“Giải tán Ban Văn học thiếu nhi là điều đáng tiếc”

07-12-2010 16:03 | Văn hóa – Giải trí
google news

Trung tuần tháng 11/2010 vừa qua, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) khóa VIII đã nhóm họp phiên đầu tiên và đi đến quyết định thành lập Ban Văn học đề tài. Nhà văn Lê Phương Liên trò chuyện với phóng viên nhân sự kiện này.

 Nhà văn Lê Phương Liên.
Trung tuần tháng 11/2010 vừa qua, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam (HNVVN) khóa VIII đã nhóm họp phiên đầu tiên và đi đến quyết định thành lập Ban Văn học đề tài. Nhà văn Lê Phương Liên trò chuyện với phóng viên nhân sự kiện này.

- Bà đón nhận thông tin này như thế nào?

- Thông báo của kỳ họp đầu tiên Ban Chấp hành HNVVN khóa VIII cho thấy việc thành lập Ban Văn học đề tài thay thế cho sự tồn tại của các ban Văn học thiếu nhi, Văn học an ninh quốc phòng, Văn học dân tộc miền núi. Tôi thực sự lấy làm tiếc! Việc giải tán Ban Văn học thiếu nhi đã thể hiện sự đuối sức trước phong trào văn học thiếu nhi ở nước ta đang có những bước phát triển đầy hứa hẹn.

Chúng ta đều biết rằng việc ra đời các tác phẩm văn học thiếu nhi là nhờ sự nỗ lực của các tác giả và các nhà xuất bản (NXB), đặc biệt là NXB Kim Đồng và NXB Trẻ. Nhưng, việc biểu dương, đánh giá các tác giả và tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc trong nhiều năm qua, trải qua nhiều thế hệ nối tiếp, HNVVN từ khi ra đời đến nay đã thể hiện được vai trò, vị trí của mình.

- Việc giải tán Ban Văn học thiếu nhi có ảnh hưởng gì đến tình hình phát triển văn học thiếu nhi trong thời gian tới không, thưa bà?

- Với cách tổ chức như hiện nay, tôi e rằng phong trào văn học thiếu nhi VN sẽ phát triển vượt ra ngoài tầm tay của HNVVN! Sự phát triển trong đó có cả yếu tố tích cực lẫn tiêu cực sẽ dẫn đến những ảnh hưởng khó đoán trước với đời sống tinh thần của trẻ em. Tôi hy vọng rằng với sự nỗ lực và tinh thần trách nhiệm của các nhà văn, tình hình phát triển của văn học thiếu nhi trong thời gian tới sẽ có những bước khởi sắc vững vàng.

- Hội Nhà văn TP.HCM vẫn tiếp tục duy trì Ban Văn học thiếu nhi…

- Tôi xin chúc mừng Hội Nhà văn TP.HCM và các bạn đồng nghiệp của tôi đang tiếp tục sự nghiệp văn học thiếu nhi VN.

- Việc giải tán Ban Văn học thiếu nhi có đồng nghĩa với việc dừng trao giải văn học thiếu nhi hằng năm của HNVVN không, thưa bà?

 Các tác giả đoạt giải cuộc thi văn học thiếu nhi "Đối thoại với thiên nhiên".

- Việc trao giải văn học thiếu nhi hằng năm của HNVVN sẽ vẫn được duy trì như trước. Tuy nhiên, đối với cách tổ chức hội đồng chung khảo như hiện nay, việc xem xét đánh giá các tác phẩm và tác giả viết cho thiếu nhi sẽ được xếp chung vào các thể loại văn xuôi, thơ, dịch, lý luận phê bình như các tác phẩm viết cho người lớn. Sẽ chỉ có Giải thưởng Hội Nhà văn, nếu tác phẩm viết cho thiếu nhi được hội đồng chung khảo xét chọn.

- Được biết, Hội Xuất bản VN có Tiểu ban Sách thiếu nhi, hằng năm cũng xét giải thưởng sách thiếu nhi, trong đó có phần văn học thiếu nhi…

- Vâng! Năm nay, sách văn học thiếu nhi cũng có ứng cử viên, việc xét giải đang đi vào chung kết. Năm 2009,  cuốn sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được Giải Vàng và mới đây trao Giải thưởng Văn học ASEAN.

- Vậy còn ý tưởng thành lập một giải thưởng văn học thiếu nhi riêng biệt với hình thức xã hội hóa do các đơn vị tài trợ tiến hành đến đâu rồi, thưa bà?

- Ý tưởng này vẫn đang được các đơn vị tâm huyết với văn học thiếu nhi nghiên cứu xem xét và sẽ được thực hiện trong tương lai gần!

- Vừa qua, cuốn sách Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh được trao Giải thưởng ASEAN, đó cũng là một sự ghi nhận nỗ lực không ngừng nghỉ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói riêng và các tác giả viết cho thiếu nhi nói chung. Thưa bà, có thể nói văn học thiếu nhi VN đã và đang là bộ phận văn học dễ hội nhập nhất với văn học thế giới?

- Tôi thật sự vui mừng với các giải thưởng có tầm quốc tế của văn học thiếu nhi VN, từ bài thơ nhỏ của Phan Thị Vàng Anh trước đây đến giải thưởng của Nguyễn Ngọc Thuần (năm 2008) và gần đây là giải thưởng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh…

Nêu những sự việc trên để nói văn học thiếu nhi là một bộ phận dễ hội nhập với văn học thế giới là một điều hợp lý! Chúng ta đều biết rằng ở đâu trẻ con cũng rất dễ chơi với nhau, không phân biệt màu da, dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo... Tôi đã từng phát biểu trong một cuộc hội thảo quốc tế: “Trẻ em trên thế giới có thể nói bằng nhiều thứ tiếng khác nhau nhưng đều khóc và cười như nhau, đều có những xúc động, vui buồn không có gì khác biệt nhiều lắm, do đó những tác phẩm hay cho thiếu nhi là những tác phẩm không có biên giới...”.

-Điều đó có đồng nghĩa với việc các nhà văn VN viết cho thiếu nhi có thể hội nhập sâu rộng với các nhà văn viết cho thiếu nhi ở các vùng văn học khác nhau trên thế giới?

- Đúng như vậy. Tuy nhiên việc tổ chức để các nhà văn tham gia vào các hoạt động quốc tế đòi hỏi có hạt nhân đoàn kết có tâm, có tầm và có tài để có cách làm năng động, sáng tạo…

- Chúng ta có thể lạc quan về một nền văn học cho thiếu nhi sẽ phát triển rực rỡ trong một tương lai gần, thưa bà?

- Trên thực tế, văn học thiếu nhi đang bị văn hoá nghe nhìn, các trò chơi giải trí game online, “chát chít” lấn át, đang bị “đánh bật” ra khỏi đời sống của các em. Có nhiều lý do khiến văn học thiếu nhi từ chỗ cao trào rơi vào cảnh… chợ chiều. Trong đó, ngoài lý do “tác động của cơ chế thị trường” còn có lỗi từ phía những người cầm bút: người viết chưa thật sự dành hết tâm huyết cho đề tài thiếu nhi, các sáng tác mang tính áp đặt kiểu người lớn, những câu chuyện xa lạ, không phù hợp với suy nghĩ, cuộc sống tuổi mới lớn…

- Xin cảm ơn bà!

     K. Minh (thực hiện)


Ý kiến của bạn