Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã có nhiều giải pháp trong việc chỉnh trang, trật tự đô thị. Gần đây, TP kiên quyết dẹp nạn nghiện hút, địa bàn nào có hiện tượng này thì lãnh đạo sở tại bị kỷ luật... đã được dư luận hoan nghênh. Tuy nhiên, dư luận lại xôn xao việc "TP.HCM kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin” đăng trên nhiều báo chí.
Vẫn biết trong TP có rất nhiều kẻ lười biếng làm nghề hành khất, giả dạng thương tật, nhà sư khất thực, thậm chí có cả bọn chăn dắt như một "công ty" ăn mày! Và ai cũng hiểu một đô thị văn minh không thể để đội quân ăn xin làm nhếch nhác thành phố. Quan niệm cho tiền là vô tình đồng lõa lừa đảo, khuyến khích kẻ lười lao động; Không ai cho tiền người ăn xin thì sẽ hết người ăn xin. Cái lý xem ra đúng một phần!
Thứ nhất là không phải tất cả người ăn xin là lười lao động và lấy ăn mày như một nghề. Giả dạng ăn xin hay ăn xin có tổ chức thực chất là dạng lừa đảo người lương thiện thì chính quyền phải có trách nhiệm dẹp bọn lừa đảo chứ sao lại đá quả bóng cho dân qua lời kêu gọi? Cách "vơ đũa cả nắm", không dẹp được thì "kêu gọi" kiểu không quản được thì cấm quả là bất cập! Không chỉ trong lĩnh vực hành khất, trong cuộc sống còn bao chuyện lừa đảo khác như giả danh này nọ để lừa tiền, lừa tình, thậm chí giả danh CSGT để trấn lột ở nơi vắng như báo chí từng đăng tải. Cứ theo logic này thì sẽ ra sao?
Ai cũng muốn đất nước nói chung và đô thị nói riêng không có hành khất nhưng muốn là một chuyện và thực tế lại là chuyện khác. Một bộ phận đồng bào ta đang gặp khó khăn thực sự và họ chỉ còn biết nhao vào thành phố hy vọng sống từ lòng trắc ẩn của đồng loại. Các TP đã từng gom người hành khất trả về quê nhưng như bắt cóc bỏ đĩa. Muốn chấm dứt hành khất ở TP phải giải quyết từ gốc chứ không thể "kêu gọi không cho tiền người ăn xin"!
Điều day dứt khi "Kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin" là kêu gọi ngoảnh mặt trước nỗi đau đồng loại (dù có nhiều kẻ giả dạng thì phải biết mà gom lại, xử lý, giáo dục) đã vô tình khuyến khích thói vô cảm trong cộng đồng, triệt tiêu lòng trắc ẩn vốn là điều thiện có trong mỗi người theo truyền thống “thương người như thể thương thân” của dân tộc!
Chúng ta có các trung tâm bảo trợ xã hội và không thể máy móc nghĩ người cho tiền sẽ đóng góp vào đây. Cho tiền người ăn xin là phút trắc ẩn trước một tình cảnh cụ thể với số tiền nhỏ còn đóng góp vào quỹ bảo trợ là cả một kế hoạch với số tiền không nhỏ của người có khả năng tài chính. Chắc chắn không ai tìm địa chỉ trung tâm để đến đóng góp những đồng bạc lẻ.
Người nghèo, khó khăn có thể vào các trung tâm bảo trợ xã hội nhưng thực tế nghèo khổ, khó khăn thì muôn dạng mà không một giấy tờ nào có thể chứng minh được. Biết bao người từ quê ra TP trông người thân chạy thận, chữa trị ung thư khi màn đêm buông xuống còn ban ngày lang thang đi tìm sự giúp đỡ từ lòng trắc ẩn của đồng loại. Không phải hoàn cảnh éo le nào cũng được báo đăng và nhận được sự giúp đỡ của bạn đọc.
Chính quyền dẹp lừa đảo qua bọn người giả dạng ăn xin và người hảo tâm có thể biết ai nên cho và không nên cho do linh tính của tính thiện mách bảo khi nhìn vào đôi mắt người hành khất. Thực tế, "thợ ăn xin" có cái nhìn rất vô cảm trong khi người đang đau khổ thật sự hình như có "phát điện" đến ta qua ánh mắt, đôi tay để rung lên những trái tim đồng cảm, đi tìm sự chia sẻ.
Dẹp "nạn hành khất" với những băng nhóm, đường dây hoặc thợ ăn xin là cần thiết, rất đáng hoan nghênh nhưng "kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin" là một kêu gọi thiếu tính nhân văn mà chưa thấy đất nước nào, đô thị nào trên thế giới có lời kêu gọi như thế này!
Lê Quý Hiền