CBO đóng vai trò quan trọng hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS
Thông tin cho biết, trong nhiều năm qua, tại bất cứ quốc gia nào, các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) đều đóng vai trò quan trọng trong việc hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS, đặc biệt với các nhóm bị ảnh hưởng nhiều bởi đại dịch HIV như nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người bán dâm, người chuyển giới và người tiêm chích ma túy.
Những đóng góp trong việc giới thiệu các mô hình mới về điều trị và dự phòng HIV cũng như khả năng tiếp cận những đối tượng dễ bị tổn thương nhất đã được ghi nhận tại nhiều nước. Tuy nhiên, khả năng đóng góp của các CBOs trong việc chấm dứt đại dịch HIV hiện đang có nhiều khó khăn bởi sự phụ thuộc lớn vào nguồn tài trợ của các nhà tài trợ quốc tế để duy trì cung cấp dịch vụ...
TS. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ về các giải pháp bền vững tài chính ở Việt Nam nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Giải pháp bền vững tài chính kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam
Chia sẻ tại diễn đàn về Chiến lược tổng thể đảm bảo các giải pháp bền vững nhằm kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS tại Việt Nam, quá trình triển khai thí điểm hợp đồng xã hội tại Việt Nam và định hướng các năm tiếp theo, TS. Dương Thúy Anh, Phó Chánh Văn phòng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, chiến lược gồm hai khía cạnh:
- Huy động các nguồn lực của cả Trung ương và địa phương, chuyển đổi đầy đủ điều trị HIV sang bảo hiểm y tế.
- Huy động cả đối tác phi chính phủ tham gia ứng phó cũng như nỗ lực đảm bảo phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực này.
Theo đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS với tư cách là đơn vị chuyên trách về tất cả các lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, cung cấp hướng dẫn chính sách cấp trung ương cũng như điều phối, tiêu chuẩn hóa các gói và chi phí cũng như giám sát các nỗ lực tài trợ trong nước ở Việt Nam.
Do nguồn tài trợ của các nhà tài trợ ở Việt Nam trong thập kỷ qua đã giảm hoặc ổn định, Chính phủ Việt Nam đã tăng cường đóng góp trong nước cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Có thể thấy vai trò ngày càng tăng của bảo hiểm y tế xã hội trong việc cung cấp điều trị ARV cho những người nhiễm HIV. Khi đóng góp trong nước cho ứng phó với HIV tăng lên, thì nguồn tài trợ của các nhà tài trợ bao gồm PEPFAR, Quỹ Toàn cầu và hỗ trợ từ các tổ chức ngày càng tập trung vào các giải pháp bền vững, bao gồm sự tham gia của khu vực tư nhân và hợp đồng xã hội.
Toàn cảnh Hội thảo.
Hợp đồng xã hội (hay mua sắm các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội) là việc thông qua hợp đồng xã hội trong phòng, chống HIV/AIDS, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước để cung cấp vốn cho các đơn vị ngoài nhà nước nhằm cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.
Mô hình này hiện được khá nhiều nước trên thế giới thực hiện và Việt Nam đang thực hiện thí điểm tại 7 tỉnh/thành phố gồm: Nghệ An, Điện Biên, Hải Phòng, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang với sự hỗ trợ kinh phí từ 03 tổ chức: UNAIDS, USAID, US.CDC.
Đề án thí điểm mua sắm các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS với các tổ chức xã hội giai đoạn 2022-2024 được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt ngày 29/11/2021 với mục tiêu cụ thể là:
- Thí điểm cách thức thực hiện mua sắm một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội cung cấp theo cơ chế quản lý ngân sách nhà nước thông qua hình thức đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp;
- Đề xuất các khuyến nghị về chính sách và lộ trình cụ thể thực hiện việc sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức xã hội tại Việt Nam cung cấp.
Các gói dịch vụ thực hiện thí điểm mua sắm bao gồm:
- Cấp phát bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn cho người có hành vi nguy cơ và chuyển gửi người có nhu cầu vào điều trị Methadone;
- Xét nghiệm HIV tại cộng đồng và chuyển gửi người có phản ứng HIV đến cơ sở y tế xét nghiệm khẳng định;
- Chuyển gửi người có kết quả khẳng định HIV dương tính vào cơ sở điều trị ARV;
- Chuyển gửi người có kết quả xét nghiệm HIV âm tính và đủ điều kiện vào cơ sở điều trị PrEP.
Việt Nam đã ban hành quyết định và hướng dẫn quốc gia nhằm cung cấp hướng dẫn về triển khai các gói dịch vụ và hợp đồng; các công cụ để đánh giá mức độ sẵn sàng của cả chính phủ và các đối tác cộng đồng; khung giám sát và đánh giá quốc gia, và một bộ công cụ giúp giám sát việc thực hiện thí điểm tại cả 7 tỉnh.
Hiện nay, Việt Nam đang làm việc ở cấp quốc gia để sửa đổi luật vì luật hiện hành tại Việt Nam không có quy định pháp lý nào đối với việc chính phủ phải ký hợp đồng với các đối tác địa phương để thực hiện các biện pháp can thiệp HIV.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thách thức trong việc mở rộng mô hình trong và sau giai đoạn thí điểm ở tất cả các tỉnh. Chúng bao gồm các rào cản pháp lý đối với việc thực hiện các dịch vụ HIV của các đối tác cộng đồng với sự tài trợ của chính phủ theo luật đấu thầu hiện hành, và thời gian cần thiết để thiết lập các cơ chế và định mức chi phí.
Ở cấp địa phương, các tỉnh có nguồn kinh phí hạn chế và một số ưu tiên ngoài HIV, bao gồm ứng phó với COVID -19 và các can thiệp y tế khác. Các đối tác cộng đồng, đặc biệt là ở các tỉnh có sự hỗ trợ quốc tế hạn chế, còn thiếu các kỹ năng cơ bản về lập kế hoạch, quản lý tài chính và có thể không có tư cách pháp nhân để nhận vốn.
Ông Nguyễn Tường An, Trưởng phòng truyền thông và tiếp thị - Doanh nghiệp xã hội Glink chia sẻ tại diễn đàn về những khó khăn và các giải pháp khắc phục trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã được nghe những chia sẻ của một số doanh nghiệp Việt Nam về những thành công, những khó khăn, thách thức cùng các biện pháp để giải quyết. Các sáng kiến về các biện pháp tài chính thay thế và "kết hợp" cho các tổ chức CBOs tại các quốc gia khác nhau đã được chia sẻ và thảo luận tại diễn đàn.
Tham dự Diễn đàn, về phía Việt Nam có đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS, tổ chức UNAIDS, USAID, EpiC FHI 360, Doanh nghiệp xã hội Bầu trời xanh và Doanh nghiệp xã hội Glink.
Về phía các nước, có sự tham dự của đại diện từ các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO), chính phủ, nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ quốc tế, doanh nghiệp xã hội và khối tư nhân, những người mong muốn đóng góp chuyên môn và kinh nghiệm của mình để thúc đẩy tài chính bền vững cho CBO từ các nước Ấn Độ, Phillippines, Campuchia, Jordan, Indonesia, Lào, Myanmar, Nepal, Kyrgyzstan và nước chủ nhà Thái Lan.
Mời độc giả xem thêm video:
4 điều cha mẹ cần chú ý nếu không muốn con mắc các bệnh về tiêu hóa