Những năm gần đây, vấn đề bức xúc về ô nhiễm đã xảy ra ở nhiều địa phương với quy mô, mức độ, số vụ có xu hướng tăng, nhiều vụ việc vi phạm kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, cách phối hợp giải quyết một số sự cố môi trường thời gian qua cho thấy sự lúng túng, thiếu ăn ý của các bộ, ngành, địa phương. Vấn đề này đang đặt ra nhiều thách thức khi Việt Nam tham gia các hiệp định quốc tế…
Tiềm ẩn sự cố môi trường nghiêm trọng
Theo TS. Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, Bộ TN&MT cho biết: Các cam kết, nghĩa vụ về môi trường trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thế hệ mới nói chung, đặc biệt là trong TPP là những nội dung mới đặt Việt Nam trước những nguy cơ, thách thức lớn. Bởi khi Việt Nam tham gia FTA và TPP thì môi trường hay phát triển bền vững sẽ tác động mạnh mẽ tới thể chế của các bên liên quan.
Sự thiếu đồng bộ, ăn khớp giữa các bộ ngành đang tạo ra những kẽ hở về pháp lý trong bảo vệ môi trường.
Trong quá trình hội nhập, đẩy mạnh phát triển kinh tế, sự gia tăng ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên tại Việt Nam thì các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) cũng ngày càng gia tăng do hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam còn nhiều lỗ hổng. Nguồn nhân lực cho công tác BVMT còn hạn chế, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ban ngành từ trung ương đến địa phương còn nhiều bất cập, chồng chéo.
Bên cạnh đó, việc thực thi các cam kết, nghĩa vụ môi trường quy định trong TPP có mức ràng buộc cao, đòi hỏi Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ càng về hệ thống thể chế, nhân lực và vật lực. Việc giám sát hiệu quả triển khai các cam kết, nghĩa vụ về môi trường được quy định trong các FTA còn rất mới mẻ, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm, đầu tư ngay từ bây giờ. Trong đó, cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện Đề án về các cơ chế phối hợp trong nước giải quyết những vấn đề về môi trường trong các FTA.
Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, vẫn còn không ít hệ thống chính sách pháp luật chưa hoàn thiện kịp thời cũng như nguồn lực còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Do đó, hàng năm, vi phạm pháp luật được phát hiện có chiều hướng gia tăng, đặc biệt nguy cơ tiềm ẩn sự cố môi trường nghiêm trọng rất khó kiểm soát. Theo Báo cáo của Tổng cục Môi trường, năm 2016 đã phát hiện gần 50 vụ việc gây ô nhiễm môi trường lớn trên cả nước, gây bức xúc, dư luận quan tâm. Phần lớn là gây ô nhiễm nguồn nước do sự cố xả thải các hoá chất độc hại. Trong đó, nhiều vụ việc có tính chất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như vụ ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; vụ gây ô nhiễm môi trường làm cá chết hàng loạt trên sông Bưởi, Thanh Hoá; vụ cá chết hàng loạt tại Hồ Tây...
Trên cả nước hiện có 283 KCN với hơn 550.000m3 nước thải/ngày đêm (mới chỉ có 212 KCN đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ 75%); 508 cụm công nghiệp với 8.137 cơ sở đang hoạt động, 178 cụm công nghiệp có thủ tục BVMT. Trong đó, chỉ khoảng hơn 6,1% có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Cần cơ chế phối hợp đồng bộ
Đáng chú ý, những sự cố môi trường thời gian qua cho thấy sự lúng túng trong việc phối hợp xử lí của các bộ, ngành. Trong đó có nhiều nguyên nhân mà một trong những nguyên nhân ông Phạm Văn Lợi - Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường cho biết, đó là sự chồng chéo, chưa phân định rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan. Thực tế, dù đã có các quy định cụ thể trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chức năng, nhiệm vụ cụ thể đối với hoạt động Quản lý Nhà nước (QLNN) về BVMT ở Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, việc phối hợp vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Thiếu một hệ thống quản lý thống nhất về môi trường; thiếu cơ chế phối hợp trong giải quyết các vấn đề môi trường.
Vì vậy, Việt Nam cần bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BVMT, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật trong nước và tương thích với các quy định, nghĩa vụ của các FTA; tăng cường phối hợp đào tạo, tập huấn năng lực QLNN cho cán bộ tham gia các hoạt động quản lý và BVMT ở Trung ương và địa phương trong bối cảnh hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế nói riêng, đặc biệt là các nghĩa vụ về môi trường trong các FTA.
Các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao năng lực giải quyết các tranh chấp quốc tế về thương mại cho các cán bộ có liên quan. Tăng cường phối hợp trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, báo cáo các vấn đề liên quan đến việc thực thi các nghĩa vụ về môi trường trong các FTA; phối hợp trong việc giải quyết các tranh chấp thương mại liên quan đến môi trường trong tương lai...
Đồng thời, Việt Nam cần tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về môi trường. Thực tế qua nhiều sự cố môi trường cho thấy sự giám sát về môi trường của các cơ quan QLNN về môi trường ở địa phương còn rất thiếu hiệu quả.