Hà Nội

Giải pháp xóa sổ sốt rét và sốt xuất huyết

02-04-2014 06:00 | Dược
google news

SKĐS - Gần đây, Tạp chí Khoa học phổ thông (PS) của Mỹ đã đăng tải một nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia ở ĐH John Hopkin (UJH) cho thấy, hiện nay con người đang tiến gần đến mục tiêu thanh toán bệnh sốt rét bằng quy trình 4 bước “chủng ngừa” vaccin cho muỗi để chúng không còn khả năng lan truyền

Gần đây, Tạp chí Khoa học phổ thông (PS) của Mỹ đã đăng tải một nghiên cứu mới của nhóm chuyên gia ở ĐH John Hopkin (UJH) cho thấy, hiện nay con người đang tiến gần đến mục tiêu thanh toán bệnh sốt rét bằng quy trình 4 bước “chủng ngừa” vaccin cho muỗi để chúng không còn khả năng lan truyền bệnh sang cho con người nữa.

Sốt rét còn được gọi dân dã là ngã nước, chứng bệnh gây nên bởi ký sinh trùng Plasmodium, lây truyền theo đường máu nhờ trung gian mang bệnh là muỗi Anopheles. Bệnh sốt rét phổ biến ở khu vực có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc châu Mỹ, châu Á và châu Phi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm có khoảng trên 500 triệu người mắc bệnh và có tới 3 triệu người tử vong, chủ yếu ở những vùng kinh tế khó khăn như Cận Sahara, châu Phi (khoảng 90%).

Ký sinh trùng gây sốt rét.

Ký sinh trùng gây sốt rét.

Thủ phạm chính gây bệnh sốt rét là ký sinh trùng Protozoa thuộc chi Plasmodium, chi này có tới 4 loài đều có thể gây bệnh là Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium ovale và Plasmodium malariae. Hai loài đầu có mức độ nguy hiểm cao nhất, hai loài sau cũng nguy hiểm nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn. Tất cả 4 loài Plasmodium đều được chuyên môn gọi chung là ký sinh trùng sốt rét. Người mắc bệnh có đặc điểm lâm sàng như nóng rét vã mồ hôi, sốt theo chu kỳ. Thâm niên sốt càng lâu thì gan, lá lách càng to, càng cứng kèm theo thiếu máu, nhất là ở những người tái phát nhiều lần. Ngoài ra còn có thể gặp một số triệu chứng khác như niêm mạc vàng, tiếng thổi tâm thu nhẹ ở mỏm tim, da tái tím, môi thâm.

Tiêm vaccin muỗi, giải pháp xóa sổ sốt rét?

Theo chuyên gia sinh học Rhoel Dinglasan, trưởng nhóm nghiên cứu ở UJH thì bản thân muỗi không có lỗi mà thủ phạm gây bệnh chính là gia đình ký sinh trùng Plasmodium được muỗi vô tình mang theo, sau đó đưa vào cơ thể con người.

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học phát hiện ký sinh trùng Plasmodium vào thời điểm nhất định cần phải liên kết với một protein trong ruột của muỗi có tên là AnAPN1. Nếu con người phong bế được loại protein nói trên thì quá trình truyền bệnh của muỗi sẽ bị vô hiệu hóa, tuy nhiên là con vật có kích thước nhỏ nên việc can thiệp rất khó khăn.

Để khắc phục nhược điểm trên, các chuyên gia ở UJH đã nghĩ ra một giải pháp thông minh, đó là tiêm vaccin chống AnAPN1 cho người, biến cơ thể con người thành “trung tâm” trị muỗi sống gây bệnh với thời gian hiệu lực kéo dài nhiều năm. Vaccin hỗ trợ hệ miễn dịch của cơ thể con người sản xuất kháng thể tấn công lại AnAPN1. Khi muỗi đốt người đã được chủng ngừa vaccin thì nó sẽ tiếp nhận luôn cả kháng thể nói trên và phong bế được protein AnAPN1 nên dù có bị muỗi đốt cũng không còn gây bệnh nữa. Thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy, các chất kháng thể thực sự vô hại đối với muỗi. Như vậy, quy trình phòng ngừa sốt rét kiểu này có thể tóm tắt theo 4 bước chính sau: (1) Tiêm vaccin cho người, hay còn gọi là vaccin kháng lại protein AnAPN1; (2) Quy trình “sản xuất” chất kháng thể của cơ thể sau khi tiêm vaccin để chống lại AnAPN1 và lưu lại trong máu; (3) Khi muỗi đốt người đã tiêm vaccin và “ăn” các chất kháng thể, nó sẽ liên kết AnAPN1 và phong bế ký sinh trùng Plasmodium truyền bệnh sốt rét; (4) Sau khi 3 công đoạn nói trên diễn ra tốt đẹp, ký sinh trùng Plasmodium sẽ tự biến mất, không thể sống được trong ruột của muỗi, vì vậy không còn khả năng lan truyền bệnh cho con người.

Muỗi Anophen tác nhân truyền bệnh sốt rét.

Muỗi Anophen tác nhân truyền bệnh sốt rét.

Bệnh sốt xuất huyết cũng sẽ bị xóa sổ?

Phương pháp tiêm phòng vaccin ngừa sốt rét nói trên tới đây sẽ được cải tiến, nâng cấp để giúp con người phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết, giảm bớt gánh nặng bệnh tật cho những người dân ở vùng khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới tránh xa căn bệnh nguy hiểm này.

Trung tuần tháng 6/2013 vừa qua, GS. Scott O’neill, Trưởng khoa Sinh học, Đại học Monash (Australia), người được mệnh danh là cha đẻ của dự án chủng ngừa vaccin cho muỗi để ngăn chặn sự lây lan của dịch sốt xuất huyết đã đến Việt Nam và trình bày ý tưởng của ông với các nhà khoa học Việt Nam. Trong dự án này, Scott O’neill sẽ đưa vi khuẩn Wolbachia vào cơ thể muỗi Aedes aegypti, để nó đóng vai trò giống như vaccin, làm giảm khả năng lan truyền sốt xuất huyết sang cho người. Sau đó, muỗi mang khuẩn Wolbachia được nhân giống và đưa trở lại môi trường tự nhiên để chúng phát tán khuẩn Wolbachia cho đồng loại, làm cho “hậu duệ” của muỗi không còn khả năng gây lan truyền sốt xuất huyết nữa, giống như cách tiêm vaccin của Đại học Hopkin nói trên, vì vậy hy vọng trong tương lai không xa, con người sẽ đồng thời thanh toán được hai căn bệnh này.

(Theo Net/PS, 9/2013)

Nam Bắc Giang

 


Ý kiến của bạn