Bệnh mạch máu não là nhóm bệnh rất nặng với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao, gây ra những tổn thất lớn cho người bệnh, gia đình và xã hội. Từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi đều có thể mắc bệnh mạch máu não với những đặc điểm khác nhau tùy từng đối tượng. Tuy vậy trên thực tế, nhiều bệnh nhân (BN) mạch máu não chưa được chẩn đoán sớm và điều trị hợp lý, nên đã bỏ lỡ cơ hội được cứu sống hoặc hạn chế di chứng khi đột quỵ xảy ra. Phóng viên (PV) báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với TS. BS. Lê Văn Trường, Chủ nhiệm khoa Chẩn đoán và Can thiệp tim mạch BV TWQĐ 108 về vấn đề này.
PV: Là một bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán và điều trị bệnh mạch máu não, xin bác sĩ (BS) cho biết bệnh mạch máu não có thể gây những hậu quả nghiêm trọng gì?
TS.BS. Lê Văn Trường.
TS.BS. Lê Văn Trường: Não là cơ quan trung ương điều khiển mọi hoạt động của cơ thể nhờ chức năng của các tế bào não. Các tế bào não được cung cấp đầy đủ ôxy và các chất dinh dưỡng bởi hệ thống mạch máu não. Khi mạch máu não bình thường, não được nuôi dưỡng tốt, cơ thể của chúng ta khỏe mạnh. Khi mạch máu não bị bệnh, hoạt động của các tế bào não bị ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, cơ thể của chúng ta sẽ rơi vào trạng thái rối loạn do mất chỉ đạo từ não bộ.
Bình thường, dòng máu nuôi não lưu thông trong lòng mạch đi từ động mạch lớn tới hệ mao mạch mang ôxy và chất dinh dưỡng nuôi tế bào não và hồi lưu theo các tĩnh mạch để về tim. Bệnh mạch máu não có thể hình thành từ trong bào thai (bệnh bẩm sinh) hoặc trong những năm tháng tiếp theo của đời người (bệnh mắc phải).
Khi dòng máu não bị thoát ra ngoài lòng mạch sẽ gây chảy máu não. Khi dòng máu não bị tắc đột ngột sẽ gây nhồi máu não. Đó chính là hai dạng đột quỵ não (còn được gọi là tai biến mạch máu não): đột quỵ chảy máu não và đột quỵ thiếu máu não. Thông thường, bệnh mạch máu não hình thành và phát triển một thời gian trước khi gây đột quỵ não, có thể có triệu chứng báo trước, nhưng cũng có thể không có triệu chứng gì cho đến khi đột quỵ xảy ra.
PV: Vậy làm thế nào để phát hiện bệnh mạch máu não trước khi xảy ra đột quỵ, thưa BS?
TS.BS. Lê Văn Trường: Nếu được phát hiện bệnh trước khi đột quỵ, chúng ta có thể sẽ được tư vấn điều trị để hạn chế nguy cơ bị đột quỵ. Như thế sẽ là lý tưởng vì tránh được tổn thương cho các tế bào não. Người bệnh cần khám BS chuyên khoa mạch máu não nếu có hoặc nghi ngờ có triệu chứng về thần kinh. Điều cần ghi nhớ là chẩn đoán hình ảnh não và mạch máu não phải được làm trong 1 lần chụp. Mọi khám xét lâm sàng của BS chỉ có thể hướng đến bệnh A, B, C... chứ không khẳng định được bệnh cụ thể. Sự lưỡng lự làm hay không làm xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh não và mạch máu não có thể phải trả giá bằng tính mạng của bệnh nhân (BN). Hai phương pháp chẩn đoán hình ảnh não và mạch máu não hiệu quả và phổ biến nhất hiện nay là chụp cắt lớp (CT và CTA) bằng máy cắt lớp đa dãy và chụp cộng hưởng từ (MRI và MRA) bằng máy có cấu hình từ 1.5 Tesla trở lên. Chụp cắt lớp hoặc cộng hưởng từ não và mạch máu não cần được coi là chỉ định thường quy cho những BN nghi ngờ có bệnh mạch máu não giống như chỉ định làm xét nghiệm siêu âm cho những BN nghi ngờ có khối u trong ổ bụng vậy. Phát hiện bệnh mạch máu não ở giai đoạn chưa gây biến chứng đột quỵ bằng chẩn đoán hình ảnh là một thành tựu lớn của y học hiện đại cần được áp dụng rộng rãi, tránh lãng phí cơ hội cứu bệnh nhân thoát khỏi đột quỵ não với một chi phí rất hợp lý.
PV: Phải chăng vì đột quỵ não là loại bệnh rất thường gặp và rất nặng nề, cần được chẩn đoán nhanh chóng và chính xác để có thể áp dụng các phương pháp điều trị hiện đại nhằm cứu sống BN, nên BV TWQĐ 108 đã xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh phục vụ chẩn đoán, cấp cứu và điều trị BN mạch máu não trong BV và giữa các BV trong khu vực. Quy trình hoạt động của hệ thống này như thế nào, thưa BS?
TS.BS. Lê Văn Trường: BV TWQĐ 108 là cơ sở có đủ điều kiện về nhân lực và trang thiết bị để tiếp nhận, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời các loại bệnh mạch máu não (kể cả đã bị đột quỵ và chưa bị đột quỵ). Chúng tôi đã thành lập nhóm chuyên khoa “Chẩn đoán và điều trị BN mạch máu não” gồm: cấp cứu, chẩn đoán hình ảnh, đột quỵ não, hồi sức tích cực, can thiệp mạch máu não, phẫu thuật thần kinh và nội thần kinh với mục tiêu: đảm bảo thực hiện chẩn đoán và điều trị BN mạch máu não một cách nhanh chóng, chính xác, an toàn và hiệu quả nhất. Các BV trong khu vực có thể chủ động liên hệ với BS của BV TƯQĐ 108 ngay trước khi chuyển BN đột quỵ não đến BV TƯQĐ 108 để chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận và cấp cứu BN (thông thường, BN được chuyển lên tuyến trên với lý do là vượt quá khả năng điều trị, không có thông tin tư vấn hội ý giữa các BS của hai BV trước khi chuyển BN...). Việc tạo lập một mạng lưới hoạt động gắn kết sẽ là một vòng tròn khép kín giữa các BV trong việc trao đổi thông tin và chăm sóc BN. Chúng tôi phản hồi thông tin cho nơi chuyển BN và khi chuyển BN quay trở lại, các BV cơ sở có thể khám và điều trị tiếp theo tư vấn của BS tuyến trên. Chúng tôi đã thực hiện quy trình này với các BV trong khu vực Hà Nội và một số tỉnh quanh Hà Nội, tiến tới sẽ mở rộng hơn nữa đến nhiều BV trong các tỉnh phía Bắc.
Các bác sĩ BV TWQĐ 108 tiến hành can thiệp mạch cho BN đột quỵ não.
PV: Lời khuyên của BS khi trong nhà có người thân bị đột quỵ, chúng ta cần phải làm gì?
TS.BS. Lê Văn Trường: Khi thấy BN có một hoặc nhiều dấu hiệu thần kinh bất thường: đau đầu đột ngột dữ dội, rối loạn ý thức, nôn, co giật chân tay, yếu liệt nửa người, nói khó, nói ngọng... người nhà cần gọi, hỏi và yêu cầu BN làm một số động tác để xác định xem BN còn tỉnh, lú lẫn hay đã hôn mê; bị liệt hoặc yếu tay chân bên nào? Cần xem giờ để xác định ngay thời điểm BN bị đột quỵ và gọi xe cấp cứu để đưa BN đến BV. Trong lúc chờ xe cấp cứu: cho BN nằm nghiêng đầu ra phía ngoài đề phòng sặc khi nôn, lau sạch đờm rãi hoặc chất nôn trong miệng, đo mạch huyết áp nếu có thể và không được đánh gió, bấm huyệt, châm cứu vì có nguy cơ tăng nặng chảy máu não.
Cần đưa BN đến BV có năng lực chẩn đoán và điều trị đột quỵ để BS khám và xét nghiệm nhằm xác định sớm nhất: thời điểm BN bị đột quỵ và đến khi nhập viện là bao lâu, BN bị đột quỵ nhồi máu não hay đột quỵ chảy máu não và mức độ nặng nhẹ như thế nào... Ngay sau khi trả lời được các vấn đề trên, các BS sẽ đưa ra phương pháp điều trị tối ưu cho BN: hồi sức đột quỵ não, hoặc can thiệp mạch máu não, hoặc phẫu thuật sọ não, hoặc kết hợp các phương pháp. Tất cả các giai đoạn từ khi phát hiện BN đột quỵ, vận chuyển BN vào viện, thăm khám và xét nghiệm cấp cứu đến triển khai các phương pháp điều trị... đều cần thực hiện nhanh nhất trong phạm vi có thể để cứu các tế bào não của BN đang bị tổn thương và đe dọa tiếp tục tổn thương theo thời gian.
Tuyệt đối không dùng thuốc “An cung ngưu hoàng hoàn” khi cấp cứu BN đột quỵ não vì: chưa có nghiên cứu khoa học đáng tin cậy chứng minh tác dụng điều trị đột quỵ; làm trì hoãn, mất đi thời gian vàng để cấp cứu BN; có thể gây sặc làm suy hô hấp cho người bệnh khi người nhà cho uống thuốc trong tình trạng BN lơ mơ hoặc hôn mê.
PV: Chân thành cảm ơn BS đã cung cấp những thông tin cần thiết về căn bệnh âm thầm nhưng nguy hiểm này!
Mai Linh (thực hiện)