Hà Nội

“Giải phóng Sài Gòn” qua những bức ảnh lịch sử

25-04-2015 09:49 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nhiếp ảnh gia Đinh Quang Thành đã bám sát những bước chân thần tốc của các chiến sĩ, ghi lại hàng ngàn bức ảnh tư liệu lịch sử quý giá về chiến dịch, trải dài từ Bắc vào Nam, đến tận sào huyệt cuối cùng của địch là Dinh Độc Lập.

40 năm đã trôi qua, kể từ ngày cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975 giành toàn thắng, khắc sâu vào lịch sử dân tộc Việt Nam những trang vàng chói lọi. Sự kiện mùa xuân 1975 chỉ diễn ra trong 55 ngày đêm, với sức mạnh áp đảo về quân sự và chính trị tích lũy từ những năm chống Mỹ, quân và dân ta đã giành toàn thắng với ba chiến dịch lớn: Giải phóng Tây Nguyên mở đầu bằng trận đánh Buôn Ma Thuột đêm 10/3/1975, chiến dịch giải phóng Huế và Đà Nẵng, ngày 26 và 29/3 đồng thời quét sạch địch tại các tỉnh ven biển miền Trung và kết thúc là chiến dịch Hồ Chí minh lịch sử, giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam.

Hơn 1 triệu quân ngụy cùng toàn bộ chính quyền Sài Gòn bị đập tan, chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ dốc sức xây dựng trong suốt 20 năm sụp đổ hoàn toàn. Niềm vui vỡ òa trong mỗi trái tim, mỗi con người sau gần 20 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ của dân tộc ta dành thắng lợi.

Là phóng viên thời sự của Thông tấn xã, nhà báo Đinh Quang Thành đã bám sát những bước chân thần tốc của các chiến sĩ, ghi lại hàng ngàn bức ảnh tư liệu lịch sử quý giá về chiến dịch, trải dài từ Bắc vào Nam, đến tận sào huyệt cuối cùng của địch là Dinh Độc Lập.

Nhân kỷ niệm 40 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975-2015), 70 bức ảnh- những câu chuyện bằng hình ảnh của Đinh Quang Thành tái hiện chiến thắng lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 sẽ được triển lãm tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam từ ngày 25/4 tới.

Triển lãm Đường xuân chiến dịch 1975 với 4 nội dung: Hành trang đi chiến dịch; Giải phóng Huế - Đà Nẵng; Tiến về Sài Gòn; Đất nước trọn niềm vui tái hiện trung thực chiến thắng lịch sử của quân dân ta, là bản hùng ca vĩ đại về con người và đất nước Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, mãi mãi là niềm tự hào sâu sắc của các thế hệ con dân nước Việt:

Nhân dân xã Hải Tiến, huyện Hải Hậu bắn rơi chiếc máy bay thứ 50 của tỉnh Nam Hà. Xác chiếc máy bay được dân quân dùng xe cút kít thường chở muối đưa về nơi tập trung

Câu chuyện về bức ảnh "Đường ra tiền phương": "Vào một đêm tháng 6/1966, tôi đến cầu Gián Khuất đoạn qua sông Đáy trên quốc lộ 1A đúng vào cái đêm định mệnh: Nguyễn Thị Phúc, đội viên Đại đội TNXP 193 Nam Hà đang chỉ đường cho đoàn xe qua cầu phao trong đêm, bất ngờ một loạt bom nổ giữa đầu cầu và cô bị cưa cụt một cẳng chân. Không kịp cấp cứu, máu ra nhiều, cô gái đã hy sinh. Ngay đêm sau, nhiều đội viên nữ trong đơn vị đã tranh nhau làm nhiệm vụ thay Nguyễn Thị Phúc. Tôi đã chụp tấm ảnh đêm đúng nơi cô gái ấy đã đứng, tay cầm lá cờ lệnh đỏ, tóc buông dài, vai mang súng, chỉ đường cho các đoàn xe ra trận"

"Ga Nam Định, nơi trung chuyển lương thực, vũ khí vào Nam bộ bị bom Mỹ đánh phá nhiều lần. Các chiến sĩ tự vệ của thành phố có mặt kịp thời, cấp cứu những người bị thương hoặc kẹt dưới các hầm trú ẩn. Chiếc xe đạp của tôi dựng gần đó cách đám cháy hơn 200m"

“Quân đoàn 3 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất”. Nhiếp ảnh gia Đinh Quang Thành vẫn bảo rằng, mình là người may mắn khi trực tiếp chứng kiến giải phóng Sài Gòn. Nhờ đó, mà ông lưu giữ được những khoảnh khắc ý nghĩa. Mặc dù không chụp được bức ảnh treo cờ trên nóc Dinh Độc Lập, song ông đã chớp được khoảnh khắc các chiến sỹ Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất. Cho đến tận ngày nay, đây vẫn là bức ảnh duy nhất ghi lại thời khắc quan trọng ấy. Đó cũng chính là tác phẩm ghi đậm dấu ấn trong phóng sự “Giải phóng Sài Gòn” của ông

Các hiệu may trong Thành phố Đà Nẵng đưa máy khâu ra hè phố may cờ cách mạng cho nhân dân treo trong ngày giải phóng, từ chối nhận tiền công

Bận rộn ngày đêm với hàng trăm các loại giấy tờ cần chuyển đến, chuyển đi cho các đơn vị, các nữ chiến sĩ giao liên của Quân khu V quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong những ngày trước và sau giải phóng Đà Nẵng

Sáng 29/3 từ hướng Bắc, xe tăng và bộ binh của Quân đoàn II tiến thẳng vào giải phóng Thành phố Đà Nẵng

Sư đoàn 304 đã trao lá cờ truyền thống cho Trung đoàn 66 anh hùng thuộc Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn II để cắm trên nóc Dinh Độc lập

Nhân dân Sài Gòn tập trung tại cổng Dinh Độc lập đón bộ đội vào giải phóng thành phố

Xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc lập cùng xe tăng 843 do Trung uý Bùi Quang Thận (người cắm cờ trên nóc Dinh Độc lập) tiến vào án ngữ ngay trước thềm Dinh Độc Lập

Ngày 2/5/1975, Đại tướng Văn Tiến Dũng - Tư lệnh Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh tổ chức Họp báo quốc tế tại Dinh Độc lập, giới thiệu toàn bộ diễn biến cuộc Tổng công kích giải phóng Sài Gòn

Các chiến sĩ biệt động Sài Gòn hoạt động trong giới học sinh, sinh viên bị địch bắt đầy ra Côn Đảo đã cùng các chiến sĩ cách mạng phá các trại giam, trở về Sài Gòn ngay trong ngày 2/5/1975

Nguyễn Hằng

 


Ý kiến của bạn