Giải quyết căn bệnh thoái hóa khớp gối

28-07-2014 07:17 | Y học 360
google news

SKĐS - Khớp gối là khớp rất quan trọng, gánh toàn bộ cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất, chính vì thế, nó rất dễ bị thoái hóa.

Khớp gối là khớp rất quan trọng, gánh toàn bộ cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất, chính vì thế, nó rất dễ bị thoái hóa. Khi bị thoái hóa khớp gối, người bệnh sẽ bị giảm chức năng sinh hoạt hằng ngày, gây khó khăn trong vận động, đi lại, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Để giúp độc giả hiểu thêm về bệnh lý thoái hóa khớp gối và các phương pháp điều trị, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình (CTCH) II, Viện CTCH, Bệnh viện Việt Đức.

PV: Xin BS cho biết nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối và hậu quả của nó tới người bệnh?

TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh: Thoái hóa khớp gối là bệnh lý do hậu quả của tổn thương thoái hóa sụn khớp, do quá trình sinh tổng hợp các chất cơ bản của tế bào sụn có sự bất thường, đặc trưng là quá trình mất sụn khớp và tổ chức xương cạnh khớp tân tạo. Thoái hóa khớp gối gây đau và biến đổi cấu trúc của khớp, ảnh hưởng chức năng vận động, dần dần dẫn đến tàn phế, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Người ta chia thoái hóa khớp gối thành 2 loại: Thoái hóa khớp gối nguyên phát (thoái hóa không có nguyên nhân) hay gặp ở độ tuổi trên 50 và thoái hóa khớp gối thứ phát: gặp sau chấn thương như gãy xương đùi, can lệch xương, tổn thương sụn chêm...; do bệnh lý xương sụn (hoại tử xương, viêm khớp dạng thấp) hoặc do các bệnh lý nội tiết (đái tháo đường, cường giáp, cường cận giáp).

Ca phẫu thuật nội soi khớp gối.

PV: Dấu hiệu nào nhận biết triệu chứng của thoái hóa khớp gối, thưa BS?

TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh: Người bị thoái hóa khớp gối thường có cảm giác đau vùng khớp gối, lúc đầu đau nhẹ, đau chủ yếu về đêm. Đau có tính chất cơ học, đau nhiều khi đi lại, dần dần đau tăng lên ngay cả khi nghỉ ngơi và ban đêm (có thể đau 1 hoặc cả 2 bên khớp gối). Đôi khi cảm giác cứng khớp khi không vận động (hay gặp vào buổi sáng). Khi cử động, đi lên xuống có tiếng lạo xạo trong khớp; sờ thấy phì đại xương, không có biểu hiện viêm tấy đỏ vùng gối.

Trên hình ảnh Xquang thấy hẹp khe khớp không đồng đều: dấu hiệu chứng tỏ mòn sụn khớp; gai xương mọc có hình thô và đậm đặc ở phần tiếp giáp giữa xương và sụn; Trên phim chụp cắt lớp vi tính CT Scanner có thể phát hiện những tổn thương nhỏ của sụn khớp và phần xương dưới sụn. Người bệnh có thể được chỉ định nội soi khớp - là phương pháp chẩn đoán thoái hóa khớp chính xác nhất, có thể nhìn thấy trực tiếp các thương tổn sụn ở các mức độ khác nhau, đồng thời phối hợp điều trị phẫu thuật nội soi khớp gối.

PV: Khi khớp gối bị thoái hoá nặng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì hướng xử trí trong những trường hợp này như thế nào, thưa BS?

TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh: Mục đích chính của điều trị khớp gối là giảm đau, cải thiện chức năng vận động khớp gối. Khởi đầu bao giờ cũng điều trị bằng thuốc: các thuốc giảm đau, chống viêm, bổ sung glucosamin, chondroitin, tiêm thuốc acid hyaluronic; tập phục hồi chức năng. Ngoài ra, các phương pháp vật lý trị liệu không chỉ giảm đau, giảm phù nề, tăng lực cơ, tăng tầm vận động khớp gối mà còn phục hồi các chức năng sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

Về điều trị ngoại khoa, có 3 hướng xử lý:

Đục xương sửa trục: nếu quá trình thoái hóa làm bào mòn lớp sụn chỉ khu trú ở một ngăn của khớp gối (trong hoặc ngoài) đồng thời gây biến dạng vẹo trong hay ngoài thì phẫu thuật viên sẽ áp dụng kỹ thuật đục xương sửa trục giúp làm thay đổi trục cơ học và khiến khớp gối chịu lực trên ngăn còn lại không bị mòn lớp sụn. Phương pháp này áp dụng cho những người còn trẻ, tác dụng giảm đau trong thời gian khá lâu.

Nội soi gối: mục đích là làm sạch khớp, cắt bỏ màng hoạt dịch bị viêm, lấy bỏ mảnh sụn bong ra gây kẹt khớp, cắt bỏ sụn chêm rách... Phẫu thuật nội soi có thể giúp giảm đau một thời gian nhưng không áp dụng được cho mọi trường hợp.

Thay khớp gối nhân tạo: được chỉ định khi thoái hóa khớp gối độ 3, độ 4, người bệnh đau nhiều, điều trị nội khoa không kết quả, khớp gối bị biến dạng, lệch trục nhiều... Thay khớp gối nhân tạo giúp bệnh nhân giảm triệu chứng đau, lấy lại chức năng vận động của khớp gối và trở lại cuộc sống hàng ngày. Người bệnh khi đã có chỉ định thay khớp gối nhân tạo thì nên phẫu thuật sớm để tránh các biến chứng nặng và ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả điều trị cũng như khả năng phục hồi chức năng khớp gối sau mổ.

PV: Một câu hỏi cuối, lời khuyên của BS với những bệnh nhân thoái hóa khớp gối?

TS.BS. Nguyễn Mạnh Khánh: Với người bị thoái hóa khớp gối thì việc giữ cân nặng cơ thể hợp lý, thay đổi lối sống như tránh ngồi xổm, tránh ngồi xếp bằng, hạn chế leo cầu thang hay leo dốc, hạn chế khiêng vác nặng là chuyện cần làm suốt đời. Có thể mang nẹp gối trong giai đoạn đang bị đau, nhưng sau đó cần phải tập cơ tứ đầu để có một khớp gối vững khi đi đứng, vì khi bị đau gối bao giờ cơ tứ đầu đùi cũng bị teo nhỏ.

PV: Xin cảm ơn BS về cuộc trao đổi này!

Mai Linh (thực hiện)

 


Ý kiến của bạn