Giải quyết chế độ hưu trí theo chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

23-09-2016 18:19 | Xã hội
google news

SKĐS - Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Công văn số 3449/BHXH-CSXH về việc giải quyết chế độ hưu trí theo chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa ban hành Công văn số 3449/BHXH-CSXH về việc giải quyết chế độ hưu trí theo chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Theo đó, tại công văn này, BHXH nêu rõ, căn cứ Công văn số 1972/LĐTBXH-ATLĐ ngày 02/6/2016 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) về việc giải quyết chế độ hưu trí theo chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, BHXH Việt Nam hướng dẫn rõ thêm một số điểm để BHXH các tỉnh, thành phố trong cả nước, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an Nhân dân thực hiện nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHXH.

Thứ nhất, người lao động đang làm việc hoặc đã nghỉ việc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc đã được giải quyết hưởng chế độ hưu trí mà được Bộ LĐTB&XH có văn bản đồng ý cho điều chỉnh chức danh nghề, công việc trên sổ BHXH thì BHXH tỉnh thực hiện điều chỉnh chức danh nghề, công việc trên sổ BHXH để làm căn cứ giải quyết chế độ hưu trí hoặc điều chỉnh mức lương hưu. Về thành phần hồ sơ, quy trình, thẩm quyền điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH thực hiện theo quy định tại Quyết định số 959/QĐ-BHXH ngày 09/9/2015 của BHXH Việt Nam.

Giải quyết chế độ theo chức danh công việc nặng nhọc, độc hại... Ảnh : TM

Đối với trường hợp đã hưởng chế độ hưu trí, căn cứ hồ sơ theo quy định, BHXH tỉnh nơi quản lý và chi trả lương hưu tiến hành điều chỉnh mức hưởng chế độ hưu trí kể từ thời điểm hưởng lương hưu và chi trả kịp thời số tiền được truy lĩnh (nếu có) cho người hưởng.

Thứ hai, các trường hợp chưa có ý kiến của Bộ LĐTB&XH mà người lao động hoặc người sử dụng lao động đề nghị điều chỉnh chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì BHXH tỉnh hướng dẫn người sử dụng lao động lập hồ sơ theo Điểm 1 Công văn số 1972/LĐTBXH-ATLĐ khi có văn bản đồng ý của Bộ LĐTB&XH thì thực hiện điều chỉnh theo Điểm 1 văn bản này.

Trước đó, tại Công văn số 1972/LĐTBXH-ATLĐ của Bộ LĐTB&XH về việc giải quyết chế độ hưu trí theo chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, Bộ LĐTB&XH cho biết, hồ sơ đề nghị điều chỉnh chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do người sử dụng lao động, nơi người lao động có thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ở đó lập, gửi bộ, ngành chủ quản có ý kiến với Bộ LĐTB&XH; áp dụng cho cả trường hợp người lao động đã chuyển đơn vị công tác hoặc đang bảo lưu thời gian đóng BHXH hoặc đã được giải quyết chế độ hưu trí.

Theo Bộ LĐTB&XH, thời điểm áp dụng văn bản điều chỉnh của Bộ LĐTB&XH được xác định từ thời điểm người lao động bắt đầu làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hay đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trường hợp người lao động đã được giải quyết hưởng chế độ hưu trí trước thời điểm Bộ LĐTB&XH có văn bản đồng ý được điều chỉnh mức lương hưu kể từ thời điểm nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí.

Bộ LĐTB&XH đề nghị BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố khi giải quyết chế độ hưu trí cho người lao động mà trong sổ bảo hiểm ghi chưa đúng chức danh nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì hướng dẫn người sử dụng lao động lập hồ sơ theo hướng dẫn tại Điểm 1 nêu trên.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn