Giải pháp quyết liệt chống “cò” bệnh viện

06-07-2012 21:48 | Thời sự
google news

Các bệnh viện đề ra những giải pháp nào để chống tình trạng “cò” bệnh viện thì ngay lập tức “cò” cũng có cách để đối phó. Có thể nói hoạt động của “cò” bệnh viện rất tinh vi, phức tạp.

(SKDS) -  Các bệnh viện đề ra những giải pháp nào để chống tình trạng “cò” bệnh viện thì ngay lập tức “cò” cũng có cách để đối phó. Có thể nói hoạt động của “cò” bệnh viện rất tinh vi, phức tạp. Để ngăn chặn tận gốc tình trạng này, cần sự nỗ lực của nhiều phía từ bệnh viện đến cơ quan công an và quan trọng nhất là người bệnh, người nhà bệnh nhân… Đó là những tâm sự rất thẳng thắn của lãnh đạo các bệnh viện tuyến TW tại cuộc họp tìm giải pháp chống “cò” bệnh viện do Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 6/7.

Muôn hình vạn trạng “cò” BV

Với trung bình một ngày khám cho khoảng 1.600 lượt bệnh nhân, thậm chí có ngày cao điểm còn lên đến 2.000 bệnh nhân, do đó, cùng với tình trạng đông bệnh nhân thì tình trạng “cò” ở BV K cũng khá sôi động, phức tạp. Theo TS. Bùi Công Toàn - PGĐ BV, có cả “cò” vào (làm các thủ tục vào viện, thường hướng đến đối tượng là người bệnh nghèo, ở tỉnh xa về), “cò” ra (đối tượng là những bệnh nhân có điều kiện để đưa ra khám, điều trị ở phòng khám tư).
 
 Xử lý tình trạng "cò" bệnh viện phải có những giải pháp quyết liệt. Ảnh: Trần Minh
Ngay trước cổng BV K thường xuyên có 5 - 7 “cò” hoạt động, không chỉ thế, nhiều “cò” còn ngang nhiên vào tận sân BV để dụ dỗ, lôi kéo người bệnh. Đã có không ít lần xảy ra tình trạng “cò” sẵn sàng va chạm với bảo vệ của BV khi bị bảo vệ phát hiện “cò” đóng giả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để lấy số khám rồi bán lại cho người bệnh kiếm lời, gây ra tình trạng mất an toàn trong BV.

TS. Nguyễn Xuân Hiệp - PGĐ BV Mắt TW cho hay, tình trạng “cò” vào BV sớm xếp hàng lấy số khám bệnh rồi bán lại cho bệnh nhân đã không còn tồn tại ở BV Mắt TW vì lực lượng bảo vệ đã quá quen mặt các đối tượng này và không cho vào khuôn viên BV sớm. Tuy nhiên, có 3 dạng “cò” tồn tại ở BV Mắt TW như “cò” bán sổ khám bệnh, “cò” đưa bệnh nhân đi làm xét nghiệm, khám nhanh, mổ nhanh và “cò” đưa bệnh nhân từ BV Mắt TW ra các BV tư khám chữa bệnh.

Người bệnh không nên cả tin

Cùng với việc tăng cường bàn khám, khám sớm và muộn hơn giờ làm việc, phát số khám điện tử, lắp đặt camera ở những địa điểm nhạy cảm như phòng khám, bộ phận thanh toán thủ tục ra viện, có biển chỉ dẫn rõ ràng các khoa phòng, bộ phận..., các BV đã tăng cường ký kết với cơ quan công an sở tại, lực lượng vệ sĩ để đảm bảo an ninh trật tự trong viện…và tăng cường tuyên truyền, giáo dục cán bộ thực hiện nghiêm quy định về y đức, KCB, đồng thời rất kiên quyết trong việc xử lý cán bộ nếu phát hiện có liên quan đến “cò” BV.
 
Tại BV K, TS. Bùi Công Toàn cho biết, để hạn chế tình trạng “cò”, trước cổng BV cũng như trong khuôn viên của BV, đặc biệt là khu phòng khám, BV đã treo nhiều biển “Hãy cảnh giác với cò mồi dẫn dắt KCB. Hãy làm theo hướng dẫn của BV”, rồi truyền thanh hướng dẫn người dân đến KCB qua hệ thống loa công cộng. Ngoài ra, BV đã tăng cường 2 cán bộ bảo vệ chuyên trách tại khu vực phòng khám, đồng thời cử hẳn một cán bộ chuyên làm công tác theo dõi “cò” và chuyển thông tin về cho lãnh đạo phòng khám, lãnh đạo BV để kịp thời xử lý.

Tại BV Việt Đức, nơi trước đây hay xảy ra tình trạng “cò” xe cứu thương, để hạn chế tình trạng này, lãnh đạo BV đã yêu cầu bộ phận làm công tác quản lý xe cứu thương công khai số điện thoại để người dân liên hệ khi cần. Do đó, tình trạng “cò” xe cứu thương ở BV trong thời gian gần đây đã không còn. Bên cạnh đó, lãnh đạo BV đã ra quyết định nếu cán bộ nào của BV liên quan đến “cò” sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

Tại BV Phụ sản TW, TS. Vũ Bá Quyết - PGĐ BV đã yêu cầu tất cả cán bộ không liên quan đến khoa đẻ không được vào khu vực điểm nóng này. Ngoài ra, nếu phát hiện cán bộ y tế nào có biểu hiện giúp đỡ bệnh nhân khám sớm, khám chen ngang, giới thiệu bệnh nhân đến khám chỗ khác sẽ bị nghỉ khám 6 tháng, nếu giới thiệu bệnh nhân đến mổ ở chỗ khác sẽ bị nghỉ mổ 6 tháng.

Cùng với thực tế của công tác chống “cò” BV khá gian nan, vất vả, lãnh đạo các BV cũng đã không ít lần chứng kiến các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân phải rơi vào cảnh bị lừa đảo khiến tiền mất mà bệnh vẫn chả được khám. Do đó, tại cuộc họp cả 6 ý kiến phát biểu của đại diện 6 BV đều khuyến cáo bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đi khám bệnh cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn, chỉ dẫn của BV, không cả tin vào những lời dụ dỗ, lôi kéo của các đối tượng “cò” để tránh xảy ra những thiệt hại đáng tiếc.

 Ông Nguyễn Xuân Hiệp - PGĐ BV Mắt TW đang phát biểu tại hội nghị.Ảnh: P.N

Mở rộng khu vực khám, hướng dẫn người bệnh rõ ràng

 

Với vai trò là cơ quan quản lý về lĩnh vực KCB, ThS. Phạm Đức Mục - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng, “cò” BV là tình trạng diễn ra khá phổ biến trong các cơ sở KCB. Để hạn chế tình trạng này, Bộ Y tế đã thường xuyên yêu cầu các cơ sở KCB tăng cường giáo dục, nhắc nhở cán bộ viên chức thực hiện y đức, đặc biệt chú trọng khu vực khám bệnh.
 
Bên cạnh đó, các BV đẩy mạnh động viên các cán bộ công nhân viên bệnh viện có tinh thần trách nhiệm trong việc giữ gìn an ninh, trật tự, chống “cò mồi” người bệnh. Để giải quyết vấn nạn “cò” và giúp người bệnh được KCB thuận tiện hơn, Bộ Y tế cũng lưu ý, đối với khu vực khám bệnh của các chuyên khoa, các BV quá tải, có thể thực hiện mở rộng khu vực chờ khám, đón tiếp phù hợp, hướng dẫn người bệnh rõ ràng nhằm đảm bảo tốt nhất cho người dân đến KCB nhanh chóng, thuận lợi.

Cùng với các giải pháp này, ThS. Mục cho biết thêm, Bộ Y tế đang đẩy mạnh đề án BV vệ tinh, mở rộng các cơ sở 2 - 3 của các BV chuyên khoa, BV tuyến TW, tiếp tục thực hiện Đề án 1816… để nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới, giúp người dân được KCB ngay tại tuyến cơ sở. Việc này không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn giúp cơ sở KCB giảm quá tải, theo đó “cò” cũng hết đất để hoạt động.  

Ông Nguyễn Viết Chức - Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự - CATP. Hà Nội: Công khai thông báo thủ đoạn tội phạm để nhân dân nêu cao cảnh giác

Các BV mà tội phạm thường lợi dụng để hoạt động tội phạm như BV K, BV Bạch Mai, BV Việt Đức, BV Phụ sản TW, BV Nhi TW, BV Mắt TW, BV TW Quân đội 108, BV Xanh Pôn, BV Thanh Nhàn…

6 tháng đầu năm 2012, Cơ quan công an TP. Hà Nội đã điều tra, khám phá 31 vụ phạm pháp hình sự tại các BV, truy tố 25 đối tượng, xử lý hành chính 10 đối tượng, chuyển đi chăm sóc giáo dục 1 đối tượng. Qua đợt 3 kiểm tra hành chính hiện tượng “cò” mồi BV, cơ quan CATP. Hà Nội đã chuyển công an phường xử lý 10 đối tượng gây mất trật tự công cộng BV. Năm 2011, CATP. Hà Nội đã khám phá điều tra 64 vụ phạm pháp hình sự tại các BV, bắt 73 đối tượng vi phạm.

Theo ông Chức, đa số các đối tượng trộm cắp, gây mất trật tự công cộng trong BV đều là những đối tượng sống lang thang, có tiền án, tiền sự, thường đóng giả bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người bệnh. Do đó, khi đi khám bệnh, người bệnh cần tuân thủ quy định và làm theo hướng dẫn của BV, không nên tin tưởng vào những đối tượng cò mồi.

Thái Bình


Ý kiến của bạn