhà văn Việt Nam Hồ Anh Thái với tác phẩm Đức Phật, nàng Savitri và tôi đã cung cấp một cái nhìn thẳng thắn về một huyền thoại. Cũng giống như các tác giả lớn khác của dòng văn học này trên thế giới, khi viết, Hồ Anh Thái không chủ trương giải thiêng thuần túy mà muốn qua tác phẩm của mình “xây dựng một hình ảnh Đức Phật gần gũi, giản dị đến được với mọi người, gạt mây mù và ánh sáng huyền thoại bao quanh đời Phật”.

Mang một cái tên khá nhạy cảm, tuy nhiên, đúng như nhà văn Hồ Anh Thái phát biểu “Hình ảnh thiêng liêng của các bậc vĩ nhân không cứ mục đích, mưu toan nào có thể giải thiêng được”. Có chăng, qua những trang viết tỉnh táo và “mở sáng”, độc giả có thể tìm thấy những khía cạnh mới của những vấn đề mà chúng ta vì không hiểu rõ ngọn ngành mà thần tượng hóa hoặc ảo ảnh hóa. Điều này đã được giải thích khá rõ ràng trong thời gian gần đây khi mà nhiều tác phẩm văn học hư cấu lịch sử ra đời. Có những tác phẩm được công nhận bởi đã góp phần phục hưng những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc, bằng những dẫn chứng và sự am tường điển xưa, tích cũ. Đó là những Hồ Quý Ly, Mẫu thượng ngàn, Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, Bão táp triều Trần của Hoàng Quốc Hải, Sông côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác... Những tác phẩm này được đánh giá cao và đoạt những giải thưởng văn chương uy tín, chứa đựng tâm huyết của tác giả, hé lộ những sự thật góp phần làm nên sự hưng thịnh của những triều đại, nhân vật lịch sử.

Vẫn tồn tại những trang viết “giải thiêng” ấu trĩ

Một điều dễ nhận thấy hiện nay là có khá đông tác giả trẻ đang gần như chạy theo đề tài lịch sử và ra sức “giải thiêng” những vấn đề không nằm trong tầm với và sự hiểu biết của bản thân. Những mối oan trong lịch sử, dưới ngòi bút dễ dãi của những chú ngựa non háu đá trở thành đề tài để hư cấu một cách thiếu khoa học và nhân văn. Vì lẽ này, nhiều nhân vật có công đã trở nên “bất thành nhân dạng”. Vô hình trung, những tác phẩm thiếu đầu tư và tâm huyết này là đầu cơ của mối hiểu lầm giữa hậu thế với lịch sử. Cách “giải thiêng” thiếu trách nhiệm này đã vô tình đẩy cách nhìn về lịch sử chệch hướng, có thể gây ra những hệ lụy khôn lường.

Năm 2011, khi cuốn Bạn văn tập hợp những bài viết “giải thiêng” về những nhà văn tên tuổi của nhà văn Nguyễn Quang Lập từng in trên một tờ báo lớn ra đời, độc giả có dịp bàn tán vì vỡ lẽ ra nhiều điều. Lật giở từng trang của cuốn sách, chân dung của những cây bút nổi tiếng hiện ra với ngôn ngữ trào lộng và sinh động. Họ không còn là những “ông lớn” với tác phong đạo mạo, chỉn chu mà cũng đời thường như ai. Sự thu hút của Bạn văn cũng vì thế mà tăng lên gấp bội lần. Tuy nhiên, tác giả cũng nhận được vài “trái đắng” khi đã có những trường hợp bị “giải thiêng”, hư cấu một cách quá đà lên tiếng. Như vậy mới biết, không phải hễ cứ mang danh văn học “giải thiêng” là có thể nói nhăng nói cuội, bịa đặt tùy ý.

Rõ ràng, lật lại quá khứ cũng là một nghệ thuật. Mà đã là nghệ thuật thì không phải là chốn dung thân cho lối bịa đặt phi khoa học, thiếu nhân văn. Còn những gì chưa thực sự thông tỏ, tốt nhất là các cây bút nên dành thời gian, tâm trí tỉnh táo để tìm hiểu thay vì đua đòi “giải thiêng” một cách xoàng xĩnh và ấu trĩ.

SA NAM



Ý kiến của bạn