Giải quyết xung đột bệnh viện như thế nào?

04-08-2014 07:00 | Thời sự

SKĐS - Theo các chuyên gia y tế và cả lực lượng công an đánh giá nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất an ninh Bệnh viên nói chung và tình trạng hành hung nhân viên y tế nói riêng, là do các biện pháp an ninh ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Cùng với đó là tình trạng quá tải ở một số BV đã tạo cơ hội cho một số cá nhân trục lợi. Bên cạnh đó, sự thờ ơ của chính quyền địa phương, vấn đề y đức, thái độ ứng xử của một số nhân viên y tế và các sự cố y khoa do các nguyên nhân khách quan và chủ quan cũng đã dẫn tới tình trạng này.

Mang bức xúc của gia đình trút vào... thầy thuốc?

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai đánh giá sau vụ việc hành hung thầy thuốc tại Khoa Cấp cứu: Đây là một sự việc nghiêm trọng, vừa hành hung, vừa chống lại nhân viên y tế, đe dọa trực tiếp tính mạng của người thầy thuốc, gián tiếp đe dọa tính mạng các bệnh nhân khác đang cần được theo dõi, cấp cứu nhưng bị gián đoạn quá trình điều trị bởi hành vi bạo lực của gia đình người bệnh.

BVĐK khu vực Năm Căn, Cà Mau từng bị côn đồ đập phá.

Ông Hiền cho biết thêm, đây không phải là sự việc lần đầu tiên xảy ra tại Khoa Cấp cứu. Để đảm bảo an toàn tính mạng của người thầy thuốc, bệnh viện đã thuê công ty bảo vệ trực 24/24h tại khu vực cấp cứu. Nhưng những tình huống ngoài kiểm soát vẫn xảy ra bởi sự côn đồ của một số thân nhân gia đình người bệnh. “Chúng tôi mong muốn cơ quan bảo vệ phải xử lý nghiêm những hành vi côn đồ, hành hung bác sĩ, đủ mức răn đe để hạn chế đến mức tối đa tình trạng này. Trong lúc nhân viên y tế đang tiến hành cấp cứu bệnh nhân, khẩn cấp, duy trì chức năng sống người bệnh, hành vi này gây ảnh hưởng quá trình cấp cứu, có thể gây ngừng trệ quá trình cấp cứu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến người bệnh, thậm chí tính mạng. Còn nhân viên y tế sẽ bị ảnh hưởng cả về sức khỏe, thể chất lẫn tinh thần.

Khi được hỏi, BS. Ngô Đức Hùng, trưởng kíp trực hôm 25/7 ở Khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai cho biết: Nguyên nhân do văn hóa ứng xử, giao tiếp với bệnh nhân của các bác sĩ chưa được thân thiện, chuẩn mực được loại trừ: “Mỗi ngày bệnh viện chúng tôi phục vụ 3.000 bệnh nhân. Nếu bảo là có sự trục trặc trong giao tiếp giữa bác sĩ với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thì không bao giờ chúng tôi có thể hoàn thành được nhiệm vụ”. Còn TS. Nguyễn Văn Chi, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai đặt vấn đề: “Họ đã mang những bức xúc của xã hội, gia đình vào bệnh viện để... trút”. Vị bác sĩ này cũng khẳng định, ông và các đồng nghiệp luôn vì quyền lợi của người bệnh.

Xử nghiêm để đủ sức răn đe

BV Việt Đức là bệnh viện chuyên về ngoại khoa lớn nhất miền Bắc. Khoa cấp cứu của bệnh viện này hàng ngày phải đón tiếp hàng trăm ca cấp cứu ở khắp nơi đưa về nhưng bệnh viện cũng được “tiếng” là hạn chế, nếu không muốn nói rất hãn hữu mới có những vụ va chạm, hành hung thầy thuốc. BS. Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức cho rằng, ngoài việc đầu tư đầy đủ phương tiện, dụng cụ và tuyển đội ngũ cán bộ bảo vệ có trình độ, năng lực, trách nhiệm thì việc nâng cao trách nhiệm cũng như tinh thần cảnh giác ở mỗi cán bộ y tế là việc rất quan trọng nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các “xung đột” có thể xảy ra.

Tại BV Bãi Cháy, Quảng Ninh, BS. Bùi Văn Quế, Giám đốc BV cho rằng, bên cạnh việc các cơ quan pháp luật sau khi thụ lý vụ án cần khẩn trương điều tra nhanh, sớm đưa ra xét xử vụ án công khai, xử lý nghiêm các đối tượng càn quấy, côn đồ. “Về phía BV, ký hợp đồng với công an sở tại và có cả cố vấn an ninh cho BV. Để lực lượng bảo vệ BV có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, hàng năm khi tổ bảo vệ bình bầu khen thưởng thì BV cũng có một số phần thưởng cho những ai làm tốt, nhiệt tình, đánh giá theo hạng A, B, C, gắn trách nhiệm của họ với công việc cao hơn”.

Còn ở phía Nam, Chợ Rẫy là bệnh viện lớn nhất khu vực, tuyến cuối điều trị cho cả miền Nam, BS. Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy nhìn nhận, bệnh viện luôn tăng cường bảo vệ 24/24h, tăng quân số trực gác ở các khoa có nguy cơ mất an ninh cao như khoa cấp cứu, hành lang khoa khám bệnh, các khoa có bệnh nhân nặng nằm như khoa hồi sức tích cực và một số khoa phòng khác. Để đội ngũ bảo vệ chủ động và sẵn sàng đối phó với các tình huống xảy ra sự cố, bệnh viện đã chủ động tăng cường hợp tác với Cơ quan Công an quận 5, Cảnh sát cơ động, Đội võ thuật quận 5 để huấn luyện, hỗ trợ lực lượng bảo vệ bệnh viện... Đặc biệt, bệnh viện đã tổ chức các buổi tập huấn để phổ biến cho nhân viên y tế nâng cao kỹ năng giao tiếp, ứng xử người bệnh và thân nhân bệnh nhân... Về khía cạnh người thầy thuốc, BS. Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Cán bộ y tế phải tham gia việc bảo vệ bệnh viện. Đồng thời, nhân viên y tế cũng phải có thái độ chuẩn mực khi giao tiếp với bệnh nhân cũng như thân nhân người bệnh. Và chính đội ngũ nhân viên y tế cũng cần phải học được những kỹ năng phát hiện các tình huống, nguy cơ bất trắc như bệnh nhân hay người thân bệnh nhân đang không làm chủ được bản thân do rượu, bia hay đang bị quẫn trí vì bệnh tật... để kịp thời kêu gọi sự hỗ trợ, nhằm hạn chế tối đa xung đột xảy ra.

“Người dân cần biết rằng, không phải bất kỳ sai sót y tế nào cũng là lỗi của cán bộ y tế. Y tế là một ngành đặc biệt, ngay nhiều nước có nền y tế tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, mỗi năm cũng xảy ra rất nhiều tai biến bất khả kháng. Ở Mỹ có quy định 45 ngày sau sự cố y tế thì cơ quan chức năng sẽ đưa ra câu trả lời về nguyên nhân vụ việc. Nhưng tại Việt Nam, sự cố vừa xảy ra thì báo chí đã chất vấn ngay cán bộ y tế về nguyên nhân; nhiều luồng thông tin đưa ra khi vấn đề chưa được làm sáng rõ khiến dư luận thêm hoang mang, có cái nhìn xấu hơn về cán bộ y tế”, ThS. Phạm Đức Mục, Chủ tịch Hội Điều dưỡng Việt Nam chia sẻ.

Nhóm PV YTĐP


GS. Phạm Gia Khải: Chúng ta thiếu y học xã hội

Chúng ta thiếu cách nhìn tổng thể trong công tác khám, chữa bệnh, có người làm chuyên môn, nhưng thiếu người thực sự thông thạo về quản lý. Chúng ta có thể làm tốt về kỹ thuật, nhưng còn yếu nhiều về “y xã hội học”. Nhà trường chúng ta chưa thực sự ý thức rõ ràng về vấn đề này nên từ lời ăn tiếng nói cho tới chuyên môn, người đã tiếp xúc nhiều với xã hội bên ngoài có nhận xét là một số thầy thuốc chúng ta còn yếu. Hiện có tâm lý “mất tiền mua mâm, bà đâm cho thủng”, người ta có cảm giác hẫng hụt khi kết quả khám chữa bệnh không như mong đợi và người ta phản ứng với những mức độ khác nhau, có khi rất tiêu cực, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Tôi chưa bao giờ quá bi quan trước những trường hợp thầy thuốc làm sai, ứng xử thiếu đạo đức vì chưa bao giờ họ chiếm đa số cả, chưa bao giờ họ chinh phục được cảm tình của đông đảo đồng nghiệp, của xã hội. Nghề y không nhằm mục đích hại người, con sâu không bỏ rầu nồi canh được. Không thể chỉ vì một vài con sâu mà đổ cả một nồi canh và cũng không chỉ vì mấy côn đồ mà chúng ta nhìn xã hội qua cặp kính đen được!

 


Ý kiến của bạn