Giải pháp tốt trị liệt cánh tay trẻ sơ sinh

13-10-2014 07:29 | Đời sống
google news

SKĐS - Có những trẻ sơ sinh quá to, trong quá trình chuyển dạ người mẹ gặp sang chấn hoặc tai biến nên trẻ sinh ra bị liệt một bên cánh tay (liệt đám rối thần kinh cánh tay),

Có những trẻ sơ sinh quá to, trong quá trình chuyển dạ người mẹ gặp sang chấn hoặc tai biến nên trẻ sinh ra bị liệt một bên cánh tay (liệt đám rối thần kinh cánh tay), cần được điều trị kịp thời để trẻ không bị liệt cánh tay vĩnh viễn.

Tổn thương đám rối thần kinh cánh tay ở trẻ sơ sinh là một tai biến sản khoa trong lúc người mẹ chuyển dạ sinh thường. Bệnh thường xảy ra ở những trẻ quá to, bà mẹ tăng cân quá mức, giải phẫu khung chậu nhỏ hoặc bị tiểu đường trong thai kỳ... Nếu trẻ vẫn được sinh thường thì khi chui qua khung chậu của người mẹ, vai trẻ sẽ bị kẹt gây nên tổn thương cho đám rối cánh tay. Hoặc khi mẹ rặn sinh, bác sĩ hoặc nữ hộ sinh giúp sức bằng cách dùng tay kéo hoặc dùng dụng cụ hỗ trợ sinh cũng có thể làm tổn thương đám rối thần kinh, gây liệt một bên cánh tay trẻ.

Trước mổ, bé không đưa được tay lên miệng và không dạng được tay.

Nguy cơ từ những ca thai to, đẻ khó

Bé gái Vũ Phương N. (Thái Bình) 3 tháng tuổi, xinh xắn, bụ bẫm, trắng trẻo nhưng toàn bộ cánh tay trái mất vận động từ lúc lọt lòng. Chị P. mẹ cháu kể lại: N. là con đầu lòng của anh chị, lúc sinh nặng 4,1kg, do thai to lại đẻ thường nên sinh rất khó, các bác sĩ phải giúp sức kéo bé N. ra. Nhưng sau đó, chị phát hiện bên tay trái của con không thấy cử động, không có cảm giác sờ, nắm, cấu không thấy khóc. Gia đình đã đưa bé lên Hà Nội khám và điều trị phục hồi chức năng ở Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán N. bị tổn thương toàn bộ đám rối thần kinh cánh tay và được giới thiệu sang Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt - BV Việt Đức để phẫu thuật nối ghép thần kinh.

Bé Nguyễn Thị Hà T. (Hà Tây), 5 tuổi cũng bị tổn thương đám rối thần kinh khi chào đời do mẹ chuyển dạ khó, bé T. không nhấc được tay phải lên miệng và đầu mà chỉ cử động được khuỷu, bàn tay, ngón tay. Gia đình đã đưa cháu đi châm cứu và tập phục hồi chức năng nhiều nơi, tay phải đã hồi phục được phần nào nhưng động tác dạng vai, đưa tay phải lên miệng, lên đầu hay đưa ra sau lưng của bé T. vẫn không làm được. Khi bé T. được đưa đến Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt - BV Việt Đức, các bác sĩ nhận định tuổi bé đã quá muộn để có thể nối ghép thần kinh mà phải áp dụng phương pháp chuyển gân cơ: lấy cơ ở vùng vận động đưa vào để phục hồi một số chức năng cử động của cánh tay phải.

Sau mổ, bé có thể dạng tay, đưa tay lên miệng, gáy và sau lưng. Ảnh do bệnh viện cung cấp

Cơ hội phục hồi hoàn toàn nếu điều trị sớm

TS.BS. Nguyễn Hồng Hà - Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt, BV Việt Đức cho biết: Từ cột sống cổ đến cánh tay có rất nhiều dây thần kinh: dây thần kinh giữa, trụ, quay, cơ bì… chi phối vận động và cảm giác cho toàn bộ tay được xuất phát từ tập hợp các rễ thần kinh được gọi là đám rối thần kinh cánh tay. Khi sinh con, người mẹ gặp tai biến hoặc sang chấn làm tổn thương đám rối thần kinh gây liệt toàn bộ hoặc không hoàn toàn cánh tay. Với những trường hợp liệt không hoàn toàn, ở mức độ nhẹ có thể sử dụng các phương pháp châm cứu, phục hồi chức năng dần trả lại chức năng vận động của cánh tay. Ở mức độ nặng, tổn thương xảy ra ở nhiều dạng là đụng giập rễ, đứt rễ hoặc nhổ đứt toàn bộ rễ thần kinh của đám rối… gây liệt toàn bộ cánh tay. Các trường hợp này đều cần phẫu thuật sớm mới có hi vọng phục hồi chức năng cánh tay cho bé.

Theo TS.BS. Nguyễn Hồng Hà, thời gian tốt nhất để tiến hành phẫu thuật là khi trẻ 3 - 9 tháng tuổi. Nếu được phẫu thuật sớm trong thời gian này, chức năng cánh tay sẽ phục hồi được khoảng 80%, có trẻ phục hồi gần như hoàn toàn. Càng để muộn thì khả năng hồi phục sẽ kém hơn. Trường hợp xấu hơn là trẻ không được phát hiện bệnh và điều trị, cánh tay bị tổn thương đám rối thần kinh mức độ nặng sẽ bị liệt vĩnh viễn.

Thời gian phẫu thuật đã được rút ngắn 2/3

TS. Hà cho biết: Tổn thương đám rối thần kinh làm cho các cơ do các dây thần kinh chi phối sẽ bị liệt, do đó, tuỳ theo thương tổn, bác sĩ sẽ cắt bỏ những phần thần kinh bị đụng dgiập hoặc đã phát triển thành những u thần kinh, lấy dây thần kinh hiển - dây thần kinh cảm giác ở dưới cẳng chân (dây thần kinh này nếu bị lấy đi sẽ ảnh hưởng rất ít đến chức năng của chân) đưa lên để ghép vào đoạn thần kinh đã được cắt bỏ (từ cột sống cổ đến cánh tay). Trước đây, phẫu thuật viên phải dùng chỉ để khâu nối. Mỗi dây thần kinh phải khâu nối ít nhất 5 - 6 mũi, lại ghép 2 đầu, số mũi khâu tăng gấp đôi. Thời gian mổ kéo dài từ 5 - 6 tiếng trên cơ thể trẻ mới sinh được vài tháng rất nguy hiểm, nhiều nguy cơ tai biến. Hiện nay, BV Việt Đức đã sử dụng keo dán sinh học thay thế cho các mũi khâu: Sau khi để các bó sợi thần kinh ghép thẳng trục với đường đi của các dây thần kinh, phẫu thuật viên sẽ đổ keo sinh học lên trên; các đầu dây thần kinh được dính lại với nhau. Kỹ thuật này đã rút ngắn được 2/3 thời gian so với những ca mổ phải khâu nối thần kinh. Trường hợp bé Phương N. sau 1 năm mổ nối ghép thần kinh bằng keo sinh học đã gấp được khuỷu tay, cầm, nắm được đồ vật và sẽ tiếp tục được theo dõi, phục hồi trong vòng 2 - 3 năm.

Với những trẻ lớn tuổi, không còn chỉ định để nối ghép thần kinh, các bác sĩ sẽ cắt chuyển gân cơ chứ không can thiệp trực tiếp vào dây thần kinh. Cụ thể trường hợp của bé Hà T. (5 tuổi) đã được phẫu thuật chuyển gân cơ lưng to (cơ có chức năng gồng khi đu, kéo người) vào đầu xương cánh tay phải để khôi phục lại vận động của tay phải. Sau 3 tháng được phẫu thuật, hiện giờ, bé T. đã hoạt động cả 2 tay gần như đều nhau, giơ được tay phải lên đầu và đưa ra sau lưng như bình thường.

Mai Linh

 


Ý kiến của bạn