Giải quyết bạo hành y tế phải được thực hiện từ hai phía

03-09-2016 08:46 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mới đây tại BVĐK tỉnh Kiên Giang đã xảy ra một vụ xô xát giữa người nhà bệnh nhân và điều dưỡng viên của bệnh viện. Nguyên nhân được cho là người đàn ông đưa mẹ đến viện khám và được nữ điều dưỡng nhờ lấy xe lăn giúp để đưa mẹ mình lên khoa khám cho đỡ mệt. Cho rằng đó là việc của điều dưỡng chứ không phải của người nhà, anh đã xông vào đánh điều dưỡng, tiếp đó một người phụ nữ cũng chạy ra đẩy bảo vệ và lớn tiếng nhục mạ điều dưỡng. Sự việc ở BVĐK tỉnh Kiên GIang chỉ là một trong rất nhiều vụ bạo hành y tế. Những xô xát, mẫu thuẫn trong các cơ sở y tế chưa khi nào giảm nhiệt. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề? phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với Th.Bs Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc BVĐK Xanh Pôn xung quanh chủ đề này.

PV: Câu chuyện về bạo hành  y tế  đã được bàn bạc rất nhiều, nhưng hành hung, xô xát vẫn thường xuyên xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng, “không có lửa thì làm sao có khói”, cũng có ý kiến cho rằng phía người nhà đôi khi cũng đã làm quá chuyện... quan điểm của BS về vấn đề này thế nào?

Ths.Bs Nguyễn Đình Hưng: Mỗi ngành nghề một đối tượng phục vụ khác nhau, môi trường làm việc khác nhau. Trong bệnh viện, môi trường rất phức tạp. BV giống như một xã hội thu nhỏ, hàng ngày tiếp nhận lớn số lượng người vào, không chỉ người đến khám mà người đưa bệnh nhân đến khám, người đi thăm bện nhân…rất khó kiểm soát. Vì thế mẫu thuẫn rất dễ xảy ra giữa hai bên, người nhà, bệnh nhân và nhân viên y tế. Theo tôi, nguyên nhân sâu xa nhất dẫn tới tình trạng hành hung nhân viên y tế, hay tình trạng xô xát, náo loạn bệnh viện là sự không hiểu và thông cảm giữa bệnh nhân, người nhà và đội ngũ nhân viên y tế. Vì vậy, nếu nhân viên y tế và người nhà hiểu nhau hơn, có thời gian để trao đổi thông tin cụ thể, minh bạch thì mâu thuẫn sẽ ít hơn.

PV: Với vai trò vừa là nhà quản lý vừa là một bác sĩ, theo ông để giải quyết được mâu thuẫn này  phải làm thế nào, bắt đầu từ đâu?

Ths. Nguyễn Đình Hưng: Để giải quyết được mâu thuẫn này đòi hỏi phải từ  hai phía. Thứ nhất, về phía bệnh viện, lãnh đạo các cơ sở y tế phải xác định vai trò trong cung cấp dịch vụ y tế của cơ sở mình. Bệnh viện phải cung cấp dịch vụ tốt hơn, quy trình minh bạch hơn, thu chi rõ ràng hơn. Ngoài ra phải liên tục đánh giá và hoàn thiện các quy trình để phục vụ tốt hơn, hạn chế sai sót. Điều này vừa đảm bảo công bằng, minh bạch và hạn chế tối đa các xung đột quyền lợi giữa các bệnh nhân với nhau. Bên cạnh đó xây dựng đội ngũ cán bộ có kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống tốt. Khi xử lý tình huống tốt thì hạn chế được sự hiểu lầm và ngăn cản được xung đột phát triển. Đơn cử như ở phòng cấp cứu, do không hiểu chuyên môn nên người nhà cho rằng nhân viên y tế đã chậm trễ trong việc cấp cứu người bệnh nên đã to tiếng, lúc này nhân viên y tế xử lý tình huống tốt thì sẽ giải thích để người nhà hiểu là việc giục giã các bác sĩ chỉ đem lại hiệu ứng ngược cho người bệnh, vì các bác sĩ đang cố gắng tập trung hết sức, hoặc tình trạng bệnh nhân đã được xử lý ổn thỏa không có nguy hiểm gì… Điều quan trọng là, người bệnh vào thấy dịch vụ của bệnh viên tốt, nhân viên có thái độ đúng mực  thì người bệnh yên tâm. Không nên để người bệnh sợ bệnh viện.

Tiếp đến là từ phía người nhà, do không được nắm bắt thông tin kịp thời vì không được giải thích rõ ràng nên nhiều người cho rằng bệnh tình của người thân mình là nặng mà nhân viên y tế bỏ bê không đoái hoài đến do đó sẽ dẫn đến những hành xử không đúng. Nhưng nếu được giải thích cặn kẽ và hiểu thì cũng không có xung đột xảy ra. Để làm được điều này, người nhà và bệnh nhân cũng nên hiểu và cảm thông cho nhân viên y tế, bởi thực tế là họ đang nỗ lực cứu chữa cho người thân của mình, vì vậy nếu có vấn đề gì thì nên bình tĩnh trao đổi qua đó sẽ hiểu nhau hơn.

Một điểm nữa là, hiện nay, vấn đề quy tắc ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh trong các cơ sở y tế đã được Bộ Y tế rất quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt, các bệnh viện cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng phục vụ  người bệnh, bằng cách xây dựng và thực hành văn hóa ứng xử của nhân viên y tế với bệnh nhân. Văn hóa ứng xử của nhân viên tốt thì bệnh nhân cũng phải có ứng xử phù hợp mới đạt được mong muốn. Khi cả hai bên đồng hành thì  việc giải quyết mâu thuẫn sẽ thuận lợi hơn. Cùng với đó, phía bệnh viện cần phải làm thế nào để  người bệnh tin tưởng bệnh viện, không sợ đến bệnh viện.

Ths.Bs Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc BVĐK Xanh Pôn

PV: Vấn đề bạo hành y tế, xung đột trong bệnh viện không thể tách rời với an ninh bệnh viện, vậy tại BV Xanh Pôn điều này đã được thực hiện như thế nào thưa ông?

Ths.Bs. Nguyễn Đình Hưng: Nhận thấy vấn đề an ninh trật tự bệnh viện quan trọng, Bộ y tế và Bộ Công an đã có văn bản ký kết hợp tác trong lĩnh vực này. Sau đó, Sở Y tế Hà Nội cũng có văn bản ký kết với Công an Hà Nội về lĩnh vực an ninh trật tự trong bệnh viện. Sau  ký hợp tác thì vấn đề an ninh trật tự được chú trọng rất nhiều. Công an thành phố đã giao cho phòng cảnh sát bảo vệ và phòng Cảnh sát bảo vệ đã chọn các bệnh viện trên địa bàn thủ đô để đưa lực lượng bảo vệ xuống thường trực tại các BV từ 8h -22h. Tại BV Xanh Pôn, vấn đề an ninh trật tự được tổ chức thành nhiều hệ thống đan xen nhau. Trong đó có đội bảo vệ tại BV, tiếp đến là đội vệ sĩ chuyên nghiệp và 3 đồng chí công an thành phố thường trực, trong đó hai đồng chí mặc quân phục và 1 đồng chí mặc thường phục. Ngoài ra, BVĐK Xanh Pôn cũng phối hợp với công an Phường Điện Biên, công an Quận Ba Đình và lực lượng cảnh sát 113. Khi cần hỗ trợ BV sẽ liên lạc trực tiếp với công an Phường,  điện thoại của công an Phường cũng như đường dây nóng các đồng chí công an có mặt rất nhanh. Đối với sự việc nào nghiêm trọng thì ngoài lực lượng tại chỗ, BV sẽ gọi công an Quận và cảnh sát 113…Với cách tổ chức như vậy tình hình an ninh trật tự tại BV Xanh pôn những năm gần đây đã ổn định.

PV: Có thể nói BV Xanh Pôn đã tổ chức khá chặt chẽ vấn đề an ninh bệnh viện. Tuy nhiên, bệnh viện là một môi trường rất phức tạp, khó kiểm soát, ngoài sự phối hợp ký kết với lực lượng công an như trên, với vai trò là  người đứng đầu một bệnh viện lớn nhất thành phố Hà Nội, theo BS cần phải có kiến nghị gì để làm tốt hơn nữa công tác an ninh trật tự bệnh viện?

Ths. Bs. Nguyễn Đình Hưng: Quan điểm của tôi là, an ninh trật tự bệnh viện được xã hội quan tâm nhiều, nhưng hiện nay lại chưa có văn bản pháp lý nào quy định rõ ràng về vấn đề này. Vì vậy, cần phải có văn bản pháp lý riêng cho ngành y trong lĩnh vực an ninh trật tự tại các cơ sở y tế.  Văn bản ấy có thể là thông tư là nghị định hướng dẫn về thực thi an ninh trong bệnh viện, tất nhiên văn bản này vẫn phải được điều tiết theo quy định của những văn bản luật chung. Bởi, như bạn nói, trật tự bệnh viện khá phức tạp, nó cũng không thua kém gì bến tàu, bến xe. Vì lượng người đông, nhiều thành phần nên khó kiểu soát. Một người đi khám bệnh kèm theo cả người nhà đưa vào khám, rồi người đi thăm bệnh nhân…Mặt khác để thuận tiện cho việc khám chữa bệnh thì một số điểm như phòng khám hay phòng cấp cứu phải mở 24/24 để người dân thuận tiện. Do đó đòi hỏi an ninh ở những chỗ này cũng phải được tăng cường hơn…

PV: Trân trọng cảm ơn bác sĩ


Nguyễn Tuệ (thực hiện)
Ý kiến của bạn