Giải tán Quốc hội, nước cờ mạo hiểm của ông S.Abe

21-11-2014 08:00 | Quốc tế

SKĐS - Ngày 19/11,Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định giải tán Quốc hội và sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 12 tới....

Ngày 19/11,Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã quyết định giải tán Quốc hội và sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 12 tới, tức là trước thời hạn 2 năm. Người ta đặt câu hỏi, phải chăng do đang dần rơi vào thế yếu nên ông Shinzo Abe giải tán Quốc hội để lấy đà cho cú nhảy mới.

Thủ tướng Abe đối mặt với những thách thức chính trị.

Mới hồi đầu tháng 11 này, Thủ tướng Abe còn khẳng định mạnh mẽ là sẽ không có chuyện giải tán Quốc hội để tổ chức bầu cử trước thời hạn. Thế nhưng, ông lại quyết định như vậy. Các nhà phân tích cho rằng, quyết định đó rất khôn khéo và đã được ông Abe tính toán rất kỹ. Còn sự “quay ngoắt 1800” nói trên, đó là chiến lược đánh lạc hướng sự chú ý nhằm tạo đòn tấn công bất ngờ để phe đối lập không kịp trở tay. Tín nhiệm trong dân của Thủ tướng Abe ngày càng giảm và hiện tại đã dưới mức 50%. Nguyên nhân chính là do chính sách phục hồi kinh tế của ông - Abenomics - bên cạnh những thành công đã tỏ ra nhiều nhược điểm. Kể từ khi ông Abe lên nhậm chức cách đây 2 năm, lương viên chức tại Nhật Bản đã giảm 2%. Giá cả thì không ngừng leo thang. Thêm vào đó, Abenomics còn bị chỉ trích là chỉ có lợi cho nhà giàu như lời một nhà kinh tế: “Abenomics làm cho người giàu trở nên giàu hơn”. Trong khi đó, sức tiêu thụ của các hộ gia đình đã giảm đi đáng kể do hậu quả của việc tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4 vừa qua. Và hiện tại, theo số liệu công bố đầu tuần thì Nhật Bản đã chính thức trở lại tình trạng suy thoái.

Bên cạnh khó khăn kinh tế, Thủ tướng Abe còn đối mặt với những thách thức chính trị. Hai nữ Bộ trưởng trong Chính phủ của ông Abe đã phải từ chức do dính líu đến những rắc rối tài chính. Nhiều bộ trưởng khác cũng đã bị chỉ trích này nọ. Khó khăn cũng đến từ các căn cứ quân sự của Mỹ trên lãnh thổ Nhật Bản. Năm 1996, Mỹ và Nhật đã thỏa thuận sẽ dời căn cứ quân sự của Mỹ từ Futenma đến Henoko. Cả hai địa điểm này đều nằm trong khu vực Okinawa, trong khi mà người dân địa phương lại muốn phải đưa căn cứ này ra khỏi Okinawa. Để giải quyết hồ sơ đó, năm ngoái, Thủ tướng Abe đã hứa sẽ đầu tư cho Okinawa 300 tỷ yên mỗi năm để phát triển tỉnh nghèo nhất nước này. Thế nhưng, ba tờ báo cho hay, người dân địa phương vẫn tiếp tục phản đối. Liên quan đến hạt nhân thì vào ngày 7/11 vừa qua, một nhà máy hạt nhân ở Kogoshima đã được chính quyền cho vận hành lại, tức là có sự cho phép của Chính phủ. Trong khi đó, tâm lý sợ hạt nhân của người Nhật vẫn còn cao sau thảm họa hạt nhân và sóng thần tại Fukushima.

Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn đó, đảng Dân chủ tự do của ông Abe vẫn còn nhiều khả năng giành chiến thắng nếu tiến hành bầu cử vào tháng 12 như dự định. Các đảng đối lập đã thật sự bị bất ngờ và không kịp trở tay khi không thể chuẩn bị kịp nhân sự để ra tranh cử. Theo một thăm dò tại Nhật Bản, hiện số phiếu ủng hộ dành cho đảng của ông Abe vẫn còn vượt rất xa các đối thủ. Còn nếu như mức tín nhiệm của Thủ tướng Abe có giảm cũng còn cao hơn so với các tiền nhiệm của ông. Ông Abe cũng đã lấy lòng dân khi mà song song với việc tuyên bố giải tán Quốc hội thì ông cũng cho biết sẽ rời việc tăng thuế tiêu dùng đợt hai lại đến năm 2017 mà theo dự kiến là sẽ được thực hiện vào tháng 10 năm tới. Một điều quan trọng nữa là, các đảng đối lập dù phản đối chính sách Abenomics, nhưng hiện vẫn chưa đưa ra được chính sách nào có thể thay thế. Thủ tướng Abe quyết định giải tán Quốc hội để tranh thủ giai đoạn khả năng chiến thắng còn cao nhằm giành thắng lợi và có thể kéo dài thêm thời gian điều hành đất nước cho đảng của ông.

Theo nhận định của nhà phân tích chính trị Harutaka Takenaka, nếu được tái đắc cử vào tháng 12, chân trời chính trị sẽ quang đãng cho Thủ tướng Shinzo Abe tiến hành tiếp chiến lược “Abenomics” ít nhất là cho đến năm 2016, năm bầu Thượng viện. Trong thời gian này, ông sẽ nỗ lực thông qua những văn kiện chính trị, hoài bão lớn nhất của ông, liên quan đến an ninh và quốc phòng đối phó với tham vọng của Trung Quốc.

Vừa thoát ra khỏi giảm phát, kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái mà thủ phạm là quyết định tăng thuế tiêu dùng có hiệu lực từ tháng 4/2014, tác động tiêu cực đến sức mua sắm của người dân. Thủ tướng Shinzo Abe thúc thủ? Không một nhà kinh tế nào có thể dự đoán được cường quốc kinh tế thứ ba thế giới có thể bị suy thoái chỉ sau một đợt tăng thuế giá trị gia tăng không “tiêu hóa được”. Dù cho Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Quỹ Tiền tệ Quốc tế liên tục kêu gọi Chính phủ của ông Abe sử dụng toa thuốc đắng lần thứ hai nhưng một đợt tăng thuế mới sẽ đồng nghĩa với một vụ tự sát chính trị.

(Theo Le Monde, Le Figaro, Kyodonews)

Quỳnh Anh

 

 


Ý kiến của bạn