Cuốn tản văn mới tái bản lần hai của Nguyễn Việt Hà mang cái tên rất ngộ: Con giai phố cổ làm bạn đọc cầm sách lên đã thấy tò mò. Vẻ kiêu bạc của những gã trai phố cổ quả có một sức hút! Ngày ngày, họ “thong thả ăn, tinh tế mặc, chầm chậm sống” và làm nên một cái duyên, một cái sang riêng khó trộn lẫn! - Nhà văn Nguyễn Việt Hà đã chia sẻ về cuốn sách này.
- Chả hiểu giai phố cổ trong mắt gã nhà văn đích thực giai phố cổ này nó thế nào?
Người ta thích viết những gì gần nhất với mình. Tôi lớn lên ở phố Nhà Chung, phố toàn tòng, toàn người theo đạo. Những người Hà Nội cũ ở phố tôi chủ yếu đã chuyển đi sống nơi khác. Những người có tiền ở nơi khác chuyển về. Họ đến đây và bắt đầu suy nghĩ: “À! Mình là người phố cổ. Vậy sẽ sống thế nào để ra người phố cổ”. Suy nghĩ đó rất hướng thiện nhưng thực ra, để theo được những cái hay đã đúc kết từ nhiều đời là một điều quá khó! Cứ tự nhiên thì quí nhưng nếu có sự khiên cưỡng đã mất hay rồi. Tôi thì nghĩ bây giờ chẳng có người Hà Nội, chỉ có những người sống ở Hà Nội!
Nhà văn Nguyễn Việt Hà. |
- Vậy những điều gì được cho là phẩm chất của người phố cổ nói chung, giai phố cổ nói riêng?
Gọi là phẩm chất cũng được. Cho là thói quen cũng được. Những thói quen đọng cặn. Dù đi đâu vẫn muốn giữ nguyên. Bây giờ nghe từ phố cổ có vẻ thời thượng, chứ trước nghe cũng thường thôi. Những người sống ở phố cổ phần đông buôn bán, cũng dư dả, có tiền nên họ có cách ăn, cách đi chợ, cách cư xử với nhau rất riêng. Những thói quen thật hay đấy mà cũng vô tình đấy. Các bà già sống rất kỹ, nấu ăn rất ngon, tinh tế... Giai phố cổ thì đa phần học không cao, không quá khao khát, không quá khinh bạc. Dù quá khéo léo vẫn không thể thật lòng nói một là một, nói hai là hai. Vì “nhà giàu phú quê không bằng kéo lê thành phố”, họ chẳng cần cố học thì vẫn có nhà để ở, có tiền để tiêu, vì thế, tuy rất coi trọng tri thức nhưng họ không quá nặng về chuyện đỗ đạt thi cử. Chúa cho mỗi người một xíu. Vì thế, họ vẫn có sự đàng hoàng, tự tin riêng.
Trong cuốn tản văn của tôi, giai phố cổ là những gã đàn ông gia đình buôn bán nhưng đầu óc lãng đãng như sương mù tháng Chạp bốc lên từ bờ Hồ, nơi có tí phẩm chất giang hồ để thành ra những tay cao bồi già. Những gã trai phố cổ “nhất loạt đều mê gái sớm, thảng thốt mới có đứa lọt vào được đại học nhưng thông minh tài hoa lãng tử kiêu bạc thì không một thứ giai của vùng nào sánh nổi. Chỉ trong vài buổi cóp nhặt học truyền tay đã lập tức bập bùng ghi-ta điêu luyện tán gái. Phải xem một thằng con giai xõa tóc dài khàn khàn cầm đàn “quạt chả” hát “Đau. Từ đáy trái tim ta buồn đau... Đau...” thì mới hiểu được thế nào là sự quyến rũ”. Nói chung, như tôi đã viết ấy: “Có bọn họ, hôm nay mới có nổi dăm bảy hàng phở ngon, vài ba quán thị dân sâu lắng. Bọn họ chẳng chịu là gì, sống bạc nhược nghệ sĩ nửa mùa, rồi trả ơn Hà Nội bằng cách quyết liệt tự nuôi cho mình những thói quen của bao đời Hà Nội”...
- Nhiều người sống ở Hà Nội lâu năm nhưng lọt vào phố cổ vẫn lạc lối như thường.
Nhưng họ vẫn vào. Ngắm phố. Ngắm người. Ngắm hàng. Ngắm đủ thứ... Đi mua sắm, người ta thích vào phố cổ. Mặt hàng phong phú. Người bán hàng sành sỏi, cộng với cái tinh tế trong văn hóa bán hàng. Người bán hàng cũng có gu thẩm mỹ tốt, giúp mình chọn hàng chuẩn hơn. Vì họ quen nhìn cái đẹp, đương nhiên sẽ khôn mắt.
Tôi thì tôi thích những con phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... với những căn biệt thự cổ. Những nét rất Pháp và những nét rất Hà Nội trộn lẫn vào nhau tạo nên những vẻ đẹp khiến cả người Việt và người Pháp đến đây đều thích thú!
- Ẩm thực ở phố cổ cũng tuyệt vời!
Đúng vậy! Rất nhiều hàng ngon. Đặc biệt là mì. Tuy nhiên, đã nói tới mì thì bắt buộc phải kể tới mì vằn thắn, những hàng mì vằn thắn ngon nhất ở Hà Nội đều xuất xứ hoặc chí ít có dính dáng xa xôi tới người Tàu. Nhiều ẩm thực gia người Việt khôn mồm sau khi cẩn thận khảo cứu thì cho rằng món thượng thặng này là thăng hoa sáng tạo của Đường Minh Hoàng (713-756). Ông ta khét tiếng tinh tế ham chơi, có cô vợ Dương Ngọc Hoàn vừa xinh vừa sành ăn. Một lần, Đường Minh Hoàng nằm mơ thấy mình nuốt mây (tiếng Hán kêu là vân thôn, đọc trại là vằn thắn) thì hốt hoảng thèm thuồng gọi đầu bếp phải làm cho mình một món ăn giống hệt vậy. Viên vằn thắn là thịt lợn băm nhuyễn có bí mật tẩm ướp gia vị rồi nhồi vào bột mì cán mỏng khéo léo nặn bay bướm hình mây. Nôm na đơn giản thì nói vậy, nhưng khi những viên vằn thắn trắng ngà đặt giữa bát mì chan nước dùng thanh thoát mùi tôm có thêm ngầy ngậy miếng gan, miếng trứng thái vát và đặc biệt đậm đà những lát thịt xá xíu thì lại là món ngon không bàn phím nào tả xiết. Ngày xưa thì ngon vậy đấy. Bây giờ, món ấy cũng bị pha phách nhiều rồi. Nhưng những hàng ở phố cổ chính hiệu đã bán hàng ăn gì chỉ chuyên một món. Đã mì vằn thắn thì chỉ mì vằn thắn. Đã phở bò là chỉ có bò thôi, không lẫn gà vào nữa. Những hàng ăn ở Hà Nội bây giờ cứ loay hoay mỗi thứ một tí.
Mang nguyên cách nhìn đời sống thẳng thắn, tinh vi, quyết liệt đã đem đến thành công cho nhà văn qua Cơ hội của Chúa, cuốn sách hay viết về thời bao cấp ở Việt Nam vào tản văn. Những trang tản văn của Nguyễn Việt Hà cũng đã rạch ròi, sòng phẳng, không khoan nhượng nhưng vẫn mềm mại, bay bổng và chứa đầy sự khám phá.
- Tôi vừa sang Pháp tháng 3 để dự lễ ra mắt cuốn Cơ hội của Chúa mới được dịch và xuất bản tại Pháp. Họ làm rất trân trọng! Tôi đã được sống trong không khí rất gia đình mà dịch giả Đoàn Cầm Thi, nhà văn Thuận, họa sĩ Trần Trọng Vũ... dành cho tôi. Nhưng những khi lang thang các con phố ở Paris, tôi thấy có những góc phố sao giống Hà Nội. Lại muốn viết về những điều ở phố cổ mà có đi xa khỏi nó rồi ta mới thấy...