Giải pháp phát triển lâu dài, bền vững cho thực phẩm chức năng

25-02-2025 13:00 | Dược

SKĐS - Mặc dù tuổi đời còn non trẻ nhưng lĩnh vực thực phẩm chức năng ở Việt Nam ngày càng cho thấy nhiều tiềm năng lớn và khát vọng vươn mình mạnh mẽ cả trong nước và trên thị trường thế giới. Vậy làm thế nào để phát triển lĩnh vực này một cách vững mạnh, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp nâng cao sức khỏe nhân dân.

Giải pháp phát triển lâu dài, bền vững cho thực phẩm chức năng- Ảnh 1.

TS. Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế

Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Trần Việt Nga - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa TS. Trần Việt Nga, trong những năm qua, thực phẩm chức năng ở Việt Nam đã có những bước phát triển "thần tốc" về số lượng. TS có thể nói rõ hơn về sự phát triển này và có đánh giá thế nào về tiềm năng to lớn của thị trường thực phẩm chức năng hiện nay?

TS. Trần Việt Nga: Thực phẩm chức năng (TPCN) được đưa vào Việt Nam từ năm 2000, lúc đó một số công ty chủ yếu kinh doanh, nhập khẩu với tên gọi là thực phẩm thuốc (13 công ty với 63 sản phẩm) và sản phẩm này nhanh chóng phát triển sôi động tại thị trường Việt Nam. Đến năm 2015, Việt Nam đã có hơn 3.000 cơ sở sản xuất và kinh doanh nhóm TPCN, bao gồm cả:

Tỷ lệ sản phẩm sản xuất trong nước chiếm hơn 60%, nhập khẩu hơn 30%. Số người sử dụng TPCN hiện nay tại TP. Hà Nội là khoảng 63% người trưởng thành, tại TP. Hồ Chí Minh là khoảng 43% người trưởng thành (Theo khảo sát của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam năm 2015). Từ năm 2022 đến nay, thực phẩm chức năng được công bố với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hằng năm ước khoảng 10.000 sản phẩm, trong đó sản phẩm sản xuất trong nước chiếm khoảng 80%, nhập khẩu khoảng 20%. Từ những con số trên, cho thấy nhu cầu và sự phát triển nhanh chóng của thị trường TPCN.

Theo quy định của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, từ ngày 01/07/2019 các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe trong nước và nhập khẩu phải được sản xuất tại cơ sở được chứng nhận Thực hành sản xuất tốt sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe (GMP). Theo đó, yêu cầu về điều kiện sản xuất đối với thực phẩm bảo vệ sức khỏe được thắt chặt, nâng cao, hội nhập với quốc tế, từng bước nâng cao chất lượng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe.

Thực hiện quy định này, cho đến nay cả nước có hơn 200 cơ sở sản xuất đạt chứng nhận GMP sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Việt Nam có núi, có rừng, có biển, có hệ sinh vật đa dạng là nguồn nguyên liệu tốt cho sản xuất thực phẩm chức năng, không chỉ để tiêu thụ trong nước mà tiềm năng xuất khẩu ra nước ngoài cũng rất lớn. Thực phẩm chức năng của Việt Nam đã xuất khẩu đến gần 30 nước trên thế giới.

PV: Để phát huy tiềm năng to lớn này cũng như chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới, theo TS. thực phẩm chức năng phải đạt được những tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể nào?

TS. Trần Việt Nga: Hiện nay, hệ thống pháp luật quản lý thực TPCN ở nước ta tương đối đầy đủ và đồng bộ với các nước trong khu vực và quốc tế. Theo đánh giá độc lập của Ngân hàng Thế giới năm 2017: Hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam đã tiếp cận với phương thức quản lý tiên tiến của Thế giới. Đặc biệt là sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2017/QH14 về đẩy mạnh thực hiện chính sách pháp luật về an toàn thực phẩm, hệ thống pháp luật phục vụ công tác quản lý an toàn thực phẩm tiếp tục được xây dựng hoàn thiện trên nguyên tắc quản lý an toàn thực phẩm dựa trên quản lý nguy cơ, tăng cường hậu kiểm.

Thực phẩm chức năng tại Việt Nam được quản lý bởi Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15/2018/ NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Trong đó, thực phẩm chức năng được quy định bao gồm 04 nhóm, bao gồm:

- Thực phẩm bổ sung.

- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

- Thực phẩm dinh dưỡng y học.

- Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

tpcn

Thực phẩm chức năng có sự phát triển "thần tốc" về số lượng kể từ khi được đưa vào Việt Nam.

Riêng đối với thực phẩm chức năng, Bộ Y tế cũng đã ban hành:

- Thông tư số 43/2014/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế quy định về quản lý thực phẩm chức năng.

- Thông tư số 18/2019/TT-BYT ngày 17/7/2019 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hành sản xuất tốt trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

- Thông tư số 29/2020/TT-BYT ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 18/2019/TT-BYT ngày 17/07/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn Thực hành sản xuất tốt (GMP) trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

- Thông tư số 10/2021/TT-BYT ngày 30/6/2021 của Bộ Y tế quy định Danh mục chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

- Thông tư 17/2023/TT-BYT ngày 25/09/2023 của Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 11-1:2012/BYT về sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ đến 12 tháng tuổi.

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 11-2:2012/BYT về sản phẩm dinh dưỡng mục đích y tế cho trẻ đến 12 tháng tuổi.

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 11-3:2012/BYT về sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi do Bộ Y tế ban hành.

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 20-1:2024/BYT đối với giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

thục phẩm dinh dưỡng y học

Thực phẩm dinh dưỡng y học chỉ được sử dụng dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

Tùy theo nhóm thực phẩm, các TPCN phải đáp ứng các văn bản nêu trên để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Nhằm đảm bảo thực thi các văn bản trên, Chính phủ đã ban hành các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/09/2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm đã quy định hành vi cụ thể, rõ ràng, phạt nhiều hành vi đối với 01 cơ sở vi phạm, mức xử phạt tăng ở tất cả các hành vi, mức phạt tiền tối đa đến 07 lần giá trị hàng hóa vi phạm; quy định nhiều hành vi bị xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép, buộc tiêu hủy, thu hồi thực phẩm v.v…).

Như vậy, các văn bản này đã quy định đầy đủ các nội dung quản lý thực phẩm chức năng. Theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng trước khi được lưu thông trên thị trường phải tiến hành công bố sản phẩm, cụ thể:

- Nhóm thực phẩm bổ sung được thực hiện tự công bố sản phẩm tại cơ quan y tế được chỉ định tại địa phương (nơi doanh nghiệp thường trú trên địa bàn) và ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó.

- Nhóm thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi phải thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương.

- Riêng nhóm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký bản công bố sản phẩm với Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế trước khi lưu hành sản phẩm ở Việt Nam.

thuc pham bao ve su khoe

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe được sử dụng ngày càng nhiều để ngăn ngừa bệnh tật.

PV: Khi đáp ứng được những tiêu chuẩn về sản phẩm, thực phẩm chức năng có vai trò như thế nào với sức khỏe, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển nhanh chóng, áp lực cuộc sống ngày càng cao, người lao động gần như không thể ăn uống điều độ, đúng bữa, thưa TS?

TS. Trần Việt Nga: Thực phẩm chức năng theo quy định của Luật An toàn thực phẩm là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm dinh dưỡng y học. Thực phẩm bổ sung (Supplemented Food) là thực phẩm thông thường được bổ sung vi chất và các yếu tố có lợi cho sức khỏe như vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzym, probiotic, prebiotic và chất có hoạt tính sinh học khác.

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe chứa một hoặc nhiều chất hoặc hỗn hợp các chất sau: Vitamin, khoáng chất, axit amin, axit béo, enzyme, probiotic và chất có hoạt tính sinh học khác; Chất có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm động vật, khoáng vật và thực vật dưới dạng chiết xuất, phân lập, cô đặc và chuyển hóa. Như vậy đối với những người trong cuộc sống hằng ngày không đủ điều kiện để thực hiện dinh dưỡng đa dạng, dinh dưỡng đúng cách, rất có khả năng sẽ bị thiếu hụt một số vitamin, khoáng chất. Do vậy, thực phẩm chức năng là một cách thức để bổ sung các vi chất dinh dưỡng và các hoạt chất sinh học cần thiết cho những người có thể trạng bị thiếu hụt các chất đó.

tp bổ sung

Khi sử dụng thực phẩm bổ sung người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm uy tín, đảm bảo chất lượng.

PV: Như vậy, không thể phủ nhận vai trò của thực phẩm chức năng với sức khỏe. Tuy nhiên, có nhiều sản phẩm được quảng cáo quá mức ảnh hưởng đến niềm tin của người dân với doanh nghiệp, với sản phẩm thực phẩm chức năng. Theo TS. doanh nghiệp cần làm gì để vừa quảng bá được sản phẩm vừa tạo được niềm tin của người sử dụng với các sản phẩm thực phẩm chức năng?

TS. Trần Việt Nga: Một lần nữa phải khẳng định: Thực phẩm chức năng là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm chức năng gồm 04 nhóm: Thực phẩm bổ sung; Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ; Thực phẩm dinh dưỡng y học; Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.

Mỗi sản phẩm thực phẩm chức năng khi lưu hành phải đáp ứng quy định về quản lý thực phẩm chức năng, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, chỉ tiêu an toàn; đối tượng sử dụng, cách dùng phải phù hợp với công dụng của sản phẩm. Tuy nhiên hiện nay tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, thổi phồng công dụng, làm cho người tiêu dùng gây nhầm về bản chất sản phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Để tăng cường niềm tin, quảng bá sản phẩm TPCN chất lượng, an toàn, phải chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc quảng cáo thực phẩm, tạo môi trường quảng cáo công bằng, bình đẳng, minh bạch, đúng pháp luật về quảng cáo tại Việt Nam. Yêu cầu các doanh nghiệp phải kiểm soát việc quảng cáo sản phẩm của mình trên các phương tiện truyền thông; Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành chức năng để tăng cường quản lý quảng cáo; Yêu cầu các bệnh viện, cơ sở y tế, các bác sĩ, dược sĩ tuân thủ điều lệ của tổ chức, người nổi tiếng, nghệ sĩ không tham gia quảng cáo vi phạm quy định của pháp luật; Tiếp tục công khai các hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

Đối với người tiêu dùng, Bộ Y tế tăng cường tuyên truyền rộng rãi tới người tiêu dùng:

- Trong trường hợp mắc bệnh thì cần tới cơ sở y tế để khám và được điều trị kịp thời theo phác đồ của thầy thuốc.

- Lưu ý khi sử dụng thực phẩm chức năng:

+ Đọc kỹ nhãn sản phẩm, trên nhãn thực phẩm bảo vệ sức khỏe luôn ghi dòng chữ: "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh"; Xem rõ về thành phần, tác dụng, liều dùng của sản phẩm để sử dụng cho phù hợp và bảo đảm sức khỏe. Trên nhãn sản phẩm TPBVSK luôn có ghi đối tượng khuyến cáo sử dụng và không sử dụng

+ Chọn mua các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có ghi Tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và Nhà sản xuất sản phẩm rõ ràng;

+ Khi xem các quảng cáo trên mạng xã hội cần lưu ý phân biệt các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo, ví dụ: Uống thực phẩm bảo vệ sức khỏe sau đó sẽ khỏi bệnh, có hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế giới thiệu về sản phẩm, không có dòng chữ "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" đều là các quảng cáo vi phạm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế thường xuyên đăng tải các thông tin cảnh báo và thông tin xử lý vi phạm hành chính liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng để người tiêu dùng biết và không mua.

thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt

Thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt đáp ứng chế độ ăn đặc thù cho nhiều đối tượng nhưng khi sử dụng cũng cần lựa chọn đúng và phù hợp để bảo vệ sức khỏe.

PV: Thực tế cho thấy, từ sau đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu đã làm cho thói quen và nhận thức chăm sóc sức khỏe của người Việt chuyển hướng tập trung đầu tư cho quá trình phòng bệnh hơn chữa bệnh. Do đó, tuy phải đối diện với những rào cản khó khăn về phục hồi kinh tế nhưng thị trường TPCN còn nhiều cơ hội lớn để phát triển do nhu cầu thực tế của người dân ngày càng tăng. Vậy, để thúc đẩy thị trường TPCN phát triển minh bạch và lành mạnh, ổn định và lâu dài, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cần làm gì trong ngắn hạn và dài hạn, thưa TS?

TS. Trần Việt Nga: Để thúc đẩy thị trường TPCN phát triển, trước mắt, các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh TPCN. Các cơ quan quản lý nhà nước quản lý TPCN tuân thủ nghiêm pháp luật, đảm bảo công bằng, công chính trong thực thi pháp luật.

Về lâu dài:

Về phía doanh nghiệp:

+ Tăng đầu tư khoa học, kỹ thuật để phát triển sản phẩm; Bảo hộ công thức, bảo hộ thương hiệu, bảo hộ sản phẩm; Phòng chống bị làm giả sản phẩm.

+ Nghiên cứu thị trường, nhu cầu thị hiếu của nhóm người tiêu dùng, xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh, mở rộng thị trường, tiếp thị, quảng cáo, kinh doanh, sản xuất đúng pháp luật.

+ Hợp tác với các doanh nghiệp để cùng phát triển.

- Về phía nhà nước:

+ Quy hoạch và phát triển các vùng nguyên liệu, dược liệu an toàn; vùng nguyên liệu hữu cơ.

+ Kết nối, kết hợp giữa nhà khoa học và doanh nghiệp để phát triển các sản phẩm mới, mang nhiều lợi ích cho sức khỏe và lợi nhuận kinh tế.

+ Hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xuất khẩu sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế.

+ Hoàn thiện thể chế, chính sách để đảm bảo quản lý công bằng, bình đẳng, minh bạch, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp đồng thời phải đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

PV: Xin trân trọng cảm ơn TS!

Mời bạn xem thêm:

Người tiêu dùng cần chú ý cụm từ này khi mua, sử dụng thực phẩm chức năngNgười tiêu dùng cần chú ý cụm từ này khi mua, sử dụng thực phẩm chức năng

SKĐS - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng nhiều lần cảnh báo nguy hại về quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế không chỉ về tài chính mà người mắc bệnh nan y, bệnh mạn tính sử dụng các sản phẩm này có thể bỏ lỡ "thời gian vàng" trong điều trị, gây ảnh hưởng sức khoẻ, tính mạng.


Lê Thu Lương (thực hiện)
Ý kiến của bạn