Hiện nay, việc các chủ nợ thuê, sử dụng các băng nhóm xã hội đen để siết nợ đã trở thành vấn nạn báo động. Các đối tượng này rất manh động, hung hãn, gây ra những vụ trọng án kinh hoàng, là nỗi khiếp đảm cho người dân. Điều đáng nói là những nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng loại tội phạm này lại chính từ những lỗ hổng về luật khi áp vào những vụ án tranh chấp dân sự liên quan đến vay, nợ.
Bất chấp luật pháp, coi thường mạng người
Ngày 6/8, Cơ quan CSĐT CATP Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Quốc Văn (trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội). Đối tượng Văn được xác định là chủ mưu trong vụ sát hại anh Kiều Hồng Thành - tài xế xe CRV trên đường Phạm Văn Đồng, cùng ngày. Bước đầu, cơ quan CSĐT xác định, do mâu thuẫn nợ nần với anh Kiều Hồng Thành, Nguyễn Quốc Văn đã nhờ đối tượng Bình “dằn mặt” anh Thành. Bình nhận lời và về bàn bạc với hai đối tượng là Tuấn và Thuận lên kế hoạch “xử” anh Thành. Sáng 5/8, khi anh Thành đang điều khiển xe ôtô trên đường Phạm Văn Đồng, Thuận và Tuấn đã chủ động va chạm với xe ôtô do anh Thành điều khiển để gây mâu thuẫn. Khi anh Thành cho xe ép sát vào vỉa hè và hạ cửa kính xe, Hoàng Anh Tuấn đã bất ngờ tiến đến, dùng dao đâm anh Thành. Vết đâm vào chỗ hiểm đã khiến anh Thành tử vong tại chỗ.
Hung khí của nhóm đối tượng chuyên xiết nợ, bị thu giữ.
Trước thông tin vụ án, nhận thấy đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, Phòng CSHS (CATP Hà Nội), CA quận Bắc Từ Liêm và các đơn vị nghiệp vụ khác bước đầu đã nhanh chóng làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân Kiều Hồng Thành và tiến hành bắt giữ khẩn cấp các đối tượng trên. Vụ án đang được cơ quan công an tiếp tục tiến hành điều tra mở rộng.
Cùng thời gian trên, ngày 5/8, Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàng Mai đã ra quyết định tạm giữ hình sự 3 đối tượng là Đặng Xuân Hồng (35 tuổi, HKTT thôn Hiền Dương), Hoàng Minh Mỹ (29 tuổi), Hoàng Minh Long (23 tuổi, trú tại tổ 12, phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng) và Dương Quang (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) về hành vi đe dọa giết người. Theo lời khai ban đầu, xuất phát từ nợ nần trong việc hùn vốn kinh doanh với anh Nguyễn Huy Chung (trú tại phường Tân Mai), các đối tượng trên đã mua một quả nổ nặng 200gr cùng kíp nổ đóng trong hộp giấy bìa màu đỏ bên ngoài có ghi dòng chữ: “Gửi gia đình anh Chung” đem đến treo trước cổng nhà anh Chung. Nhận được trình báo của người nhà anh Chung, cơ quan công an thu được tang vật tại cổng nhà anh Chung gồm 1 khối vật chất hình trụ màu nâu có đường kính 3,5cm, chiều cao 12cm; 1 đoạn dây điện có lõi bằng kim loại màu nâu, vỏ bằng nhựa màu xanh, một đầu dây được nối vào kíp vỏ bằng kim loại màu trắng, kíp có đường kính 0,3cm, dài 5cm. Nếu được kích hoạt, khả năng sát thương của quả nổ này là hơn 10m.
Cần điều chỉnh luật
Những hành vi giải quyết mâu thuẫn nợ nần bằng “luật rừng” nêu trên diễn ra ngày càng phức tạp, thường xuyên hơn trong việc giải quyết nợ nần. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng tới ANTT, gây hoang mang cho người dân. Điều đáng nói, nguyên nhân sâu xa chính lại từ việc áp luật khi giải quyết các vụ án liên quan đến tranh chấp dân sự. Trong buổi làm việc với Công an TP. Hồ Chí Minh về tình hình phòng, chống tội phạm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết: Một trong những nguyên nhân của thực trạng “xã hội đen” đòi nợ thuê gia tăng là do thực tế rất khó xử lý tội danh “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Bởi lẽ, theo quy định tại Bộ luật Hình sự thì hành vi cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” phải thuộc một trong hai trường hợp là “vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó” hoặc “vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”. Trong khi đó, để chứng minh người vay mượn nợ bỏ trốn hoặc sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp là rất khó khăn nếu không muốn nói là gần như không thể chứng minh được.
Thực tiễn cũng cho thấy việc khó xử lý hành vi “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là có thật. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia làm luật cho rằng một nguyên nhân khá quan trọng khác là các cơ quan tố tụng chưa có sự thống nhất quan điểm về việc xử lý hành vi này, nhất là từ khi có Nghị quyết 388/2003/NQ- UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội “về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra”, một số người có thẩm quyền xuất hiện tư tưởng “thà để lọt tội còn hơn để bị oan” dẫn đến chưa “mạnh tay” xử lý hành vi lạm dụng. Vì vậy mà theo một số chuyên gia pháp luật trong lĩnh vực này thì các cơ quan tố tụng nên “ngồi lại với nhau” để phân tích, mổ xẻ điều luật và thống nhất hướng đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp nhất gửi đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, thay đổi. Có như vậy mới có thể giảm các băng nhóm chuyên sống bằng nghề đòi nợ thuê...
Vi Hoàng Minh