1. Kỳ thị là rào cản người nhiễm HIV không tiếp cận điều trị
Với những tiến bộ trong điều trị và chăm sóc phòng ngừa, tỷ lệ nhiễm HIV và các trường hợp tử vong liên quan ở nước ta nhìn chung đang giảm. Không có cách chữa khỏi, nhưng các loại thuốc điều trị được cải tiến đã giúp kéo dài tuổi thọ của người nhiễm HIV.
Khi sử dụng thuốc điều trị ARV một cách nhất quán và đúng cách có thể giảm tải lượng virus đến mức thậm chí không thể phát hiện được khi xét nghiệm máu. Những loại thuốc này giúp người bệnh khỏe mạnh và giảm nguy cơ lây truyền HIV sang người khác. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc không đúng cách hoặc dừng thuốc, lượng virus sẽ tăng trở lại và khả năng lây truyền có thể xảy ra.
Thế nhưng, nhiều người có "H" vẫn đang ngần ngại tìm kiếm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, không tiết lộ tình trạng và không dùng thuốc điều trị. Việc không sẵn sàng làm xét nghiệm có nghĩa là nhiều người được chẩn đoán muộn hơn, khi virus có thể đã tiến triển thành AIDS. Điều này làm cho việc điều trị kém hiệu quả, làm tăng khả năng lây truyền sang người khác và có thể gây tử vong sớm.
Thực tế, nhiều người bệnh phải trải qua nhiều hình thức phân biệt đối xử, không chỉ liên quan đến HIV mà còn liên quan đến giới tính, khuynh hướng tình dục, bao gồm:
- Là người đồng tính hay lưỡng tính
- Đã có nhiều bạn tình trong quá khứ
- Đã có bạn tình dương tính
- Có tiền sử tiêm chích ma túy
Những lo lắng và sợ hãi này sau đó có thể dẫn đến những hành vi khiến bản thân và những người khác gặp nguy hiểm. Những hành vi này có thể bao gồm:
- Không xét nghiệm
- Không sử dụng bao cao su
- Che giấu tình trạng nhiễm HIV với bạn tình
- Không nhận được sự chăm sóc y tế
- Không dùng thuốc theo chỉ dẫn
- Giấu vấn đề sức khỏe với gia đình
Gánh nặng này có thể làm tăng sự cô lập, lo lắng, đau khổ và trầm cảm ở những người nhiễm HIV.
2. Hành động để vượt qua sự phân biệt đối xử khi nhiễm HIV
Theo TS. Khuất Thu Hồng, chuyên gia nghiên cứu về giới tính, tình dục, sức khỏe tình dục và HIV/AIDS cho biết nguyên nhân cốt lõi nhất của sự kỳ thị là do thiếu hiểu biết. Vì thế để giảm thiểu kì thị và phân biệt đối xử trong cộng đồng, người bệnh cần tăng cường nhận thức của bản thân và những xung quanh bằng cách tìm hiểu thông tin, kiến thức thực tế về cách lây truyền và phòng ngừa HIV.
TS. Hồng cũng cho rằng, cộng đồng và người thân cần động viên hỗ trợ họ vượt lên chính mình bằng cách động viên, khích lệ họ, khuyến khích và đồng hành cùng họ. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần cởi mở hơn với những người xung quanh.
Người nhiễm HIV có thể sẽ cảm thấy căng thẳng khi nói về tình trạng của mình, nhưng có thể tâm sự với những người mình tin tưởng để nhận được sự hỗ trợ. Vì vậy, hãy chuẩn bị cho những phản ứng tiêu cực có thể xảy ra, ít nhất là lúc đầu.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, những người nhiễm HIV nhận sự hỗ trợ xã hội sẽ ít cảm thấy bị kỳ thị hơn những người bị cô lập. Vì vậy, hãy liên hệ với cơ sở y tế tại địa phương để nhận được sự hỗ trợ đồng thời tình nguyện tham gia hỗ trợ những người bị nhiễm khác, nếu đã có một mạng lưới thân thiết. Thực tế, tại mỗi địa phương đều có nhiều chương trình giúp người có HIV tự tin mạnh mẽ hơn đối mặt với phân biệt đối xử và tiếp tục đóng góp cho cộng đồng và xã hội.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Đừng kỳ thị, phân biệt với người HIV.