Hà Nội

Giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Lâm Đồng: “Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”

12-11-2015 21:21 | Thời sự
google news

SKĐS - Cũng như các địa phương khác trong cả nước, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Lâm Đồng khá cao, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây.

Cũng như các địa phương khác trong cả nước, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) ở Lâm Đồng khá cao, đặc biệt trong 5 năm trở lại đây. Làm thế nào để giảm tình trạng này là câu hỏi đặt ra không chỉ riêng Lâm Đồng. PV báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc phỏng vấn BS. Đinh Đức Thọ - Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - KHHGĐ Lâm Đồng về thực trạng và giải pháp cho vấn đề này tại Lâm Đồng.

Giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Lâm Đồng: “Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”

BS. Đinh Đức Thọ.

PV: Thưa BS, được biết tình hình MCBGTKS ở Lâm Đồng đang ở mức cao, ông có thể cho biết cụ thể và nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

BS. Đinh Đức Thọ: Lâm Đồng  là một trong những địa phương xảy ra tình trạng MCBGTKS đã nhiều năm. Ở mức bình thường, tỉ số giới tính khi sinh là 103 - 107 bé trai/100 bé gái. Tỉ số giới tính khi sinh ở Lâm Đồng trong 5 năm qua cao, năm 2011: 113,5/100; năm 2012: 114,1/100; năm 2013: 113/100; năm 2014: 114,1/100; năm 2015: 112,8/100.

Bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong một bộ phận dân cư được coi là nguyên nhân đầu tiên và có ý nghĩa quyết định của việc MCBGTKS. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, mong muốn có con trai nối dõi tông đường, tạo nguồn thu nhập chính trong gia đình và chăm sóc bố mẹ khi tuổi già. Chính sách quy mô gia đình nhỏ đã tác động mạnh đến nhiều cặp vợ chồng mong muốn sinh con trai, đặc biệt là những cặp vợ chồng chỉ có con gái trong những lần sinh trước đó. Chế độ an sinh xã hội còn hạn chế, đặc biệt người già có tư tưởng coi con trai là chỗ dựa tốt hơn về mặt tài chính. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều cặp vợ chồng mong muốn có con trai để có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về già. Sự phát triển của các kỹ thuật, công nghệ y sinh học, siêu âm là thành tựu tốt đẹp cho ngành sản khoa giúp phát hiện những bất thường của thai nhi ngay từ khi còn rất nhỏ, nhưng mặt trái của nó là để chẩn đoán giới tính của thai nhi. Kết hợp với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản gồm cả nạo phá thai, siêu âm rất sẵn và thuận tiện. Trong khi quản lý nhà nước chưa kiểm soát được việc thực hiện pháp luật liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi.

PV: Xin BS cho biết kết quả triển khai thực hiện Đề án giảm thiểu MCBGTKS ở Lâm Đồng trong những năm qua?

BS. Đinh Đức Thọ: Từ năm 2011, tỉnh triển khai Đề án giảm thiểu MCBGTKS tại 100 xã, phường, thị trấn thuộc 12 huyện - thành phố có tỉ số giới tính khi sinh (bé trai/bé gái) cao. Tổ chức tuyên truyền, tư vấn trực tiếp, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp thông tin qua hội thảo, nói chuyện chuyên đề tác động vào các đối tượng: cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, ban ngành đoàn thể, chuyên trách - CTV dân  số, nhân viên y tế, hộ gia đình, phụ nữ, trẻ em gái về thực trạng và tác hại của MCBGTKS. Xây dựng và duy trì Câu lạc bộ phụ nữ không sinh con thứ ba giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với 71 câu lạc bộ, 2.587 thành viên đã tổ chức 510 buổi sinh hoạt...

Giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Lâm Đồng: “Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”

Nhiều trẻ em trai, ít trẻ em gái - hệ quả của tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi.

PV: Những giải pháp nào để giảm thiểu MCBGTKS một cách hiệu quả hơn và phù hợp với địa phương Lâm Đồng?

BS. Đinh Đức Thọ: Những giải pháp cơ bản bao gồm: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ: đầu tư nguồn lực, xây dựng Đề án can thiệp giảm thiểu MCBGTKS của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 -2020; xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái, gia đình chỉ sinh 1 hoặc 2 con gái;  phát triển an sinh xã hội nói chung, quan tâm an sinh xã hội cho người cao tuổi; tăng cường bình đẳng giới; nâng cao quyền phụ nữ, khả năng kiểm soát của nữ giới đối với việc sinh sản. Tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để những cơ sở vi phạm về việc thông tin giới tính và lựa chọn giới tính. Tuyên truyền vận động người dân để thay đổi tư duy, nhận thức và hành động gây ra MCBGTKS. MCBGTKS là hậu quả của dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi, điều quan trọng là phải thay đổi được nhận thức hành vi của người dân, nên thực hiện Chiến dịch “Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” để tuyên truyền vận động. Đưa nội dung giáo dục giới tính vào chương trình giáo dục trong trường phổ thông. Thực hiện và sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về DS-KHHGĐ phù hợp với cuộc sống. Để hạn chế tình trạng MCBGTKS cần sự vào cuộc của toàn xã hội.

PV: Trân trọng cảm ơn BS! 

  Bài, ảnh: Diệu Hiền

 


Ý kiến của bạn