Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, đến thời điểm này cần khẳng định BOT là chủ trương đúng đắn và chắc chắn phải tiếp tục làm để phát triển giao thông.
Giải quyết dứt điểm trong năm 2018
Với điệp khúc thu - xả - thu rồi lại xả tại một số trạm BOT thời gian qua cho thấy Bộ GTVT chưa tìm được giải pháp xử lý tận gốc vấn đề này. Không chỉ BOT Cai Lậy, từ đầu tháng 1/2018 đến nay, một số trạm BOT trên dọc tuyến Quốc lộ 1 liên tục xảy ra việc phản ứng của các tài xế. Một số trạm BOT như Sóc Trăng, Cần Thơ, Ninh An, Cầu Rác, Quảng Bình, Tam Kỳ, Bình Định đến Đồng Nai, Bình Thuận... liên tục xảy ra những căng thẳng leo thang, tình hình trật tự an ninh xã hội tại các trạm này có diễn biến phức tạp.
Liên quan đến phản ứng của người dân với một số dự án BOT hiện nay, lãnh đạo ngành giao thông cho rằng, đó là những phản ứng “tất yếu”. Bởi, khi triển khai đồng loạt các trạm trong 4-5 năm, đến lúc hàng chục trạm thu phí cùng hoạt động, người dân phải trả phí nhiều sẽ có ý kiến, hoàn toàn không sai.
Sẽ rà soát tất cả các trạm BOT.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức cuộc họp về tình hình BOT với tinh thần chỉ đạo: BOT là chủ trương đúng, sắp tới vẫn làm, ai làm sai phải chịu trách nhiệm. Đồng thời giao Bộ GTVT cùng các đơn vị liên quan phân loại ở các trạm BOT “nóng” để phân tích nguyên nhân. Cùng với lãnh đạo các địa phương phải đưa ra giải pháp đảm bảo an toàn cho các trạm thu phí, tạo môi trường đầu tư để thu hút vốn cho cao tốc Bắc - Nam.
Ngoài ra, Bộ GTVT sẽ tăng cường công tác quyết toán, dự án nào không quyết toán kịp thời sẽ không cho thu phí. Hiện, công tác thanh tra kiểm tra các trạm BOT đang có khoảng 107 đoàn thanh tra từ Trung ương đến địa phương để đảm bảo không có tham nhũng, không có lợi ích kinh tế, cá nhân nào lợi dụng chức vụ quyền hạn sẽ bị xử lý. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu, năm 2018, toàn bộ các trạm BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sẽ thu phí tự động. Đến hết năm 2019, toàn bộ các trạm thu phí trên cả nước cũng thu phí tự động để người dân giám sát chặt chẽ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, để BOT giảm nóng phải quyết toán xong và tiến hành thu phí tự động. Việc thu phí tự động không những giúp cơ quan quản lý giám sát mà người dân cũng sẽ có thể tham gia giám sát bằng cách xem trên hệ thống, đảm bảo tính công bằng. Trong khi đó, thu phí thủ công tốn nhiều công sức, có nghi ngờ gian lận, nhưng vẫn cứ triển khai là không được, vì vậy những “lùm xùm” liên quan đến BOT trong thời gian qua sẽ được xử lý dứt điểm trong năm 2018, Bộ trưởng nói.
Cần cái nhìn thấu đáo
Trước hết, phải khẳng định BOT là cần thiết, thực tế là hệ thống cơ sở hạ tầng của chúng ta đã có những tiến bộ khi chủ trương này đi vào cuộc sống. Bộ GTVT cần đánh giá lại những giải pháp đã áp dụng. Vì sao đã có biện pháp rồi nhưng tình hình vẫn không thể cải thiện? Việc quản lý phải đạt được sự hài hòa giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước. Để tình trạng các trạm BOT liên tục xảy ra sự phản đối như vừa qua, rõ ràng các giải pháp mà Bộ GTVT đưa ra chưa đi vào cuộc sống của người dân. Thiệt hại do ùn tắc nhiều giờ tại các trạm BOT này rõ ràng không hề nhỏ. Vì vậy, Bộ GTVT cần đưa ra giải pháp tổng thể giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại hơn là cứ đi đối phó với tình thế như vừa qua.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật BASICO: Không thể phủ nhận BOT đã, đang và luôn là sự hứa hẹn tiềm năng trong việc mang lại bộ mặt mới và không ngừng phát triển cho giao thông đường bộ từ khi có nhiều hơn những con đường BOT, việc lưu thông trở nên ngày một dễ dàng và nhanh chóng. Song, ở một số nơi, BOT không được triển khai đúng đắn, phù hợp đã gây ra những sai lệch về bản chất như thay vì thực hiện mở đường mới thì thực chất chỉ là nâng cấp con đường đã có, chỉ một đường duy nhất và không lắng nghe, quan tâm đến sự lựa chọn của người dân, vì vậy mới có những bức xúc trong thời gian qua.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ GTVT cũng nhìn nhận hạn chế trong giai đoạn vừa qua, mặc dù thực hiện đúng theo quy định của Nghị định 108/2009/NĐ-CP, nhưng còn nhiều dự án thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, thông tin chưa đến được với người dân và các tổ chức xã hội do hình thức tuyên truyền, công bố thông tin chưa thích hợp nên còn có nhiều quan điểm khác nhau về tính công khai, minh bạch. Để đảm bảo tính tổng thể, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát tất cả các trạm, kể cả những trạm người dân chưa phản đối để có chính sách miễn, giảm giá thống nhất đảm bảo tính công bằng và công bằng tương đối trong việc thu giá dịch vụ đường bộ đối với các phương tiện của người dân xung quanh trạm thu giá trên toàn quốc. Người đứng đầu ngành giao thông chỉ đạo kiên quyết: Chúng ta chịu trách nhiệm với người dân, không thể để tình trạng liên quan đến BOT nóng kéo dài mãi, cần phải giải quyết triệt để trong năm 2018.