Bệnh lây lan theo đường máu do muỗi Anopheles truyền. Có 5 loài ký sinh trùng sốt rét (KSTSR) gây bệnh cho người là: Plasmodium falciparum, Plasmodium vivax, Plasmodium malariae, Plasmodium ovale và Plasmodium knowlesivới chu kỳ phức tạp vừa ở muỗi vừa ở người và có nhiều thể (tư dưỡng, phân liệt, giao bào) và có nhiều giai đoạn (giai đoạn tiền hồng cầu, giai đoạn trong hồng cầu) nên việc điều trị gặp không ít khó khăn vì cùng lúc phải điều trị cắt cơn sốt, chống tái phát và chống lây lan.
Nhân dân xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh, Quảng Trị) hưởng ứng chiến dịch tẩm màn phòng chống sốt rét.
Báo cáo sốt rét năm 2017 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết: Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc, đặc biệt là Plasmodium falciparum kháng ACTs xuất hiện và lan rộng tại các nước tiểu vùng sông Mekông như Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam, đặc biệt là vùng biên giới Thái Lan - Campuchia.
Tại Việt Nam, theo Dự án Phòng chống sốt rét quốc gia cho biết, trong quá trình phòng chống sốt rét ở Việt Nam, P.falciparum đã dần kháng với hầu hết các loại thuốc sốt rét thông dụng với mức độ tùy theo loại thuốc và địa bàn.
Từ năm 1980 trở lại đây hiện tượng P.falciparum kháng thuốc chloroquin lan khắp cả nước, đặc biệt ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Với Artemisinin và dẫn xuất tại một số điểm nghiên cứu gần đây cho thấy dihydroartemisin - piperaquine vẫn cho tỷ lệ khỏi bệnh cao (>90%) với chủng P.falciparum nhưng tỷ lệ còn ký sinh trùng vào ngày D3 khá cao (Gia Lai 22,8%; Quảng Nam 30%; Bình Phước 50%; Đăk Nông 29,2%; Ninh Thuận 10,9%; Khánh Hòa 17,4%).
Trong 5 năm qua, tỷ lệ người bệnh có ký sinh trùng dương tính ở ngày thứ 3 (D3) sau điều trị tăng liên tục tại các tỉnh có sốt rét kháng thuốc và tỉnh Bình Phước là nơi có tình hình sốt rét kháng thuốc nghiêm trọng nhất với tỷ lệ D3 ( ) tăng từ 38% lên 57%, tỷ lệ thất bại điều trị tăng từ 0% năm 2012 lên 7% vào năm 2014, 26% vào năm 2015 và 46,3% vào năm 2016. Tại Quảng Trị qua theo dõi tình hình sốt rét nhiều năm cho thấy tỷ lệ chủng ký sinh trùng sốt rét P.falciparum vẫn chiếm ưu thế (80-85%) và năm 2017 cũng ghi nhận có 5 ca ký sinh trùng P.falciparum dương tính vào ngày D3 sau khi điều trị tại huyện Hướng Hóa. Một trong những nguyên nhân gây kháng thuốc là tình trạng dân di biến động dân số lớn giữa các nước, các tỉnh trong khu vực có kháng thuốc, bệnh nhân không tuân thủ liệu trình điều trị.
Tại Quảng Trị, để đánh giá mức độ ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc thì bên cạnh các tổ chức quốc tế tài trợ nghiên cứu tình hình kháng thuốc và thử nghiệm một số loại thuốc sốt rét mới tại Hướng Hóa - một điểm nóng về sốt rét trước đây; hiện nay dự án Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc artemisinine 2018-2020 (RAI2E) đã bố trí một nguồn kinh phí hơn 500 triệu đồng thiết lập tại xã Xy, huyện Hướng Hóa một điểm theo dõi kháng thuốc cả P.falciparum và P.vivax.
Bên cạnh đó, cán bộ y tế các tuyến cần thực hiện một số khuyến cáo sau: Tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng chống sốt rét và tuyên truyền về hiệu quả uống thuốc sốt rét đúng, đủ liều khi bị nhiễm bệnh sốt rét cho người dân và khi có sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Chuẩn bị đầy đủ thuốc và các trang thiết bị vật tư xét nghiệm phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị sốt rét các tuyến. Chuyển tuyến trên an toàn, kịp thời đối với những trường hợp diễn biến nặng.
Từ nay đến năm 2030 - mốc loại trừ sốt rét đã được vạch ra, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạ thấp số ca mắc sốt rét dưới 1/1.000 dân sống trong vùng sốt rét lưu hành và không có ca nhiễm tại chỗ, ngăn chặn tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc đòi hỏi một sự đầu tư và cam kết bền vững của các cấp chính quyền, sự tham gia tích cực và chủ động của người dân thì việc loại trừ sốt rét ra khỏi Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng mới thành hiện thực.