Giải phóng Aleppo: Sẽ ổn định tình hình Syria năm 2017?

25-12-2016 15:36 | Quốc tế

SKĐS - Cuối tuần qua, chính phủ Syria đã giải phóng hoàn toàn thành phố chiến lược Aleppo. Đây được xem là bước ngoặt lớn, có thể làm thay đổi cục diện trên chiến trường Syria.

Cuối tuần qua, Chính phủ Syria đa giải phóng hoàn toàn thành phố chiến lược Aleppo. Đây được xem là bước ngoặt lớn, có thể làm thay đổi cục diện trên chiến trường Syria. Tuy nhiên, sẽ là quá lạc quan nếu cho rằng hòa bình Syria đa ở trong tầm tay, bởi còn có quá nhiều thách thức đặt ra đối với Syria năm 2017.

Tại nhà thờ nổi tiếng Saint Elias, Aleppo, Syria, lần đầu tiên sau 6 năm nội chiến, nhiều hoạt động đón mừng Giáng sinh đã được tổ chức sau khi các lực lượng Chính phủ nước này giành được quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố. Phần mái của nhà thờ nổi tiếng này đã bị sập trong các cuộc giao tranh hồi năm ngoái, song đã được tu sửa để chuẩn bị cho nghi lễ tôn giáo trang trọng. Giáo hội Công giáo tại Aleppo lần đầu tiên tổ chức nghi lễ mừng Giáng sinh trong 6 năm qua tại nhà thờ “Hôm nay, tôi là người hạnh phúc nhất trên thế giới và đây là ngày vui nhất của tôi khi chiến tranh kết thúc”.

Nhà thời Saint Elias, Aleppo

Nhà thời Saint Elias, Aleppo, Syria lần đầu tiên mở cửa đón Giáng sinh sau 6 năm nội chiến

Đó là chia sẻ của những người dân Aleppo sau giải phóng và đó cũng là niềm vui và hy vọng đối với Chính phủ Syria với mong muốn chấm dứt hoàn toàn cuộc nội chiến vào năm 2017. Việc Chính phủ Syria giành lại quyền kiểm soát Aleppo là một bước ngoặt quan trọng đối với cuộc nội chiến Syria, có thể dẫn đến những tác động chính trị vô cùng to lớn tại quốc gia này. Đây có thể được coi là một chiến thắng quan trọng đối với Tổng thống Bashar al- Assad và cũng là một đòn chí mạng giáng vào lực lượng đối lập Syria.

Bài toán lợi ích vẫn còn

Thế nhưng, mọi chuyện có lẽ không dễ dàng. Chưa ai dám chắc chính quyền Syria sẽ duy trì thắng lợi ở Aleppo một cách lâu dài, ngay cả khi Nga và Iran đều hậu thuẫn cho chính quyền Syria. Chỉ 1 ngày sau khi rút hết khỏi Alepppo, lực lượng nổi dậy Syria đã thực hiện nhiều cuộc không kích vào huyện al-Hamdaniya khiến ít nhất 6 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em. Trong khi đó, phe nổi dậy vẫn đang kiểm soát một số địa phương quan trọng khác ở Syria, do đó, việc giải phóng Aleppo chưa phải là bước đi hoàn tất cuối cùng. Việc căng sức chiến đấu và bảo vệ nhiều mặt trận khác nhau là điều không dễ dàng đối với chính quyền Syria khi các lực lượng trung thành với Chính phủ đã để mất thành cổ Panmyra vào tay lực lượng khủng bố Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Một điểm nữa phải tính đến đó là những toan tính lợi ích của các bên. Không phải ngẫu nhiên mà Nga đã đổ tiền đổ của để hậu thuẫn cho Chính phủ Syria trong 6 năm qua. Bản chất sâu xa của câu chuyện là việc Nga muốn dẫn dắt cuộc chơi tại Trung Đông, giành lại ưu thế địa chính trị trước Mỹ. Nga đã vượt qua Mỹ, nắm thế chủ động trong việc dẫn dắt cuộc chơi tại Syria. Thế nhưng, mối quan hệ Nga và các đồng minh của mình đem lại kết thúc có hậu cho Syria hay không lại là điều khiến người ta nghi ngại. Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, hai nước đang bắt tay với Nga để hậu thuẫn cho Syria vẫn có những tính toán riêng. Trong trường hợp lợi ích bất đồng, chưa chắc “bộ ba” này sẽ còn hợp tác ăn ý khiến tình hình Syria sẽ không thể giải quyết dứt điểm.

Hơn nữa, Mỹ và đồng minh NATO có chịu “ngồi im” để Nga và đồng minh kiểm soát cục diện Aleppo hay không lại là một bài toán đau đầu khác. Thêm vào đó, khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng vào ngày 20/ 1/2017, rất có thể sẽ dẫn tới nhiều thay đổi trong các trục quan hệ quốc tế do ông Donald Trump được cho là người có tư tưởng mềm mỏng hơn với Nga.

Năm 2017 tới tình hình Syria sẽ ra sao? tiếp tục là một câu hỏi khó trả lời. Sau hàng loạt vụ chạm trán máy bay nguy hiểm, Nga đã triển khai các hệ thống phòng không S-400 và S-300 tại Syria. Đây được xem là một thông điệp rõ ràng của Nga gửi đến Mỹ rằng Mỹ sẽ không dễ dàng trở lại mặt trận Syria trong năm 2017.

Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng Italia Paolo Gentiloni, một nhà ngoại giao kỳ cựu đã thừa nhận những gì diễn ra ở Syria hiện nay chính là hệ quả của một chính sách ngoại giao quốc tế không thành công. Thủ tướng Gentilony cho rằng, để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria, tất cả đã thất bại khi trông đợi vào những cơ chế mới trong quan hệ giữa Nga và Mỹ. Thực tế cho thấy sau những gì diễn ra ở Aleppo, Mỹ và các đồng minh châu Âu đã đánh mất vai trò dẫn dắt hòa đàm Syria, còn Nga đang nỗ lực thiết lập quỹ đạo mới. Có thể nói, với những gì đang diễn ra, tình hình Syria năm 2017 vẫn đang rất mờ mịt.


N.Minh
Ý kiến của bạn