1. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ da cháy nắng
Da cháy nắng xảy ra do tiếp xúc quá nhiều với bức xạ tia cực tím và vượt quá khả năng bảo vệ da của melanin. Nếu bạn có màu da sáng, bạn có thể bị cháy nắng trong vòng 15 phút sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Các yếu tố nguy cơ phát triển cháy nắng:
- Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh
- Tiếp xúc với ánh nắng từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, vì tia nắng mặt trời mạnh nhất trong thời gian này
- Khi đang uống một số loại thuốc, ví dụ doxycycline
- Mắc các vấn đề sức khỏe như bệnh lupus, có thể khiến bạn dễ bị cháy nắng hơn...
Da cháy nắng được phân thành ba loại tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương da. Các loại cháy nắng phổ biến bao gồm:
- Cháy nắng cấp độ 1: Cháy nắng ở lớp ngoài cùng của da, có thể tự lành theo thời gian.
- Cháy nắng cấp độ 2: Là tình trạng cháy nắng làm tổn thương lớp da bên trong. Cháy nắng cấp độ hai có thể gây ra mụn nước trên da và cần điều trị y tế và có thể mất vài tuần để chữa lành.
- Cháy nắng cấp độ 3: Loại tổn thương này có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho tất cả các lớp da và phá hủy các dây thần kinh. Với cấp độ này, người bệnh cần được chăm sóc và điều trị y tế khẩn cấp.
2. Một số thảo dược tác dụng tốt với da cháy nắng
2.1 Nha đam
Nha đam là một thành phần tự nhiên, có tác dụng với nhiều tình trạng da. Bạn có thể sử dụng nha đam để làm dịu vết da cháy nắng, giúp loại bỏ ngứa và chữa lành vết phồng rộp. Sử dụng nha đam cũng mang lại cảm giác nhẹ nhàng cho da, nhờ vitamin C và vitamin B có trong nha đam.
Bạn có thể sử dụng nha đam tươi hoặc dưới dạng gel bôi trực tiếp lên vùng da cháy nắng để hỗ trợ chữa lành.
Sử dụng nha đam tươi hoặc dạng gel bôi lên vùng da cháy nắng.
2.2 Trà đen
Hầu hết trong căn bếp của mọi nhà đều có trà và bạn có thể sử dụng trà như một biện pháp khắc phục tại nhà phổ biến được sử dụng để làm dịu vết da cháy nắng.
Bạn có thể đắp trà đen đã nguội trực tiếp lên vùng da bị cháy nắng. Một số hợp chất có trong trà đen giúp loại bỏ nhiệt từ vùng da bị cháy nắng và có thể giúp sửa chữa tổn thương da và ngăn ngừa ung thư.
2.3 Trà xanh
Trà xanh có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa tốt, giúp giải quyết các phản ứng bất lợi trên da, như cháy nắng sau khi tiếp xúc với tia cực tím.
Trà xanh cũng có thể giúp giảm đỏ da và tổn thương da. Có thể thoa trà xanh lên vùng da bị cháy nắng để làm giảm tổn thương da.
2.4 Dầu cây trà
Dầu cây trà có thể giúp kiểm soát cháy nắng bằng cách cải thiện lưu lượng máu đến các mạch máu của da, mang lại các chất dinh dưỡng thiết yếu cho vùng da bị tổn thương.
Để sử dụng dầu cây trà, hãy pha loãng với một số loại dầu vận chuyển như dầu dừa, dầu hạnh nhân hoặc dầu ô liu. Tránh sử dụng tinh dầu tràm trà nguyên chất trực tiếp lên vùng da bị ảnh hưởng.
Sử dụng dầu cây trà kết hợp với dầu nền bôi vào tổn thương da do cháy nắng làm dịu triệu chứng.
3. Một số biện pháp khác giảm đau rát do cháy nắng
3.1. Giữ nước
Bạn cần uống nhiều nước hơn để giữ nước khi đối phó với cháy nắng. Các vết bỏng nắng hút nước từ cơ thể lên bề mặt da, khiến người đó bị mất nước. Uống nhiều nước có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước do cháy nắng.
3.2. Sử dụng kem dưỡng ẩm
Bạn có thể thoa một loại kem dưỡng ẩm tốt lên vùng da bị ảnh hưởng, nếu da bạn không quá đau khi chạm vào. Sử dụng kem dưỡng ẩm có chứa lô hội hoặc đậu nành có thể giúp làm dịu làn da bị cháy nắng. Kem dưỡng ẩm sẽ giúp tăng cường độ ẩm cho da.
Tránh sử dụng bơ trên vùng da cháy nắng. Nếu bạn sử dụng bơ hoặc bất kỳ sản phẩm gốc dầu nào khác trên vùng da bị ảnh hưởng có thể làm bít lỗ chân lông trên da và có thể dẫn đến nhiễm trùng.
Sử dụng kem dưỡng ẩm làm dịu cảm giác đau rát do cháy nắng.
3.3. Tắm thường xuyên
Bạn có thể thử tắm nước mát hoặc tắm vòi hoa sen thường xuyên để giúp giảm bớt cơn đau. Lau khô người sau khi tắm xong nhưng không khô quá. Thoa kem dưỡng ẩm tốt ngay sau khi tắm sẽ giúp da giữ được độ ẩm cao hơn.
3.4. Mặc quần áo rộng rãi
Bạn cần bảo vệ vùng da bị cháy nắng trước khi nó lành lại. Chẳng hạn, trước khi ra ngoài, hãy mặc quần áo cotton rộng rãi để che phủ làn da, tránh ánh nắng mặt trời.
Không có cách chữa cháy nắng tức thời. Thời gian chữa lành vết cháy nắng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương da, có thể mất một vài ngày đến một vài tuần. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn ngừa cháy nắng bằng cách:
- Sử dụng kem chống nắng phổ rộng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 30 trở lên. Thoa đủ kem chống nắng để che phủ hoàn toàn vùng da hở. Thoa lại kem chống nắng sau mỗi hai giờ.
- Thoa son dưỡng môi có khả năng chống nắng.
- Đeo kính râm cung cấp khả năng chống tia cực tím.
- Ở trong nhà khi bức xạ mặt trời mạnh nhất, từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
- Đội mũ có vành.
- Mặc quần áo bảo hộ có màu sáng...
Mời bạn xem tiếp video:
6 lợi - 3 hại nhất định phải biết khi sử dụng mật ong - SKĐS