Hà Nội

'Giải quyết dứt điểm thiếu thuốc, vật tư y tế' được nhấn mạnh tại Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023

10-11-2022 15:45 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, đầu giờ chiều 10/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Với 465/466 (chiếm 93,37%) ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Kịch bản tăng trưởng 2023 đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng

Trước khi các ĐBQH tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết, Quốc hội nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến cho rằng, mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5% là thấp; đề nghị nghiên cứu xây dựng lại một số chỉ tiêu kinh tế với các kịch bản tăng trưởng ở các mức độ khác nhau; chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động chưa khả thi; đề xuất nâng tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên khoảng 6-8%.

Giải quyết 'dứt điểm', thiếu thuốc, vật tư y tế được nhấn mạnh tại Kế hoạch KTXH năm 2023 - Ảnh 1.

Các ĐBQH biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

UBTVQH thấy rằng, việc xây dựng kịch bản tăng trưởng, các chỉ tiêu chủ yếu đã được Chính phủ cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, mục tiêu CPI bình quân năm 2023 khoảng 4,5% để thực hiện mục tiêu tổng quát, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, sát với tình hình thực tiễn và các dự báo trong nước, quốc tế; chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động cơ bản phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP và dự báo về tốc độ tăng lực lượng lao động năm 2023.

Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2023, do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Nghị quyết.

Giải quyết 'dứt điểm', thiếu thuốc, vật tư y tế được nhấn mạnh tại Kế hoạch KTXH năm 2023 - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Có ý kiến đề nghị bổ sung một số chỉ tiêu như tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt trên 20%, tỷ lệ cây xanh trên đầu người; tách chỉ tiêu "Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải" thành hai chỉ tiêu "thu gom" chất thải và "xử lý" chất thải...

Về việc này, UBTVQH cho biết, việc bổ sung thêm chỉ tiêu vào dự thảo Nghị quyết về kinh tế - xã hội cần được đánh giá kỹ lưỡng bảo đảm nguồn lực tổ chức thực hiện, tính khả thi, đo lường được, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát. Do vậy, UBTVQH xin chưa bổ sung các chỉ tiêu này.

Giữ nguyên cụm từ "ngay lập tức", "dứt điểm"

Về các nội dung đã được tiếp thu, chỉnh lý, UBTVQH báo cáo một số nội dung như: Tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng "trong mọi tình huống; bổ sung nội dung: "Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài về tài chính, chuyên môn kỹ thuật phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh"; "quan tâm phát triển các bệnh viện, cơ sở y tế ngoài nhà nước để chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân";

Nâng cao chất lượng giáo dục đại học, sau đại học, "giáo dục nghề nghiệp"; "giải quyết hiệu quả tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ"; mở rộng đào tạo nghề, "nhất là đào tạo nhân lực có tay nghề cao"; "nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế" về giáo dục nghề nghiệp…

Giải quyết 'dứt điểm', thiếu thuốc, vật tư y tế được nhấn mạnh tại Kế hoạch KTXH năm 2023 - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên họp chiều 10/11.

Bên cạnh đó, UBTVQH cũng giải trình một số nội dung. Cụ thể, có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ "dứt điểm" trong nội dung "Tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, hóa chất". UBTVQH cho rằng, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đến công bằng trong khám bệnh, chữa bệnh, vì vậy, việc giải quyết "ngay lập tức", "dứt điểm" cần được nhấn mạnh và quan tâm thực hiện, do vậy, UBTVQH xin được giữ như dự thảo Nghị quyết.

Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung về cải cách tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, mức lương cho người nghỉ hưu trước năm 1995 và đối tượng người có công; tăng đầu tư cho giáo dục; bổ sung nội dung liên quan đến sửa đổi hộ chiếu, các chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo Nghị quyết giám sát của Quốc hội.

UBTVQH cho rằng, các nội dung trên sẽ được xem xét, bổ sung trong các nghị quyết về ngân sách nhà nước; Nghị quyết giám sát chuyên đề về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; và Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Có ý kiến đề nghị bổ sung về các dự án cụ thể như: Dự án đường cao tốc Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc; dự án đường cao tốc Hà Nội – Hòa Bình – Mộc Châu; tuyến đường Hồ Chí Minh; đường lên cửa khẩu các tỉnh biên giới; dự án của một số trường đại học; các dự án giao thông cho các tỉnh phía Nam…

UBTVQH cho rằng, trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ năm đã khái quát nội dung "đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng; các dự án đường cao tốc, đường vành đai đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư".

Trên cơ sở này, Chính phủ sẽ chỉ đạo triển khai cụ thể trong thực tế; các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn ĐBQH, ĐBQH sẽ giám sát việc thực hiện các dự án giao thông, dự án cụ thể...

Xem thêm video đang được quan tâm:

5 loại rau lá xanh tốt nhất giúp giảm mỡ bụng và làm chậm lão hóa | SKĐS.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn