Giải quyết “điểm nghẽn” trong hoạt động giám định tư pháp

14-11-2011 10:12 | Thời sự
google news

Luật Giám định tư pháp đang được soạn thảo để thay thế Pháp lệnh Giám định tư pháp nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của chuyên ngành pháp y hiện nay.

Luật Giám định tư pháp đang được soạn thảo để thay thế Pháp lệnh Giám định tư pháp nhằm đáp ứng nhu cầu bức thiết của chuyên ngành pháp y hiện nay. Tuy nhiên, theo Dự thảo Luật Giám định tư pháp (Điều 15) quy định không có giám định viên pháp y trong lực lượng công an tuyến tỉnh đã xuất hiện một số ý kiến trái chiều. Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Vũ Dương – Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia về vấn đề này.

 TS. Vũ Dương.
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết sự cần thiết của việc ban hành Luật Giám định tư pháp thay thế cho Pháp lệnh Giám định tư pháp hiện nay?
TS. Vũ Dương: Sau hơn 5 năm thực hiện Pháp lệnh Giám định tư pháp, pháp y đã có một đội ngũ giám định viên tinh thông về chuyên môn, vững về pháp luật với hàng loạt các trang thiết bị được đầu tư hiện đại, giúp cho công tác giám định ngày càng tốt hơn. Tuy vậy, còn nhiều vấn đề bất cập mà Pháp lệnh Giám định tư pháp chưa giải quyết được.
 
Sau hơn 7 năm triển khai thi hành Pháp lệnh Giám định tư pháp cho thấy, một trong những nguyên nhân làm hạn chế, tạo điểm “nghẽn, ách tắc” trong một số hoạt động tố tụng là công tác giám định pháp y.
 
Nguyên nhân chính làm hạn chế công tác này là do chưa được quan tâm đúng mức; các quy định về tổ chức, hoạt động, quản lý nhà nước về giám định pháp y, pháp y tâm thần chưa đầy đủ, cụ thể, đồng bộ, liên thông với các quy định của luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính; chưa đáp ứng được với yêu cầu của cải cách tư pháp, phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế hiện nay.
 
Việc dự thảo và ban hành Luật Giám định tư pháp để thay thế Pháp lệnh Giám định tư pháp là rất cần thiết, đáp ứng được nhu cầu bức thiết của chuyên ngành pháp y.

PV:Tại dự thảo Luật Giám định tư pháp đã xuất hiện một sốýkiến trái chiều về quy định không có giám định viên pháp y trong lực lượng công an, xin ông cho biết về vấn đề này?

TS. Vũ Dương: Để đảm bảo nguyên tắc “khoa học, trung thực, độc lập, khách quan” của công tác giám định pháp y trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 2/6/2005 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, hệ thống tổ chức giám định pháp y cần phải được cải cách triệt để, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định, đáp ứng với yêu cầu hoạt động tố tụng là xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
 
Do vậy, việc cải cách không còn giám định viên pháp y thuộc Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như quy định trong dự thảo Luật Giám định tư pháp là phù hợp. Mặt khác, qua tham khảo một số nước trên thế giới thì công tác giám định pháp y đều do ngành y tế thực hiện để đảm bảo tính độc lập khách quan trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
 
Bên cạnh đó, việc tập trung hoạt động giám định pháp y cấp tỉnh vào Trung tâm giám định pháp y thuộc ngành y tế sẽ giúp tập trung nguồn lực, trang thiết bị kỹ thuật, tránh sự dàn trải, lãng phí, khắc phục được sự thiếu thống nhất về quy mô, cơ cấu tổ chức.

PV: Yếu tố nào để chứng minh cho việc quy định không còn giám định viên pháp y trong lực lượng công an là phù hợp, thưa ông?

TS. Vũ Dương: Trước tiên, căn cứ vào yếu tố khoa học, có thể thấy pháp y là khoa học của ngành y, chuyên ngành pháp y hiện nay đều do các bộ môn pháp y của Trường đại học Y và Viện Pháp y Quốc gia giảng dạy. Các bác sĩ pháp y trong cả nước cũng được đào tạo từ đây ra.
 
Bên cạnh đó, các tài liệu giảng dạy về pháp y đều do các tác giả là những chuyên gia pháp y trong ngành y tế biên soạn. Tiếp theo, căn cứ vào cơ sở thực tiễn, số lượng giám định viên pháp y y tế hiện tại là 1.023, trong đó 2/3 có trình độ trên đại học, có đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp I; cấp II.
 
Qua thống kê về việc thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng, hầu hết đều do pháp y y tế thực hiện. Theo tài liệu của Bộ Công an báo cáo năm 2010, trên cả nước có 61.547 vụ phải giám định pháp y, trong đó pháp y y tế giải quyết 50.712 vụ (chiếm 82,4%); pháp y công an giám định 10.835 vụ (chiếm 17,6%). Ngoài ra, còn căn cứ vào những yếu tố như: lịch sử, pháp lý, thông lệ quốc tế, chức năng nhiệm vụ của pháp y và kỹ thuật hình sự…

PV: Không ít người lầm tưởng hoạt động giám định pháp y của ngành y tế với hoạt động kỹ thuật hình sự của ngành công an là một, thực tế các hoạt động này có sự khác biệt nào, thưa ông?

TS. Vũ Dương: Pháp y và kỹ thuật hình sự khi khám nghiệm tử thi có giống nhau (liên quan đến dấu vết trên tử thi, cùng khám quần áo, tư trang dấu vết trên thân thể bên ngoài) nhưng phần lớn là riêng biệt. Cụ thể, khi giám định bên trong thì hoàn toàn do bác sĩ pháp y đảm nhiệm.
 
Ví dụ như việc xác định nạn nhân chết do đạn thẳng, bị bắn tầm kề, tầm gần, tầm xa, thương tích xảy ra khi nạn nhân còn sống hay sau khi chết, thương tích là vật nhọn, vật sắc... là do pháp y đảm nhiệm. Còn nhiệm vụ của kỹ thuật hình sự là xem cụ thể bắn từ loại súng nào, vật nhọn vật sắc cụ thể, đường vào của thủ phạm để gây án; bác sĩ pháp y nghi dấu vết trên tường là máu, nghi dấu vết trên giường, quần áo có nguồn gốc sinh học còn kỹ thuật hình sự có nhiệm vụ thu và bảo quản dấu vết này.
 
Vấn đề giám định tỷ lệ phần trăm bị giảm do di chứng của chấn thương, giám định vết thương do vật gì gây ra hoàn toàn của bác sĩ pháp y, giám định hung khí gây ra thương tích cũng do bác sĩ pháp y nhưng thu thập hung khí để trưng cầu pháp y giám định là nhiệm vụ của kỹ thuật hình sự.

PV: Nếu xét đến yếu tố niềm tin trong công tác giám định, ông có thể đưa ra một vài phân tích, dẫn chứng để có thể thấy sự khách quan, thưa ông?

TS. Vũ Dương: Quá trình điều tra vụ án mạng áp dụng quy trình khép kín, từ quyết định trưng cầu đến khâu khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai… Nếu do một cơ quan chỉ đạo, dù khách quan đến đâu, người ngoài cuộc đôi lúc vẫn có sự nghi ngờ, nhất là các vụ chết người xảy ra đột ngột trong nhà tù, nơi tạm giam, nhà tạm giữ hoặc khi truy bắt, trên đường dẫn giải.
 
Nhưng kết luận về nguyên nhân tử vong lại chính do cơ quan giam giữ, dẫn giải đưa ra thì dư luận khó đồng tình. Tuy nhiên, cũng có thể đặt câu hỏi, nếu vụ chết người xảy ra trong bệnh viện, ở phòng khám bệnh tư nhân, giám định của pháp y y tế giám định liệu có khách quan không? Có thể thấy, một vụ việc xảy ra liên quan đến y tế, pháp y y tế tham gia giám định, đó cũng chỉ là một khâu trong chuỗi quy trình điều tra phá án. Pháp y y tế chỉ giám định tử thi, còn lại khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai… do cơ quan điều tra thực hiện.
 
Vì vậy, không thể nói pháp y y tế có khả năng bưng bít nguyên nhân chết người được. Để tránh tình trạng oan sai, tạo niềm tin trong giải quyết các vụ án, nên để cơ quan giám định quy về một mối, cơ quan quản lý cơ quan giám định thật sự là trọng tài cung cấp chứng cứ khách quan khoa học, có vậy cơ quan trưng cầu tố tụng mới yên tâm, nhân dân mới tin tưởng.

PV: Xin cảm ơn ông!

      Anh Tuấn (thực hiện)


Ý kiến của bạn