Phương tiện tăng, ô nhiễm tăng
Trong nhiều năm trở lại đây, số lượng phương tiện giao thông cá nhân gia tăng một cách nhanh chóng đã khiến cho mức độ ô nhiễm không khí tại các khu đô thị trên cả nước ngày càng nghiêm trọng. Hoạt động giao thông vận tải hiện đang được xem là một nguồn gây ô nhiễm lớn và đáng lo ngại đối với môi trường không khí ở nước ta, đặc biệt ở các khu đô thị và khu vực đông dân cư, nơi mà hoạt động giao thông phát triển mạnh.
Ô nhiễm từ phương tiện giao thông rất nan giải và khó xử lý.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa báo cáo với ban lãnh đạo TP.HCM về tình trạng ô nhiễm môi trường do các hoạt động giao thông gây ra đang ở mức báo động. Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 8 triệu phương tiện giao thông (trong đó hơn 7 triệu xe gắn máy) đang hoạt động mỗi ngày đã xả ra một lượng khí thải kinh khủng vào môi trường làm gia tăng ô nhiễm không khí và là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ bệnh tật cho những người dân quanh khu vực và người tham gia giao thông. Đặc biệt hơn, đó là nhiều phương tiện cũ nát, quá hạn sử dụng rất lâu vẫn còn tồn tại và ngang nhiên tham gia giao thông, không chỉ đe dọa đến sự an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí của các đô thị, sức khỏe của người dân.
TP.HCM có nguồn phát thải khí nhà kính lớn với 38,5 triệu tấn CO2, chiếm khoảng 16% lượng phát thải quốc gia. Trong đó, phát thải khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông đô thị chiếm đến 45%. Kiểm soát phát thải khí nhà kính trong hoạt động giao thông đô thị, góp phần giảm phát thải khí nhà kính đang là vấn đề môi trường cấp bách đối với TP.HCM.
Qua số liệu thống kê phương tiện xe cơ giới tại TP.HCM cho thấy, năm 2010, thành phố có khoảng 4,5 triệu xe máy và 420.000 ôtô. Đến năm 2017, con số này là 7,5 triệu xe máy và 790.000 ôtô. Dự đoán vào năm 2020, lượng phương tiện tăng khoảng 30% với khoảng 9 triệu xe máy và gần 800.000 ôtô. Trong quá trình hoạt động, các phương tiện thải ra các chất như bụi, khí CO, CO2, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… vào môi trường không khí. Kết quả đo đạc chất lượng không khí năm 2017 so với năm 2016 của Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho thấy, nồng độ khí CO, CO2, NO2, hạt bụi lơ lửng PM10 có xu hướng tăng ở một số trạm đo tại khu vực An Sương, Phú Lâm, Cát Lái, Hàng Xanh.
Cùng chung tình trạng này là Thủ đô Hà Nội cũng với lượng xe khổng lồ. Theo một số thống kê, Hà Nội hiện có khoảng hơn 7 triệu dân, đi kèm với đó là số phương tiện cá nhân tương đương. Theo dự báo, số lượng phương tiện cá nhân này sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Năm 2020, số ôtô sẽ tăng lên 843.000 chiếc, xe máy 6,1 triệu chiếc; năm 2025, ôtô là 1,45 triệu chiếc và xe máy là 7 triệu chiếc và năm 2030, ôtô là 2 triệu chiếc và xe máy là 7,5 triệu chiếc.
Theo một báo cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, hiện chất lượng không khí tại nhiều khu vực dân cư, đường giao thông, làng nghề và khu công nghiệp có xu hướng cải thiện dần theo thời gian. Thống kê cũng cho thấy, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội là do hoạt động giao thông. Một số khu vực có nồng độ ô nhiễm bụi cao tập trung ở các quận: Hà Đông, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Từ Liêm…
Loay hoay giải pháp xử lý
Trao đổi tại cuộc tọa đàm về chất lượng không khí ở Hà Nội mới đây, GS. Nghiêm Trung Dũng - Viện Khoa học và công nghệ môi trường, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, trong ô nhiễm không khí ở Thủ đô, thách thức chính vẫn là nguồn thải từ ôtô, xe máy. Số liệu quản lý phương tiện cho thấy liên tục tăng 20-30% phương tiện mỗi năm, tăng liên tục như vậy cũng đồng nghĩa với lượng khí phát thải tăng liên tục, trong đó nguy hiểm hơn cả là việc kiểm định khí thải với xe máy hiện nay vẫn đang thả nổi.
Hà Nội đang triển khai đồng loạt nhiều giải pháp như đẩy mạnh việc trồng 1 triệu cây xanh từ nay đến năm 2020. Cùng với đó, thành phố cũng đã thông qua Đề án quản lý phương tiện giao thông, phát triển giao thông công cộng. Theo đó, đến năm 2030, toàn bộ khu vực nội thành sẽ cấm xe máy. Không chỉ xe máy, TP. Hà Nội cũng đề ra giải pháp nhằm quản lý các phương tiện giao thông cá nhân khác thông qua biện pháp hành chính và kinh tế.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng gấp rút đề nghị chính quyền thành phố kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ sớm thông qua đề án kiểm tra, kiểm soát khí thải xe máy do Bộ Giao thông đề ra. Theo đó, việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với môtô gắn máy có dung tích từ 175cm3 trở lên trong giai đoạn 2018-2020 làm tiền đề để áp dụng cho các dòng xe khác. Được biết, trước đây, Bộ cũng đã xây dựng Đề án Kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, gắn máy tại một số thành phố lớn, sau đó sẽ tiến hành triển khai đại trà. Tuy nhiên, sau nhiều năm nghiên cứu thì phương án này vẫn chưa thể triển khai bởi nhiều nguyên nhân như: Một số địa phương chưa quyết liệt, chưa thống nhất được lộ trình cũng như chưa thống nhất loại xe gắn máy bắt buộc kiểm định khí thải. Bên cạnh đó, tính pháp lý còn nhiều vấn đề cần phải bàn tới...