Giải quyết căn bản các vấn đề nóng

14-11-2008 15:56 | Thời sự
google news

Phiên chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong 2 ngày rưỡi (từ ngày 11/11 đến sáng 13/11) đã diễn ra sôi động và hiệu quả với sự tham gia của hơn 96% đại biểu Quốc hội cùng hàng triệu cử tri trên cả nước.

Phiên chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ trong 2 ngày rưỡi (từ ngày 11/11 đến sáng 13/11) đã diễn ra sôi động và hiệu quả với sự tham gia của hơn 96% đại biểu Quốc hội cùng hàng triệu cử tri trên cả nước. Với 307 câu chất vấn của 131 đại biểu và 129 lượt ý kiến chất vấn trực tiếp tại hội trường, phiên chất vấn này có nhiều câu chất vấn nhất từ trước đến nay.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng: Điều hành xuất khẩu gạo vì lợi ích tổng thể của đất nước

Sáng 13/11, sau bài phát biểu quan trọng trên diễn đàn Quốc hội nêu rõ những diễn biến của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và dự báo tác động đến nước ta, những vấn đề Chính phủ cần tập trung chỉ đạo điều hành trong tình hình mới và một số nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm như vai trò của tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, công tác điều hành xuất khẩu gạo..., Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giải đáp một số vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Vấn đề điều hành xuất khẩu gạo tiếp tục là một trong những chủ đề "nóng" được nhiều đại biểu quan tâm đặt câu hỏi. Giải đáp vấn đề này, Thủ tướng cho biết, ngay từ đầu năm, Chính phủ đã đặt chỉ tiêu định hướng điều hành xuất khẩu cho cả năm là 4 - 4,5 triệu tấn và sẽ được xem xét điều chỉnh vào đầu quý III. Đến cuối tháng 3, giá lương thực thế giới tăng cao và theo nhu cầu dự báo, thế giới có thể thiếu lương thực nghiêm trọng, kéo theo giá lương thực trong nước tăng cao; trong khi đó không ít doanh nghiệp lại tăng cường mua vào (để tích trữ cho xuất khẩu) nên tiếp tục đẩy giá gạo trong nước lên.

Trên cơ sở báo cáo của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực và các cơ quan liên quan về tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo, ngày 25/3, Thủ tướng chỉ đạo tạm ngừng ký thêm các hợp đồng xuất khẩu mới. Một trong những lý do mà Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh là: Vào thời điểm này, các tỉnh miền Bắc bị rét đậm, rét hại kéo dài. Dự báo lúc đó là 50% được mùa, 50% mất mùa. Việc tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu mới cho đến khi đánh giá được kết quả các vụ mùa này là nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong trường hợp bị mất mùa.

Liên quan đến vấn đề môi trường, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) hỏi: hiện nay doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là khá nhiều, tôi nhất trí với ý kiến của Thủ tướng và quyết tâm của Chính phủ bảo vệ môi trường, xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm mà không ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống người lao động. Chính phủ làm thế nào để thực hiện những gì Thủ tướng nêu mà vẫn đảm bảo an sinh xã hội?

Trả lời câu hỏi của ĐB Thuyết, Thủ tướng cho biết: Tinh thần là phải xử lý theo đúng pháp luật, nhưng cũng phải xem xét theo cách có lợi nhất. Ví dụ, Vedan, tôi yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiểm tra nếu thấy chưa thực hiện đúng quyết định của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì phải xử lý. Xử lý để Vedan không xả nước thải không đạt tiêu chuẩn quy định ra môi trường, nhưng Vedan cần được hoạt động vì đây là năng lực sản xuất của xã hội.

ĐB Trịnh Thị Hoài Thu (Đồng Tháp) cho rằng, công tác tham mưu, dự báo, phối hợp giữa các bộ, ngành nhiều lúc chưa chặt và chuẩn xác gây ảnh hưởng đến công tác điều hành. Thủ tướng đề xuất giải pháp cụ thể gì để tăng hiệu quả và trách nhiệm Bộ, ngành rõ hơn? Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Chính phủ đã yêu cầu các Bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát chức năng để tăng khả năng dự báo trong tình hình mới. Theo Thủ tướng, công tác dự báo khó nói chính xác 100% được. Tinh thần là các Bộ chức năng, chuyên ngành cố gắng hết sức vươn lên. Về cơ quan tổng hợp dự báo, có người đề nghị Thủ tướng lập cơ quan tổ chức dự báo. Tuy nhiên Thủ tướng cho rằng, Chính phủ có rồi, làm chưa tốt thì phải làm tốt hơn. Nhiệm vụ này Chính phủ đã chính thức giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ chuyên ngành phải làm tốt công tác dự báo.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD- ĐT Nguyễn Thiện Nhân: Tăng cường kiểm tra nâng cao chất lượng giáo dục

Chiều 12/11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội với nội dung tập trung vào các vấn đề chất lượng giáo dục đại học, giáo dục mầm non, chính sách cho giáo viên và học sinh vùng sâu, vùng xa...

Liên quan đến chất lượng giáo dục đại học hiện nay, Đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) và một số đại biểu khác nêu vấn đề: Bộ GD&ĐT cho phép thành lập quá nhiều trường đại học, cao đẳng nhưng không ít trường, đặc biệt là ngoài công lập, không thực hiện đúng cam kết đã nêu trong đề án thành lập sẽ dẫn đến chất lượng đào tạo kém.

Thừa nhận thực tế trên, và nêu giải pháp để khắc phục thực trạng này, Bộ GD&ĐT đang triển khai các giải pháp như, sẽ ban hành tiêu chí thành lập đại học mới với những quy định chặt chẽ hơn. Theo quy chế mới, sau ba năm thành lập, lãnh đạo Bộ sẽ kiểm tra trường có thực hiện nghiêm cam kết, nếu không hoàn thành sẽ có biện pháp xử lý.

Về vấn đề giáo dục mầm non, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng, Bộ GD&ĐT đang làm ngược quy trình, khi đầu tư quá lớn vào "ngọn" là giáo dục đại học, trong khi chưa quan tâm đúng mức tới "gốc" giáo dục mầm non.

Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, không phải chúng ta không quan tâm đến giáo dục mầm non, nhưng trong điều kiện có hạn và đối với từng giai đoạn, chúng ta chỉ đủ sức tập trung cho một bậc giáo dục nhất định.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu: ưu tiên giải quyết vấn đề trọng tâm
Trong 65 phút chiều 12/11, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã nhận được 11 lượt câu chất vấn tập trung vào vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, rác thải y tế. Với cách trả lời sinh động, ngắn gọn, đi vào thực chất vấn đề giữa các đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng đã có sự trao đổi, tranh luận, tạo không khí sôi nổi tại hội trường.

Thực hiện hiệu quả lời hứa trước Quốc hội

Trước khi trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã báo cáo kết quả thực hiện lời hứa của Bộ trưởng tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội Khóa XII (tháng 11/2007). Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã quyết định sửa đổi và bỏ quy định tất cả các thành viên trong hộ, tức là cả nhà và 10% số hộ trong xã và phường, hoặc 10% số học sinh trong nhà trường mua BHYT thì mới bán tại Thông tư liên Bộ Y tế - Tài chính số 06 về BHYT tự nguyện.

Về nguồn nhân lực cán bộ y tế miền xuôi, nông thôn, miền núi còn thiếu, trong một năm qua Bộ Y tế đã tiếp thu và tham mưu cho Thủ tướng đã ký Quyết định 1544 cử tuyển cho con em người dân tộc ở vùng sâu, vùng xa ít người từ nay đến 2018 đào tạo 11.600 bác sĩ và cán bộ y tế. Như vậy, trung bình mỗi một năm sẽ có trên 1.000 bác sĩ, dược sĩ và cán bộ y tế đào tạo. Đây là một bước ngoặt trong 10 năm tới cho công tác đào tạo nguồn nhân lực cho miền núi, vùng sâu, vùng xa...

Bộ Y tế cũng đang triển khai đề án 1816 tăng cường bác sĩ về cơ sở với cán bộ của 60 bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện loại 1 thay nhau về nông thôn, về miền núi, về vùng sâu, vùng xa để đào tạo cán bộ cơ sở theo kiểu cầm tay chỉ việc, chuyển giao các kỹ thuật chuyên môn nhằm tăng cường chất lượng KCB tuyến cơ sở, giảm tải tuyến trên. Đến nay, sau 3 tháng thực hiện đề án, đã có 622 các bác sĩ có tay nghề đang luân phiên ở các tỉnh địa bàn nói trên bước đầu thấy kết quả khá tốt.

Có lĩnh vực buộc phải đa ngành quản lý

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) chất vấn Bộ Y tế đã kiểm tra chất bảo quản độc hại trong các trái cây ngoại nhập chưa?

       Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Sau Kỳ họp thứ hai của Quốc hội, tháng 11/2007 Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã triển khai thực hiện lời hứa có kết quả và hôm nay báo cáo trước Quốc hội. Đây là một cách làm tốt cần khuyến khích.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, Pháp lệnh ATVSTP và trong văn bản hướng dẫn thi hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì Điều 43, Mục 3 có ghi: các bộ, ngành trong phạm vi, quyền hạn, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế thực hiện quản lý Nhà nước về ATVSTP trong lĩnh vực được phân công, phụ trách theo các nguyên tắc sau. Việc quản lý Nhà nước về ATVSTP trong quá trình sản xuất sẽ do bộ, ngành, quản lý chuyên ngành chủ trì phối hợp với Bộ Y tế và các bộ, ngành có liên quan thực hiện. Có nghĩa là chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu thì theo phân công Bộ NN&PTNT sẽ đảm nhiệm. Chế biến, phẩm màu, chất màu cho cái gì vào, không cho cái gì vào công nghệ thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm. Quy trình từ trang trại đến mâm cơm thì Bộ Y tế là người được giao quản lý nhà nước quán xuyến, nhưng khâu đến mâm cơm trước khi vào người tức là gây bệnh thì Bộ Y tế là người gác barie đó. Để làm rõ hơn vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết: Bộ NN&PTNT thực hiện quản lý nhà nước về ATVSTP đối với sản phẩm trong suốt quá trình từ sản xuất đến khi nông sản được đưa ra lưu thông trên thị trường trong nước và xuất khẩu, quản lý vệ sinh thú y đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật nhập khẩu. Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bổ sung, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm là đầu mối trong hoạt động của lực lượng quản lý thị trường phối hợp với thanh tra chuyên ngành của các Bộ kiểm tra, kiểm soát, thực phẩm lưu thông trên thị trường. Nếu phát hiện vi phạm các quy định theo tiêu chuẩn chất lượng và các quy định về ATVSTP thì lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm phối hợp cùng các ngành tiến hành các biện pháp xử lý như rút giấy phép đăng ký kinh doanh.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng cho biết: Có những lĩnh vực, một ngành chịu trách nhiệm quản lý nhưng cũng có những lĩnh vực buộc phải đa ngành quản lý. Việc giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đòi hỏi sự chung sức của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương cũng như của các địa phương.

Vấn đề rác thải y tế cũng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội về các biện pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải y tế. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu, rác thải độc hại, nguy hiểm hiện nay mới xử lý được 40% đốt theo lò đủ tiêu chuẩn, ví dụ ở Hà Nội có lò ở Cầu Diễn, đốt xong xét nghiệm khói bảo đảm tiêu chuẩn không gây ô nhiễm môi trường, còn 33% đốt bằng lò thủ công thì ở những nơi mật độ dân cư thưa, các bệnh viện bây giờ tiền chưa nhiều cho nên đốt bằng lò thủ công, còn lại 27% đốt ở ngoài trời hoặc là chôn lấp. Về việc xử lý rác thải rắn độc hại nguy hiểm, Bộ tiếp tục xây dựng quy hoạch và sẽ chỉ đạo các tỉnh, thành phố phải xử lý bằng lò đốt tập trung đủ tiêu chuẩn như ở Hà Nội. Các bệnh viện phải phân loại lại rác thải thông thường và rác thải độc hại nguy hiểm để công ty môi trường đô thị đến thu gom và xử lý.

Về xử lý nước thải, rác thải y tế, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết cần tổng kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng: 1.200 tỷ đồng xử lý nước thải và rác thải khoảng 800 tỷ - 1.000 tỷ (chưa tính trượt giá). Bộ sẽ báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, các Bộ sẽ tìm nguồn để giải quyết vấn đề này.

Nhóm PVTS


Ý kiến của bạn