Tổng thống Ukraine giải tán Quốc hội và cho bầu cử bất thường vào tháng 10 tới trong khi giao tranh với quân ly khai tiếp diễn ở miền Đông. Ông Petro Poroshenko cho rằng, trong các nghị sĩ hiện thời nhiều người từng ủng hộ Tổng thống bị truất quyền Viktor Yanukovych và đa số dân Ukraine muốn có một Quốc hội mới. Cuộc bầu cử sẽ được tổ chức ngày 26/10 tới.
Trong diễn biến khác, quân đội Ukraine nói họ đã giao tranh với phiến quân vào Ukraine từ Nga. Hơn 2.000 người đã thiệt mạng trong những tháng chiến sự giữa quân đội Ukraine và quân ly khai ở miền Đông, các khu vực Donetsk và Luhansk. Hai khu vực này đã tuyên bố độc lập khỏi Kiev, theo sau việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3. Trong phát biểu trên truyền hình, ông Poroshenko nói ông hành động hoàn toàn theo đúng Hiến pháp Ukraine, vốn quy định rằng các cuộc bầu cử phải được tổ chức nếu trong vòng 30 ngày không hình thành được liên minh cầm quyền trong Quốc hội. Liên minh trước sụp đổ từ 24/7. Tổng thống Ukraine nhấn mạnh rằng: “Thành phần hiện tại của Quốc hội chủ yếu thân Yanukovych”, người đã bỏ chạy khỏi Ukraine sau khi có các cuộc biểu tình hồi tháng 2. Ông nói thêm: “Bầu cử là cách thức tốt nhất để xử lý các vấn đề”. Tuy nhiên, bầu cử có thể mang lại một số nguy cơ cho ông Poroshenko nếu như ông không chấm dứt được tình trạng giao tranh ở miền Đông Ukraine thì ông có thể gặp bất lợi.

Tổng thống Ukraine bất ngờ tuyên bố bầu cử.
Người dân Ukraine cũng ngày càng bất mãn với việc chính quyền không dẹp được tham nhũng và thực hiện cải cách.
Trong một diễn biến khác, sáng 25/8, quân đội Ukraine cho biết, khoảng 10 xe tăng và 2 xe bọc thép đã từ Nga vào Ukraine và tiến theo ngả Đông Nam về Mariupol. Quân đội Ukraine đã tiêu diệt hai xe tăng và chặn đoàn xe lại. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov phản bác lại rằng, ông không hề nghe tin tức gì về vụ cáo buộc xâm nhập này, nhưng thông tin sai lệch về “các cuộc xâm nhập” của Nga vẫn hay xảy ra. Ông cũng lên tiếng bình luận về việc quân ly khai bắt lính Ukraine và đem diễu những người này ở trung tâm Donetsk vào ngày 24/8.
Ngày 26/8, ông Poroshenko gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin để hội đàm tại Minsk, Thủ đô Belarus. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã có cơ hội mới cho một giải pháp hòa bình. Ngày 26/8, tại Minsk diễn ra cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo của Nga, Belarus và Kazakhstan với Tổng thống Ukraine và các đại diện EU. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã sẵn sàng nói chuyện với Moskva mặc dù từ trước tới nay vẫn chỉ đưa ra tối hậu thư với Nga. Kiev đã thất bại khi dùng vũ lực để ngăn chặn sự kháng cự của Donbas. Cuộc chiến lâu dài đã làm cho nền kinh tế Ukraine vốn đã yếu ớt lại càng thêm suy yếu. Cố gắng để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng của EU cũng đã thất bại. Thỏa thuận giữa Ukraine và EU được ký kết, nhưng cho đến nay nó chỉ gây thêm những vấn đề mới. Tất cả những ưu đãi thuế quan, tỷ giá, nguyên tắc tương tác của Kiev với Liên minh Hải quan - Nga, Belarus, Kazakhstan - hiện giờ chắc chắn được sửa đổi hoặc hủy bỏ. Đây là những hạn chế thực tế, còn ưu điểm thì chỉ có trên giấy và trong tương lai rất xa chưa biết là đến bao giờ.
EU đang mong muốn nỗ lực bằng cách nào đó xoa dịu tình hình. Tại cuộc gặp ở Minsk, tháp tùng ông Poroshenko là Catherine Ashton, đại diện cấp cao của EU về đối ngoại và chính sách an ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Cao ủy Năng lượng Guenther Oettinger và Cao ủy Thương mại Karel De Gucht. Theo Chủ tịch Quỹ “Chính trị” Vyacheslav Nikonov, nhiệm vụ của họ không chỉ là giúp Kiev mà còn là tự giúp mình: “Tất nhiên, các đại diện châu Âu sẽ cố gắng chuyển gánh nặng hỗ trợ nền kinh tế Ukraine cho Liên minh Hải quan, bao gồm cả Nga. Tôi nghĩ rằng họ sẽ đóng vai trò của những người đi xin, nhưng lại làm điều đó trên thế mạnh. Bởi vì EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga, nhưng chính Liên minh này lại phải hứng chịu hậu quả phản ứng của Nga liên quan đến lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm của các nước châu Âu”.
Tất nhiên, đối với Nga và các nước Liên minh Hải quan, cuộc đàm phán có thành phần kinh tế là rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là tình hình ở Đông Nam Ukraine, hoạt động quân sự của quân đội Ukraine chống lực lượng dân quân Donbass cần phải được chấm dứt ngay lập tức. Ngay cả các chính trị gia và các tổ chức phương Tây cũng đã phải ghi nhận thảm họa nhân đạo trong khu vực. Khi mà Kiev tiếp tục pháo kích. Khôi phục việc cấp nước, cấp điện, khôi phục hoạt động lò nướng bánh, bệnh viện là không thể thực hiện được thì cho dù các nhà tài trợ có quyên góp bao nhiêu tiền đi nữa cũng là thừa.
(Theo RT, AFP, CNN)
Quỳnh Diệp