Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đau thắt lưng là nguyên nhân hay gặp nhất gây ốm đau và mất sức lao động ở những người dưới 45 tuổi; tỷ lệ đau thắt lưng hàng năm khoảng 5% dân số; 50% người đau thắt lưng ở trong độ tuổi lao động. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, gây ra nhiều tổn thương cho hệ thống xương khớp và cột sống.
Nguyên nhân gây đau thắt lưng
Có nhiều nguyên nhân gây nên đau vùng thắt lưng, trong đó bị yếu các cơ bảo vệ cột sống chống lại trọng lực (cơ lưng, cơ bụng, cơ vùng chậu hông) thường là nguyên nhân chủ yếu. Các cơ này duy trì và làm vững chắc tư thế thẳng của cột sống, đồng thời giúp cột sống cử động nhịp nhàng theo vận động chung của cơ thể như đi lại, chạy nhảy, nâng đồ vật, tập thể dục, thể thao... Đau vùng thắt lưng do hoạt động hàng ngày quá sức; bê, nâng vật nặng; động tác nhắc đi nhắc lại nhiều lần; ngồi hoặc đứng quá lâu; vận động không đúng tư thế.
Đau vùng thắt lưng có thể do các bệnh khớp khối u cột sống; viêm nhiễm như viêm đĩa đệm, viêm tủy xương, lao cột sống; bệnh mạch máu như phình động mạch chủ bụng, tụ máu ngoài màng cứng; bệnh về chuyển hóa như loãng xương, bệnh lý trong ổ bụng và các cơ quan nội tạng... Tuy nhiên để chẩn đoán xác định nguyên nhân đau vùng thắt lưng còn là vấn đề phức tạp, người ta cho rằng có hơn 85% đau vùng thắt lưng không có chẩn đoán xác định.
Cơn đau vùng thắt lưng.
Nhận biết triệu chứng
Triệu chứng đầu tiên của bệnh là những cơn đau xuất phát nơi thắt lưng và lan dọc theo cột sống hoặc lan xuống một hoặc cả 2 chân. Các hoạt động cúi, nghiêng, nâng vác vật nặng, ho hoặc hắt hơi để có thể khiến cơn đau tăng lên. Lưng cứng sẽ khiến người bệnh khó khăn trong cử động, cần thời gian nghỉ ngơi mới đi lại vận động được
Khi các cơn đau đã trở thành mạn tính, người bệnh sẽ bị đau âm ỉ cả ngày, buổi sáng bị cứng xương, cản trở hoạt động đi đứng thường ngày.
Lời khuyên của bác sĩ
Các phương pháp tự chăm sóc tại nhà có thể ảnh hưởng đến điều trị các cơn đau nhẹ hoặc cấp tính do căng cơ, cũng như giảm tác động của cơn đau nặng, mạn tính.
Nghỉ ngơi giai đoạn ngắn: Nhiều cơn đau thắt lưng có thể được cải thiện bằng việc tránh tạm thời các hoạt động mạnh. Không khuyến khích việc nằm nghỉ nhiều hơn vài ngày, vì không hoạt động quá lâu có thể làm việc hồi phục khó khăn hơn.
Điều chỉnh hoạt động: Sống tích cực chủ động nhưng tránh các hoạt động và tư thế làm tăng đau. Ví dụ, nếu ngồi quá lâu trong xe hơi hay tại bàn làm việc làm cơn đau tệ hơn, hãy cài đặt đồng hồ bấm giờ để đứng dậy mỗi 20 phút và đi bộ vòng quanh giãn người nhẹ nhàng. Nếu đứng làm cho đau tệ hơn, tránh làm các công việc yêu cầu đứng như rửa chén bát tại bồn rửa. Tránh, hay tối thiểu hóa các hoạt động và tư thế làm tệ hơn cơn đau sẽ giúp phòng ngừa hay giảm cơn co cứng lưng rất đau đớn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc chữa lành bệnh.
Liệu pháp nhiệt/đá: Nhiệt từ bồn tắm ấm, vòi sen, miếng dán điện, băng dán nhiệt có thể giúp thư giãn cơ căng và cải thiện dòng máu. Tăng lưu lượng máu làm tăng dinh dưỡng và ôxy cần cho cơ bắp lành bệnh. Nếu đau thắt lưng do viêm, túi chườm đá lạnh có thể được dùng để giảm sưng. Điều quan trọng là phải bảo vệ da khi chườm nóng hay lạnh để ngăn ngừa phá hủy mô. Liệu pháp nhiệt và đá đặc biệt hữu ích khi quay trở lại với hoạt động: Chườm ấm trước các hoạt động để thư giãn cơ, tạo sự dẻo dai và linh động tốt hơn, chườm lạnh sau hoạt động để giảm nguy cơ bị kích thích hay sưng từ các động tác thể dục.
Thuốc giảm đau không kê toa: Trong một số trường hợp, có thể sử dụng thuốc giảm đau, nhưng cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ và không được lạm dụng thuốc.
Cách phòng ngừa đau thắt lưng hiệu quả: phân bố thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh ngồi quá lâu hay thường xuyên cúi người; dành 30 phút mỗi ngày tập thể dục vừa sức; kiểm soát cân nặng, tránh để thừa cân, gây áp lực nên cột sống lưng; thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm bệnh.
Khi nhận thấy các dấu hiệu đau cột sống thắt lưng không rõ nguyên nhân và kéo dài, người bệnh nên đi khám ngay để được kiểm tra, chẩn đoán và có hướng điều trị thích hợp. Đối với các trường hợp đau trầm trọng lan rộng tới chân và kèm các triệu chứng tê chân, mất kiểm soát cơ thể, người bệnh cần ngay lập tức đi khám vì đây là dấu hiệu cảnh báo biến chứng nghiêm trọng của bệnh.